Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

Có nên học tập Hàn Quốc, dân góp tiền xử lý nợ xấu?

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, nhiều quốc gia lấy tiền ngân sách xử lý nợ xấu thì đấy là việc của họ vì họ khác Việt Nam.

"Cơ chế gì cũng được, nhưng không được hỗ trợ trực tiếp giải quyết nợ xấu bằng tiền trực tiếp từ ngân sách."; "Không được dùng ngân sách xử lý nợ xấu. Đây là nguyên tắc cần được ghi rõ trong nghị quyết.”; "Dứt khoát không lấy ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu. Kể cả chính phủ bảo lãnh cũng không dùng ngân sách. Vậy phải đưa vào Điều 3 là nguyên tắc không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu",...

Đây là những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận góp ý Nghị quyết xử lý nợ xấu. Đa số các đại biểu Quốc hội đều ủng hộ việc ban hành một Nghị quyết xử lý nợ xấu ở thời điểm hiện nay là rất cần thiết, thậm chí có ý kiến còn đánh giá là quá chậm so với nhu cầu thực tiễn. Và đáng chú ý, hầu hết các đại biểu cùng nêu quan điểm không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu.

Trong khi đó, có ý kiến cho rằng ở Hàn Quốc, người dân góp tiền để xử lý nợ xấu, chúng ta có nên học tập bài học kinh nghiệm này không? Trao đổi thêm với chúng tôi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế - TS. Bùi Trinh cho biết ở Việt Nam nợ xấu đi lòng vòng, nếu lấy tiền ngân sách để xử lý nợ xấu là không nên.

Theo vị chuyên gia này, nhiều nước người dân góp tiền để xử lý nợ xấu thì đấy là việc của các nước đó rất khác Việt Nam. Ở Việt Nam không thể áp dụng điều này. Ví dụ, ở Hàn Quốc, mọi thứ đều minh bạch khi biết ai nợ và nợ ai?

TS. Bùi Trinh nhấn mạnh đề xuất dùng ngân sách để xử lý nợ xấu là điều vô lý. Những đại gia sử dụng tiền nợ mua nhà, mua xe,... tại sao lại bắt người dân trả nợ cho những ông này?

Tại Việt Nam, việc nợ xấu đi lòng vòng đó còn là chưa kể hiện việc định giá tài sản còn nhiều bất cập. Khi tài sản thực sự không như vậy thì cái ai dám mua cái nợ xấu đã được thổi phồng qua giá trị tài sản.

Trong khi đó, tất cả đều cho rằng giải quyết nợ xấu để giảm lãi suất 1% trong khi giá điện, giá xăng,... tăng thì cũng không giúp chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp giảm. Ngoài ra, cần phải xử lý nghiêm minh cá nhân, tổ chức gây nên nợ xấu chứ không để người dân gánh chịu. Người bổ nhiệm cá nhân gây nên nợ xấu cũng cần xử lý.

Vị chuyên gia đồng thời đặt câu hỏi về việc nếu bán nợ xấu dưới giá trị sổ sách, ai chịu phần chênh lệch hay lại là người dân phải chịu?

Mai Ngọc

Theo Thời đại

Đọc tiếp »

Chuyện ở Maritime Bank: Khó xử lý khi khách hàng nợ quá hạn không hợp tác

Không chỉ là khách hàng chây ỳ không hợp tác mà những tài sản đảm bảo vì để quá lâu xuống cấp nghiêm trọng, đến khi đòi được thì giá trị tài sản chẳng còn bao nhiêu, khiến ngân hàng phải gia tăng nguồn dự phòng rủi ro để bù đắp.

Vấn đề xử lý nợ xấu đang được cả xã hội quan tâm vì nợ xấu là tảng băng ngăn chặn dòng chảy tín dụng của nền kinh tế. Theo số liệu mới được cập nhật tại kỳ họp Quốc hội lần này, tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý của toàn hệ thống các TCTD chiếm 5,8% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế; nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu thì tỷ lệ này sẽ là 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế.

Như vậy, với con số hơn 5,5 triệu tỷ đồng, tổng số nợ xấu của hệ thống hiện là hơn 550 nghìn tỷ.

