Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Tuyển thêm hơn 5.500 người trong vòng 1 năm qua, VPBank đang tính toán gì với bài toán nhân sự?

Riêng quý đầu năm 2017, VPBank đã tuyển thêm gần 2.700 người, trong đó chủ yếu ở công ty tài chính, còn riêng ngân hàng cũng tuyển tới xấp xỉ 500 chỉ tiêu.

Báo cáo tài chính quý 1/2017 vừa công bố của VPBank cho thấy tổng số nhân sự của ngân hàng hợp nhất đến hết tháng 3 năm nay đã lên đến 20.041 người, tăng 2.654 người so với thời điểm cuối năm 2016. Trong đó riêng ngân hàng mẹ có số nhân sự là 9.198 người, tăng 489 người so với cuối năm trước.

So với cuối quý 1/2016, nhân sự của VPBank và hai công ty con đã tăng thêm 5.513 người và nếu so với cuối năm 2015 thì con số đã tăng tới hơn 7.100 người. Riêng ngân hàng mẹ cũng tăng 2.087 nhân sự so với cách đây 1 năm.

Nhiều người hẳn sẽ đặt câu hỏi, VPBank đang toan tính điều gì mà lại mạnh tay tuyển dụng đến vậy.

Nhìn lại tình hình VPBank vài năm trở lại đây cho thấy ngân hàng này đã phát triển theo một đường thẳng đứng. Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết hiện ngân hàng hợp nhất đang dẫn đầu nhóm cổ phần về doanh thu, còn nếu tách riêng ngân hàng thì cũng nằm trong top 3. Bên cạnh đó ngân hàng còn dẫn đầu nhóm cổ phần về lợi nhuận. Kết thúc năm 2016 ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế hơn 4.900 tỷ, quý đầu năm 2017 là hơn 1.900 tỷ và kế hoạch cả năm đạt 6.800 tỷ.

Có điều đáng chú ý, phần lợi nhuận này lại được đóng góp nhiều bởi công ty con là FE Credit – vốn dĩ tổng dư nợ chỉ hơn 30 nghìn tỷ. Năm ngoái công ty này đóng góp hơn 1.500 tỷ đồng vào lợi nhuận của ngân hàng hợp nhất, còn riêng quý đầu năm nay thì con số đã lên đến hơn 1.000 tỷ đồng. FE Credit có vốn điều lệ 2.790 tỷ đồng cùng lượng cán bộ nhân viên khoảng 10.000 người, đang nắm trong tay hơn 50% thị phần tài chính tiêu dùng tại Việt Nam.

Còn về nhân sự, theo dõi tình hình của nhà băng này cho thấy không chỉ năm 2016 mà từ 2015 và 2014 VPBank đã tăng lượng nhân sự một cách chóng mặt cùng với việc chuyển đổi mô hình sang bán lẻ. Theo báo cáo của Ban điều hành, thu nhập thuần của khối khách hàng cá nhân đã tăng gấp rưỡi trong năm vừa qua, khối SME tăng 30%, tín dụng tiêu dùng tăng gấp đôi…Riêng đóng góp của hoạt động bán lẻ chiếm tới 75% tổng thu nhập thuần từ hoạt động của ngân hàng, trong đó cho vay tín chấp cá nhân đóng góp gần 40% vào thu nhập hoạt động của khối. Các con số này là minh chứng rõ ràng cho thấy việc tuyển dụng của ngân hàng nhắm đến mục tiêu đánh mạnh vào bán lẻ.

Ngoài việc tuyển ồ ạt, phát triển con người còn là một trong các mục tiêu quan trọng nhất được VPBank chú trọng phát triển. Trong một lần chia sẻ với người viết gần đây, bà Huỳnh Thị Ngọc Trúc, giám đốc khối nguồn nhân lực của VPBank đã tiết lộ điều này.

Bà Trúc cho biết, nhân sự được ngân hàng chú trọng phát triển, đào tạo những năm gần đây theo mô hình quản trị quốc tế. Trong hệ thống 10.000 người (riêng ngân hàng - PV), ngoài các vị trí chủ chốt khoảng hơn 140 vị trí, các vị trí còn lại ngân hàng nhóm những công việc tương tự nhau vào các nhóm nhận diện, từ đó xác định được những yêu cầu về kỹ năng, năng lực cũng như xây dựng kế hoạch đào tạo, phát triển phù hợp cho từng nhóm. Với các tiêu chí đã có, người lao động có thể chủ động đưa ra kế hoạch phát triển bản thân (bao gồm cả luân chuyển nội bộ công ty nếu phù hợp), mục tiêu phấn đấu cũng như có định hướng cho tương lai rõ ràng hơn.