Đánh giá về bức tranh nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiện nay, theo ông Nguyễn Hoàng An, Phó Tổng giám đốc Maritime Bank, Tổng Giám đốc Ngân hàng Quản lý tín dụng của Maritime Bank, bất cứ nước nào trải qua giai đoạn khủng hoảng của nền kinh tế đều gặp phải tình trạng nợ xấu chiếm tỷ trọng lớn trong vốn tín dụng. Nợ quá hạn cao làm một khối lượng lớn vốn, tài sản của xã hội (nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân...) nằm đọng không sinh lời dưới dạng nợ xấu (dự án dở dang, nhà xưởng máy móc thiết bị dở dang, phương tiện vận tải, máy móc thiết bị xây dựng, hàng hoá, hàng hoá tồn kho luân chuyển... ).

Không những không sinh lời mà những tài sản thế chấp này ngày càng xuống cấp và giảm giá nghiêm trọng nếu không được xử lý kịp thời, gây tổn thất lớn cho xã hội. Nợ quá hạn của hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Namvẫn đang ở mức cao, chính vì vậy rất cần sự tiếp sức của toàn xã hội trong vấn đề xử lý nợ xấu.

Như ở Maritime Bank, theo ông An, xác định xử lý nợ xấu là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách, chính vì vậy cách đây hơn 2 năm ngân hàng đã thành lập hẳn một đơn vị chuyên bịêt tập trung xử lý nợ xấu. Kết quả đạt được cũng tương đối tốt, tuy nhiên vẫn còn chậm do cũng gặp phải các khó khăn như khách hàng nợ quá hạn chây ỳ, không hợp tác, TCTD không thực hiện được quyền chủ nợ là thu giữ tài sản bán phát mại. Thời gian xử lý một khoản nợ qua các cơ quan pháp luật quá lâu, khi xử lý được thì tài sản đã xuống cấp nghiêm trọng, thu hồi không đủ nợ nên phải trích lập dự phòng lớn, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và bảo toàn vốn của các ngân hàng.

Ông An cho rằng việc Chính phủ đề xuất lên Quốc hội nghị quyết xử lý nợ xấu là quyết định đúng đắn, mang tính chất bước ngoặt giúp hệ thống ngân hàng Viêt Nam xử lý nợ xấu nhanh và hiệu quả.

Vì theo ông, ở các nước ở khu vực châu Á như Hàn quốc, Thái Lan, Malaysia ... trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế 1996-2000 cũng áp dụng hình thức trao quyền chủ nợ cho các TCTD, mua bán nợ theo giá thị trường và bán nợ cho nước ngoài... Chính vì vậy họ xử lý rất nhanh nợ xấu, giúp các TCTD cũng như chính doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn, nhanh chóng phục hồi nền kinh tế đất nước.

Hơn nữa, việc mua bán theo giá thị trường giúp các TCTD và nhất là các TCTD, doanh nghiệp (có vốn nhà nước) dám quyết định việc mua bán với giá thị trường kể cả trong trừơng hợp không thu hồi đủ nợ gốc.

Bên cạnh đó, việc cho các cá nhân, tổ chức kể cả nước ngoài tham gia mua bán nợ, mua bán tài sản bảo đảm chính là việc huy động mọi nguồn lực xã hội và đầu tư nước ngoài vào công tác xử lý nợ xấu, giúp đẩy nhanh công tác xử lý nợ xấu.

Việc đưa vào luật cho phép TCTD được chủ động thu hồi tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu cũng giúp chính người đi vay phải có trách nhiệm và cân nhắc kỹ càng trước khi vay và sử dụng vốn vay có hiêu quả. Những người đứng ra dùng tài sản của mình bảo lãnh cho người khác vay cũng phải hết sức thận trọng và cân nhắc, từ đó sẽ giảm tối đa tình trạng vay ké, tình trạng cấu kết lừa đảo ngân hàng.

Một khó khăn mà các tổ chức tín dụng khi xử lý tài sản đảm bảo qua cơ quan chức năng hiện nay, theo ông An, là khi các TCTD nhờ công an, chính quyền địa phương chứng kiến viêc thu hồi tài sản của TCTD theo hợp đồng thì họ thường rất ngại và nếu có tham gia thì họ chỉ thức hiện đúng nhiệm vụ chứng kiến và giữ gìn trật tự để tránh xảy ra sô sát. Trong trường hợp chủ tài sản không bàn giao tài sản thì TCTD cũng chịu thua. Nay nếu việc xử lý tài sản đảm bảo này đưa vào luật, nếu chủ tài sản chống đối không chịu bàn giao cho TCTD để thu hồi nợ là họ đã vi phạm pháp luật, cơ quan công an có quyền tạm giữ, như vậy mới giúp bên cho vay thực hiện được việc thu hồi nợ, tái tạo vốn cho nền kinh tế, cho xã hội.

Ông An đề xuất rằng, ngoài việc cho phép thu giữ, đề nghị các cơ quan chức năng có liên quan cũng tạo mọi điều kiện và thời gian để giúp các TCTD bán được tài sản đã thu giữ, nhất là với các tài sản có quy định cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Việc sang tên nhà cửa, đất đai, phương tiện vận tải, ô tô xe máy... đối với tài sản đã thu giữ chỉ cần chữ ký của ngân hàng và người mua (vì chủ tài sản cũ bất hợp tác sẽ vẫn không chịu ký). Đối với tài sản hình thành trên đất thuê của nhà nước, tạo điều kiện cho người mua tài sản tiếp tục thuê đất với thời hạn dài để kinh doanh thu hồi vốn. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện thủ tục nhanh chóng cho họ được chuyển vốn vào để mua bán nợ, mua bán sản xuất...

Tùng Lâm

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Ba phiên liền ngân hàng không cần “vay nóng”

Ngân hàng Nhà nước gần như không còn phải hỗ trợ thanh khoản hệ thống...

Ngày 30/5, thị trường liên ngân hàng và ở nghiệp vụ thị trường mở tiếp tục phản ánh trạng thái vốn thuận lợi của hệ thống thời gian gần đây.

Nối tiếp xu hướng thể hiện rõ trong một tháng qua, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng giảm khá mạnh và về mức thấp.

Theo tổng hợp từ Khối nghiên cứu Maritime Bank, ngày 30/5, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tiếp tục giảm 0,08 - 0,32 điểm phần trăm ở hầu hết các kỳ hạn, riêng kỳ hạn 1 tuần vẫn không thay đổi phiên thứ 10 liên tiếp.

Cụ thể, lãi suất qua đêm tiếp tục giảm xuống còn 2,42%, chỉ còn bằng phần nửa so với “mặt bằng” quanh 5%/năm cuối quý 1 đầu quý 2 vừa qua; kỳ hạn 1 tuần giữ ở 4,08%/năm; 2 tuần 3,06% và 1 tháng 3,52%.

Cùng với xu hướng giảm mạnh của lãi suất trên liên ngân hàng thời gian gần đây, ở nghiệp vụ thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước gần như đã không còn phải bơm vốn điều tiết hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống - hoạt động kéo dài với quy mô lớn sau Tết Nguyên đán.

Hôm qua (30/5) đánh dấu phiên thứ 3 liên tiếp Ngân hàng Nhà nước chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 7 ngày và không có khối lượng trúng thầu.

Trong ngày, có 796 tỷ đồng đáo hạn. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 796 tỷ đồng, đưa khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm xuống mức chỉ còn 379 tỷ đồng.

Theo Thùy Duyên

VnEconomy

Đọc tiếp »

Chào hè, ngân hàng chạy đua tặng tour miễn phí

Hàng loạt các chương trình khuyến mãi chào hè hấp dẫn đã được các ngân hàng triển khai nhằm thu hút khách hàng gửi tiền. Trong đó nổi bật là các chương trình tặng tour du lịch trong và ngoài nước miễn phí.

Giúp khách hàng giải nhiệt mùa hè này, Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK) tung ra một chương trình vô cùng hấp dẫn dành cho khách gửi tiết kiệm với 2 giải đặc biệt là chuyến du lịch châu Âu hoặc Mỹ dành cho cả đại gia đình 5 người trị giá lên tới nửa tỷ đồng. Các giải Nhất, Nhì, Ba, Tư cũng đủ sức khiến những tín đồ du lịch xốn xang khi mang tới cơ hội khám phá những vùng đất trong mơ như Dubai, Australia, Hồng Kông hay Vinpearl.

Chương trình khuyến mãi mang tên “Du lịch năm châu - Gia đình gắn kết” diễn ra từ 15/5/2017 đến hết ngày 12/8/2017 với tổng trị giá giải thưởng và quà tặng lên tới 5 tỷ đồng.