Một vấn đề mà theo bà Trúc đang làm đau đầu các nhà quản trị nhân sự ngân hàng, đó là tình trạng nhảy việc liên tục và thời gian gắn bó ngày càng ngắn. Theo các kết quả khảo sát trước đây, mỗi nhân viên ngân hàng thường gắn bó 5-6 năm, sau đó giảm xuống còn 3-4 năm, và vào năm 2016 thì con số chỉ còn là 2-3 năm. Các vị trí bị nhảy việc nhiều nhất là làm kinh doanh. Thường sau một thời gian ngắn, họ, hoặc là áp lực không chạy theo kịp chỉ tiêu, hoặc không còn hứng thú với công việc đang làm mà muốn thay đổi nên đã tìm đến bến đỗ mới.

Việc nhân sự thay đổi liên tục khiến ngân hàng chịu tổn thất nhiều bởi họ phải bỏ ra từ 6 tháng cho tới 1 năm để đào tạo người mới và luôn trong trạng thái nơm nớp vì không biết người lao động sẽ ở với mình bao lâu. Bà thừa nhận ở VPBank cũng không nằm ngoài xu hướng đó, song ngân hàng buộc phải chấp nhận sống chung và tìm hướng giải quyết.

Để giải bài toán này, VPBank đang xây dựng văn hóa doanh nghiệp để giữ chân người tài. Ở đó người lao động vừa được trả công xứng đáng lại có môi trường phát huy hết khả năng của mình. Với mô hình đang theo đuổi là quản trị theo nhóm công việc, bà Trúc cho biết VPBank đặt mục tiêu sẽ nâng mức độ gắn bó của người lao động lên bình quân 3-4 năm và dài hơn nữa. “Một khi người ta đã gắn bó với mình được đến 5-6 năm thì sẽ gắn bó rất lâu dài”, vị quản lý cấp cao của VPBank, từng là giám đốc nhân sự và giám đốc quản lý dự án chiến lược của HSBC, nhận xét. Bà đồng thời khẳng định, quan điểm của lãnh đạo ngân hàng là VPBank không phải ngân hàng trả lương cao nhất nhưng là nơi làm việc lý tưởng nhất.

Tùng Lâm

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Ngân hàng tìm lại thời hoàng kim

Một loạt kế hoạch bứt phá và đang dần hiện thực hứa hẹn nhiều ngân hàng tìm lại thời hoàng kim...

Về cơ bản, mùa đại hội đồng cổ đông thường niên các ngân hàng thương mại Việt Nam đã khép lại. Cùng lúc, báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2017 đang hé mở một năm khác biệt.

Cho đến nay, 2011 là năm dấu ấn của khởi đầu quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam. Đây cũng là năm những bất ổn nội tại chính thức bộc lộ. Và đây cũng là năm hoàng kim lợi nhuận của hầu hết các ngân hàng trong lịch sử, tính đến cuối 2016.

Sau 2011, kéo dài cho đến 2015 và vẫn còn phổ biến trong 2016, sự đứt gãy của lợi nhuận kéo dài cho đến những nỗ lực phục hồi.

Một thời lãi “ảo”

Như trên, 2011 vừa là năm đỉnh cao lợi nhuận nhưng cũng chính là năm rủi ro lớn chính thức bộc lộ. Dữ liệu thống kê cho thấy lợi nhuận nhiều nhà băng đều đạt đỉnh vào năm này, song mức độ nợ xấu hai con số cũng chính thức được “phơi” ra.

Ngay trước 2011, hệ thống ngân hàng Việt Nam và công chúng quen với con số nợ xấu công bố chỉ trên dưới 3%, mức cao từng ghi nhận chỉ 3,4%. Khi đó, một số hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế quả quyết nợ xấu thực tế cỡ hai con số.

Tại một cuộc họp báo chuyên đề về nợ xấu khi đó, một lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước cho biết, chính họ cũng không rõ các hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế tính toán thế nào mà lại ra được mức độ đó. Hỏi ra, cách tính rất đơn giản: lấy nợ xấu các ngân hàng báo cáo, cộng thêm nợ nhóm 2 (nợ quá hạn nhưng chưa phải nợ xấu) thì thành ra kết quả.

Không truy xét chuyện kỹ thuật của thông tin chia sẻ bên lề cùng “cách tính đơn giản” nói trên, nhưng không lâu sau, Ngân hàng Nhà nước lần đầu tiên công bố và xác nhận nợ xấu của hệ thống ở mức độ hai con số. Diễn tiến tiếp theo là cách nhìn nhận nợ xấu do các tổ chức tín dụng báo cáo, rồi qua mức độ giám sát từ xa của Ngân hàng Nhà nước.

Dù thế nào thì ngay chính năm đỉnh cao lợi nhuận 2011, nợ xấu thực tế đã “ngầm” rất lớn. Để rồi thống kê và công bố một cách thẳng thắn tại 9/2012 lên tới 17,21%.

Nhắc lại mức độ nợ xấu trên để thấy lợi nhuận ngân hàng đã từng một thời hoàng kim nhưng “ảo”. Vì nợ xấu không được nhận diện sát thực, dẫn tới mức độ trích lập dự phòng rủi ro không tương xứng và dẫn tới lợi nhuận cao mà không vững.

Từ 2012, với diễn tiến nhận diện trên, Ngân hàng Nhà nước từng bước thiết lập khung khổ pháp lý mới quy định phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro chặt chẽ hơn, thậm chí có phần khắc nghiệt (với nhiều lần trì hoãn cơ chế). Lợi nhuận ngân hàng theo đó dần “chất” hơn cho đến nay.

Hứa hẹn một năm ấn tượng

Qua mùa đại hội đồng cổ đông, cùng báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 đang cập nhật, 2017 hứa hẹn một năm ấn tượng tại nhiều ngân hàng thương mại.

Điểm đầu tiên vẫn phải nhắc đến Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Ngân hàng này có lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý 1/2017 đạt tới trên 1.900 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên lợi nhuận của một ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân phả hơi nóng sát gáy khối “big 4” (gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank).

Điểm nhấn đó được chú ý, vì VPBank khá điển hình cho quy mô của một ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, tổng tài sản chỉ gần 230 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, thử nhìn sang BIDV, thành viên thường nhấn mạnh về quy mô tổng tài sản dẫn đầu hệ thống thời gian gần đây, trên 1 triệu tỷ đồng, thì mức độ lợi nhuận tạo được có khả năng bị VPBank áp sát. Bởi vì, tổng tài sản rất lớn nhưng chất lượng tài sản và mức độ sinh lời của BIDV vẫn chưa thể được cải thiện.

Cũng trong so sánh trên, thuộc nhóm “big 4”, Vietcombank có quy mô tổng tài sản thấp hơn rất nhiều BIDV, nhưng dự kiến năm nay lợi nhuận Vietcombank tiếp tục tạo kỷ lục với 9.200 tỷ, khả năng đạt 9.500 tỷ như lãnh đạo ngân hàng này dự tính.

Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, qua kết quả quý 1 và kế hoạch xác định tại mùa đại hội đồng cổ đông vừa qua, sự bứt phá và trở lại thời hoàng kim đã thể hiện ở một loạt thành viên như Techcombank, MB, LienVietPostBank, HDBank…

Ở một số trường hợp còn khó khăn nhất định sau sáp nhập như SHB, quý 1 kết quả lợi nhuận vẫn thấp, nhưng với những khoản thu dự kiến đã ký, đã tính, đặc biệt là với đối tác nước ngoài, tín dụng tăng mạnh ngay quý đầu năm, cùng kế hoạch sớm đưa công ty tài chính tiêu dùng nhập cuộc, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tới 50% so với năm ngoái đã được xác định.

Ngay cả tại Sacombank, khó khăn đang chồng chất sau sáp nhập Southern Bank, nhưng sự bứt phá so với 2016 là có triển vọng. Điểm được chú ý ở đây là cơ chế hỗ trợ tái cơ cấu sẽ giúp Sacombank giảm thiểu áp lực chi phí và sức nặng nợ xấu để tiếp tục phát huy thế mạnh vốn có của ngân hàng từng có vị thế hàng đầu trong khối tư nhân này.