Chia sẻ về chương trình khuyến mãi khủng này, ông Nguyễn Việt Hanh - Phó Tổng Giám đốc BAC A BANK cho biết: “Mùa hè là khoảng thời gian nghỉ ngơi lý tưởng sau một năm làm việc, học tập bận rộn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thu xếp tài chính để có thể tổ chức một chuyến đi trọn vẹn tới những điểm đến hấp dẫn nổi tiếng thế giới cho đại gia đình. Thấu hiểu những trăn trở này, chúng tôi thiết kế CTKM Du lịch 5 châu – Gia đình gắn kết với giải đặc biệt lên tới nửa tỷ đồng như một món quà ý nghĩa dành tặng khách hàng, để mỗi hành trình du lịch là một kỷ niệm ý nghĩa cho cả nhà”.

Để mở ra cơ hội cho cả đại gia đình bước ra khám phá thế giới cùng BAC A BANK, khách hàng chỉ cần gửi tiết kiệm từ 100 triệu đồng với kì hạn tối thiểu 1 tháng hoặc gửi bất cứ số tiền nào với kì hạn từ 9 tháng trở lên. Gửi tiết kiệm càng nhiều, kì hạn càng dài thì cơ hội trúng thưởng càng lớn. Bên cạnh đó, khách gửi tiết kiệm còn được tặng ngay mũ bảo hiểm thời trang khi đáp ứng được các điều kiện của chương trình.

Châu Âu và Bali (Indonesia) cũng là điểm đến cho các khách hàng may mắn của Ngân hàng Quốc dân, theo đó NCB sẽ tặng cho mỗi khu vực (Bắc, Trung, Nam) 1 tour du lịch khám phá châu Âu, 2 tour du lịch khám phá Bali – các tour này đều dành cho 1 người. Ngoài ra, Ngân hàng này cũng tặng thêm các vật dụng tiện ích cho các chuyến đi như gối tựa cổ, ô du lịch, ba lô…

Đang có ý định gửi 300 triệu tiết kiệm để cuối năm mua xe, chị Hoàng Lan (Cầu Diễn, Hà Nội) đã lùng sục thông tin, so sánh lãi suất và chương trình khuyến mãi của hàng loạt ngân hàng để ‘chọn mặt gửi vàng’. Chị chia sẻ: “Đi gửi tiền tiết kiệm quan trọng nhất là lãi suất ngân hàng nào thật cạnh tranh. Tất nhiên là khi ngân hàng có quà tặng ngay và cơ hội bốc thăm may mắn khác thì càng tuyệt vời. Mình đang muốn tổ chức du lịch cho cả nhà nên chắc sẽ chọn ngân hàng nào lãi suất tốt nhất mà lại có cơ hội trúng tour miễn phí thôi.”

Trong khi đó, các chuyên gia truyền thông cho rằng, xu hướng đi du lịch hè với hành trình quốc tế đang ngày càng được người Việt Nam ưa chuộng. Vì thế, các chương trình chào hè tặng tour du lịch miễn phí như của ngân hàng Bắc Á và các ngân hàng khác đã đánh trúng thị hiếu khách hàng, vừa giúp ngân hàng quảng bá hình ảnh, thu hút khách hàng mới vừa đem lại lợi ích thiết thực cho khách gửi tiết kiệm.

A.D

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Mặt bằng lãi suất cho vay hiện chỉ bằng 40% năm 2011 và thấp hơn giai đoạn 2005-2006

Từ cuối tháng 4/2016 đến nay, các NHTM Nhà nước và một số NHTM cổ phần đã giảm khoảng 1%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn và điều chỉnh giảm về tối đa 10%/năm lãi suất cho vay trung và dài hạn đối với khách hàng tốt, vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Ban Dân nguyện Quốc hội vừa công bố các báo cáo tổng hợp các ý kiến chất vấn của cử tri kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV.

Theo đó, cử tri TP Hồ Chí Minh kiến nghị ngành Ngân hàng cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận được nguồn vốn vay với mức lãi suất ưu đãi để cải tiến công nghệ máy móc, mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm để tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Trả lời vấn đề này, NHNN cho biết trong năm 2016, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp cận nguồn vốn tín dụng, NHNN đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Cụ thể, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD thông qua nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn để đảm bảo cân đối vốn phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh; Điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND, lãi suất cho vay tối đa bằng VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên, góp phần giảm mặt bằng lãi suất hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

Từ cuối tháng 4/2016 đến nay, các NHTM Nhà nước và một số NHTM cổ phần đã giảm khoảng 1%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn và điều chỉnh giảm về tối đa 10%/năm lãi suất cho vay trung và dài hạn đối với khách hàng tốt, vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Mặt bằng lãi suất cho vay của các TCTD hiện chỉ bằng 40% lãi suất cho vay năm 2011, thấp hơn mức lãi suất cho vay giai đoạn 2005-2006.