Bên cạnh những kế hoạch đã định hình, những kết quả bước đầu công bố, hệ thống ngân hàng còn có triển vọng mới ở cơ chế chính sách.

Tại kỳ họp Quốc hội sắp tới, nếu nghị quyết hỗ trợ xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng được thông qua, đòn bẩy lợi nhuận sẽ thêm đà từ đầu quý 3/2017. Còn kỹ thuật giãn áp lực chi phí và giãn thoái lãi dự thu dự kiến trong dự thảo nghị quyết gắn với quan điểm chuẩn mực hoạt động ngân hàng lại là chuyện khác.

Tựu chung, như trên, với khung khổ các chuẩn mực cao hơn trong phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, sự trở lại thời hoàng kim lợi nhuận của các ngân hàng năm nay đã khác, bớt “ảo” hơn so với trước.

Đồng thuận với kết quả và xu hướng trên, ngày 3/5 vừa qua, hãng định mức tín nhiệm quốc tế Moody’s đã đồng loạt nâng hạng tín nhiệm cho 8 ngân hàng Việt Nam.

Đó không chỉ là ghi nhận, là tín nhiệm, mà còn là tiền. Vì với hạng mức mới, tốt hơn, các ngân hàng đó sẽ có cơ hội để các đối tác nước ngoài nâng hạn mức tài trợ, thanh toán…, cũng như nếu đi vay vốn quốc tế đã có thêm một cơ sở để có thể được chi phí dễ chịu hơn những năm gần đây.

Theo Vũ Ca

VnEconomy

Đọc tiếp »

Bị phản đối, Vietcombank tạm thời chưa áp dụng điều kiện mới về sử dụng ngân hàng điện tử

Ngân hàng khẳng định, cho đến khi có thông báo mới, Nội dung thỏa thuận sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử cũ vẫn có giá trị hiệu lực...

Ngân hàng Vietcombank vừa có thông báo cho biết, vừa qua, Vietcombank đã có thông báo tới khách hàng về việc điều chỉnh nội dung thỏa thuận sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử với mục đích đảm bảo quyền lợi tối đa cho khách hàng và đảm bảo an toàn cho giao dịch ngân hàng, áp dụng từ ngày 10/5/2017.

Tuy nhiên, qua ý kiến của khách hàng, Vietcombank nhận thấy cách sử dụng từ ngữ trong một số điểm có thể dẫn đến việc hiểu chưa đúng về mục đích của việc điều chỉnh này. Tiếp thu những ý kiến phản hồi đó, Vietcombank sẽ nghiên cứu để có những điều chỉnh cần thiết trên cơ sở đảm bảo tính phù hợp với các quy định theo thông lệ quốc tế cũng như thực tiễn tại Việt Nam hướng tới bảo đảm tối đa quyền lợi của khách hàng.

Ngân hàng khẳng định, cho đến khi có thông báo mới, Nội dung thỏa thuận sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử vẫn có giá trị hiệu lực tức là chưa áp dụng Điều khoản, điều kiện mới từ ngày 10/5/2017 như thông báo trước đây.

Trước đó như chúng tôi đã phản ánh, những quy định mới mà Vietcombank dự kiến triển khai với dịch vụ ngân hàng điện tử dành cho khách hàng cá nhân có nhiều quy định trong đó được giới chuyên gia công nghệ và bảo mật cho rằng sẽ gây thiệt cho khách hàng, “đẩy khó” về phía khách hàng trong trường hợp xảy ra sự cố bảo mật.

Chẳng hạn, khách hàng không truy cập dịch vụ từ bất cứ thiết bị nào kết nối với hệ thống máy tính cục bộ (hay mạng LAN) nếu không bảo đảm rằng không ai khác có thể theo dõi hay sao chép việc truy cập của khách hàng. Đồng thời, khách hàng phải chịu trách nhiệm bảo đảm rằng thiết bị đầu cuối và các thiết bị khác mà khách hàng sử dụng để kết nối với các dịch vụ là không có và được bảo vệ chắc chắn khỏi virus cũng như các phần mềm máy tính gây hại…

Đến điều 10 về trách nhiệm của khách hàng với yêu cầu giao dịch gian lận, Vietcombank tiếp tục quy định “khách hàng cam kết chịu trách nhiệm cho tất cả các tổn thất và chi phí do các giao dịch gian lận đã được thực hiện, nếu khách hàng đã hành động thiếu cẩn trọng hoặc làm không đúng, không đầy đủ bất cứ nghĩa vụ bảo mật nào…”. Đáng lưu ý, các quy định này được Vietcombank ràng buộc về mặt pháp lý trong giao dịch cung cấp và sử dụng dịch vụ giữa khách hàng với NH.

Nhiều khách hàng đã phản ứng khi đọc các quy định mới này và cho rằng NH đang đẩy trách nhiệm về phía người dùng bởi thực tế, người dùng không thể giám sát được việc tài khoản, thông tin của mình có bị “theo dõi, sao chép” trong quá trình sử dụng dịch vụ NH điện tử.

Việc Vietcombank thông báo chưa áp dụng điều khoản mới sau khi nhận được phản hồi của khách hàng cho thấy nhà băng này đã có sự lắng nghe và cầu thị. Trong bối cảnh các ngân hàng phải cạnh tranh nhau gay gắt về khách hàng và dịch vụ thì động thái này của Vietcombank đã phần nào làm tăng thiện cảm của người dùng.

Tùng Lâm

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Vietcombank tăng giá USD thêm 30 đồng

Trong số các ngân hàng được chúng tôi khảo sát sáng nay, riêng Vietcombank là ngân hàng điều chỉnh tăng mạnh đồng bạc xanh nhất. Sáng nay, tỷ giá trung tâm cũng được Ngân hàng Nhà nước tăng thêm 5 đồng.

Sáng nay (8/5), tỷ giá trung tâm giữa Đồng Việt Nam (VND) và Đôla Mỹ (USD) được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 22.358 đồng, tăng 5 đồng so với cuối tuần qua.

Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng hôm nay là 23.028 VND/USD và tỷ giá sàn là 21.687 VND/USD.

Trong khi đó tại một số ngân hàng thương mại, đồng USD cũng đang được điều chỉnh tăng mạnh. Ngân hàng Vietcombank đã tăng thêm 20 đồng ở chiều mua và tăng 30 đồng ở chiều bán so với chốt phiên thứ Bảy lên 22.710-22.790 đồng/USD.

Vietinbank mua – bán USD giá 22.695 – 22.765 đồng/USD, tăng 5 đồng chiều mua vào, giảm 5 đồng chiều bán ra.

Tại nhóm ngân hàng cổ phần, ACB và Eximbank đang giao dịch ở mức: 22.700-22.770 đồng, chưa thấy có sự điều chỉnh so với cuối tuần trước.

Mai Ngọc

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Giá vàng tăng nhẹ sau kết quả bầu Tổng thống Pháp

Mở cửa giao dịch sáng đầu tuần, giá mua bán vàng miếng trong nước tăng khoảng 50.000 đồng mỗi lượng. Khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới tiếp tục duy trì ở mức 2,85 triệu đồng/lượng.

Sáng nay, Công ty VBĐQ DOJI niêm yết giá vàng miếng ở mức 36,54-36,62 triệu đồng/lượng, tăng so với chốt phiên trước 50 nghìn đồng/ lượng ở cả chiều mua và chiều bán.

Giá vàng miếng SJC được niêm yết tại Công ty VBĐQ Phú Nhuận (PNJ) ở 3 khu vực TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ ở mức giá 36,43 – 36,64 triệu đồng/lượng, giá mua vào và giá bán ra khá ổn định so với phiên giao dịch cuối tuần qua. Còn tại thị trường Hà Nội, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mức 36,53 - 36,61 triệu đồng/lượng, giá mua vào tăng 60 nghìn đồng/lượng và giá bán ra tăng 20 nghìn đồng/lượng so với cuối tuần qua.

Thị trường vàng miếng trong những ngày cuối tuần khá ổn định và không có nhiều sự biến động bất thường, đa số nhà đầu tư tham gia thị trường là các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Theo ghi nhận của PNJ, tổng lượng giao dịch vàng miếng tại PNJ trong những ngày cuối tuần đạt hơn 210 lượng, trong đó tỷ lệ mua vào chiếm 38% và tỷ lệ bán ra chiếm 62%, nhìn chung đa số vẫn chỉ là các giao dịch nhỏ lẻ tại khu vực TP. Hồ Chí Minh là chủ yếu.