Ngoài ra đã chỉ đạo, hỗ trợ các TCTD hướng dòng vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có DNNVV.

Chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét miễn giảm lãi vốn vay trên cơ sở đánh giá các biện pháp khắc phục khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng vay; xem xét, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các hợp đồng tín dụng đã ký trước đây xuống mức lãi suất cho vay hiện hành; đổi mới quy trình cho vay vốn theo hướng giảm bớt phiền hà cho khách hàng, rà soát và hoàn thiện hồ sơ theo hướng tiết giảm tối đa thủ tục, giấy tờ cho doanh nghiệp.

Tổ chức các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại các địa phương nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng ngân hàng; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có triển vọng phát triển, có sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhưng đang gặp khó khăn về tài chính vay được vốn ngân hàng để phục vụ sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp nêu trên, NHNN còn xây dựng, triển khai các chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực mà trong đó có đối tượng thụ hưởng là các DNNVV như: Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ; Chính sách cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Chính sách cho vay đối với chăn nuôi và thủy sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1149/TTg-KTN ngày 08/8/2012; Chương trình cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5/3/2014 của Chính phủ; Chính sách cho vay ưu đãi lãi suất theo Chương trình hỗ trợ các huyện nghèo tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ; Chính sách cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ.

Ngoài ra, để tăng khả năng tiếp cận tài chính của DNNVV, trên cơ sở nhiệm vụ được giao, NHNN đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành chủ quản trong việc triển khai chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNNVV thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương, hỗ trợ vốn thông qua Quỹ phát triển DNNVV, cũng như xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, cụ thể:

Ban hành Thông tư số 29/2014/TT-NHNN ngày 09/10/2014 hướng dẫn các ngân hàng thương mại phối hợp với Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong việc thực hiện cơ chế bảo lãnh cho DNNVV vay vốn theo quy định tại Quy chế bảo lãnh ban hành kèm theo Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg.

Ban hành Thông tư số 05/2015/TT-NHNN hướng dẫn các TCTD phối hợp với Quỹ bảo lãnh tín dụng trong cho vay có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ngày 15/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong xử lý khó khăn vướng mắc, hoàn thiện 02 cơ chế bảo lãnh tín dụng cho DNNVV thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương; hoàn thiện các văn bản hướng dẫn nhằm đưa Quỹ Phát triển DNNVV đi vào hoạt động, tạo thêm 01 kênh hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn.

Thực hiện Nghị quyết số 89/2015/QH13 ngày 09/6/2015 của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan (trong đó có NHNN) xây dựng dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV. Dự thảo Luật đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2; trên cơ sở ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật báo cáo Ủy ban Thường Vụ Quốc hội, dự kiến tiếp tục trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3.

Dự thảo Luật quy định nhiều chính sách hỗ trợ đối với đối tượng DNNVV, trong đó có các chính sách hỗ trợ về tiếp cận tín dụng từ các ngân hàng, tiếp cận tín dụng từ các Quỹ và các hỗ trợ tài chính khác. Đặc biệt, dự thảo Luật còn quy định về việc hỗ trợ DNNVV theo các chương trình hỗ trợ trọng tâm trong từng thời kỳ, trong đó nhấn mạnh vào hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành nhằm thúc đẩy DNNVV đổi mới công nghệ, tăng khả năng cạnh tranh và sản xuất kinh doanh bền vững.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên của ngành Ngân hàng đã góp phần khơi thông nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, người dân trong việc tiếp cận vốn nhất là các DNNVV trong việc cải tiến công nghệ máy móc, mở rộng sản xuất kinh doanh. Trên thực tế, các doanh nghiệp, khách hàng có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, có năng lực tài chính tốt, dự án, phương án sản xuất - kinh doanh hiệu quả, khả thi đã tiếp cận vốn dễ dàng với lãi suất hợp lý.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp, nhất là DNNVV gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng chủ yếu là do năng lực tài chính yếu kém, không chứng minh được tính khả thi và hiệu quả của dự án, phương án sản xuất kinh doanh; nợ phải trả tồn đọng lớn chưa có biện pháp xử lý... Ngoài ra, một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện vay vốn nhưng chưa có nhu cầu vay vốn do còn gặp khó khăn về thị trường. Vì vậy, để tăng khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng ngoài những giải pháp từ ngành Ngân hàng, bản thân doanh nghiệp cần cơ cấu lại hoạt động, nâng cao khả năng tài chính, tạo niềm tin để các TCTD yên tâm cấp tín dụng.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục triển khai nhiệm vụ và giải pháp về hoạt động ngân hàng để hỗ trợ các doanh nghiệp được vay vốn ngân hàng thuận lợi, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng tiếp cận được nguồn vốn vay với mức lãi suất hợp lý; đồng thời, NHNN sẽ tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong sửa đổi, hoàn thiện chính sách về bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ vốn thông qua các Quỹ, cũng như khung khổ pháp lý hỗ trợ DNNVV theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hiện thực hóa các chính sách và tăng khả năng tiếp cận tài chính của đối tượng doanh nghiệp này.