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, giá vàng giao dịch tại thị trường châu Á ở mức 1.230,1 USD/ounce, khá ổn định so với chốt phiên giao dịch cuối tuần ở mức 1.229 USD/ounce. So với đầu tuần trước giá vàng thế giới trong tuần này có sự giảm mạnh gần 40 USD, tương đương hơn 3,1% (giá vàng trong phiên giao dịch ngày 02/05 ở mức 1.270 USD/ounce).

Khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới tiếp tục duy trì ở mức 2,85 triệu đồng/lượng.

Nguyên nhân giá vàng chỉ biến động nhẹ là do tình hình địa chính trị trên thế giới đã có sự dịu bớt và kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Pháp đúng như dự đoán của các nhà đầu tư khi ông Macron giành được chiến thắng trước ứng cử viên là bà Le Pen.

Theo cuộc khảo sát của Kitco về giá vàng trong tuần này, tại phố Wall Street chỉ có 37% chuyên gia cho rằng giá vàng sẽ tăng trong tuần này và tại Main Street cũng chỉ có 48% số phiếu cho rằng giá vàng sẽ tăng trở lại trong tuần này.

Mai Ngọc

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Moody’s cảnh báo ngân hàng Việt tiếp tục thiếu vốn

Moody’s ước tính, toàn bộ hệ thống ngân hàng bị thiếu hụt vốn khoảng 9,5 tỷ USD tính đến cuối năm 2016, tương đương 4,6% GDP.

Moody’s Investors Service vừa ra báo cáo cho biết ngân hàng Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng thiếu vốn trong vòng 12-18 tháng tới, và tình trạng này vẫn tiếp tục là một gánh nặng tín dụng chủ yếu đối với ngành ngân hàng.

Moody’s định nghĩa khoản hụt vốn này là lượng vốn bên ngoài ngân hàng cần để đưa các tỷ lệ vốn cấp 1 về mức 8% sau khi các ngân hàng sử dụng nguồn dự phòng cho lỗ và nợ xấu, đồng thời trích lập dự phòng cho tất cả lượng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành.

Ước tính này của Moody’s dựa trên các ngân hàng được cơ quan này xếp hạng tín nhiệm, chiếm 53% tổng tài sản của hệ thống ngân hàng tính đến cuối năm 2016.

“Tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh của các ngân hàng sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng hụt vốn, dựa trên kịch bản cơ sở của chúng tôi cho tăng trưởng kinh tế mạnh của Việt Nam trong vòng 12 đến 18 tháng tới”, Daphne Cheng, chuyên gia phân tích tại Moody’s, cho biết.

Moody’s dự báo tăng trưởng GDP thực của Việt Nam ở mức 6,4% trong năm nay và năm 2018, so với mức 6,2% trong năm 2016. Trong khi đó, tín dụng được dự báo tăng trưởng 26% trong năm 2017 và 2018.

Moody’s ước tính, toàn bộ hệ thống ngân hàng bị thiếu hụt vốn khoảng 9,5 tỷ USD tính đến cuối năm 2016, tương đương 4,6% GDP.

Moody’s cũng cho biết thêm, hệ thống ngân hàng sẽ chịu một lượng thiếu vốn ước tính từ 5,1 đến 6,1 tỷ USD tính đến cuối năm nay, tương đương 2,5%-3,0% GDP, nếu không có đột biến nào trong tỷ lệ nợ xấu và thu nhập lõi của ngân hàng.

Chuyên gia Cheng của Moody’s nhận định rằng khả năng tạo vốn của ngân hàng Việt vẫn yếu, do tỷ suất NIM thấp, thu nhập từ phí thấp, và gánh nặng trích lập lớn. “Trong bối cảnh này, phải mất nhiều năm thì hệ thống ngân hàng mới có thể lấp khoảng thiếu hụt vốn thông qua việc tự tạo vốn”.

Cuối tháng trước, Moody’s ra thông báo giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu không đảm bảo có độ ưu tiên cao và xếp hạng nhà phát hành của Việt Nam ở mức B1, đồng thời điều chỉnh triển vọng xếp hạng từ “Ổn định” lên “Tích cực”.

Theo Minh Tuấn

BizLIVE

Đọc tiếp »