Mai Ngọc

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Lãi suất đang có dấu hiệu nhích lên

Tại thời điểm cuối tháng 4, lãi suất huy động tăng ở hầu hết các kỳ hạn; và mức độ tăng ở các NHTM có vốn nhà nước cao hơn.

Vừa qua một số ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động. Đặc biệt là lãi suất tiền gửi trung và dài hạn, lãi suất từ 7,5% đến 8% năm. Nhiều doanh nghiệp lo ngại lãi suất huy động tăng sẽ làm lãi suất cho vay tăng.

Theo cuộc khảo sát lãi suất tại thời điểm cuối tháng 4 của HSC, lãi suất huy động tăng ở hầu hết các kỳ hạn; và mức độ tăng ở các NHTM có vốn nhà nước cao hơn. Tại thời điểm cuối tháng 4, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn ngắn (kỳ hạn 1 tháng) tăng 0,2% so với đầu năm; kỳ hạn 6 tháng tăng 0,14% còn kỳ hạn 12 tháng tăng 0,17%. Lãi suất huy động tại các NHTM có vốn nhà nước bình quân là 5,7%; tăng 0,18% so với đầu năm còn tại các NHTMCP là 6,24%; tăng 0,11% so với đầu năm.

Lãi suất cho vay tại thời điểm cuối tháng 4 tăng nhẹ và cao hơn 0,14% so với đầu năm. Lãi suất cho vay bình quân tại thời điểm cuối tháng 4 là 9,36%. Lãi suất cho vay bình quân gia quyền là 9,36%; tăng nhẹ từ mức 9,35% trong 3 tháng đầu năm do lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn tại một số ngân hàng tăng.

Tại thời điểm cuối tháng 4, theo nguồn tin từ NHNN, tín dụng đã tăng 5,8% so với đầu năm (cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng 4%) và là mức tăng mạnh nhất so với cùng kỳ 6 năm qua. Cung tiền M2 tăng 3,9% so với đầu năm (cùng kỳ tăng 4,8%).

Trong khi đó, tín dụng tăng 20,2% so với cùng kỳ còn M2 chỉ tăng 17%; theo đó chênh lệch thanh khoản tự do vẫn âm 3,2% (tại thời điểm cuối tháng 3 âm 2,15%). Chênh lệch thanh khoản tự do chuyển thành âm gần đây vào tháng 2 sau khi dương 2,4% vào tháng 11 năm ngoái. Theo HSC, điều này cho thấy lãi suất có thể còn tăng vì thanh khoản bị thắt chặt. Và thông thường điều này sẽ không có lợi cho thị trường chứng khoán nhưng lực mua ròng mạnh của khối ngoại đã bù đắp cho điều này. Hiện có thể trực tiếp tiếp cận thị trường vốn nên các công ty chứng khoán giảm nhu cầu vay từ các ngân hàng để tài trợ cho hoạt động cho vay margin (nhưng vay từ các ngân hàng vẫn là nguồn vay có chi phí thấp nhất).

Trước đó, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết với nguồn lực của các ngân hàng thương mại với các tín hiệu của thị trường như thị trường chứng khoán, bất động sản và các chỉ số về kinh tế vĩ mô, sự quan tâm của Chính phủ đối với các doanh nghiệp, đặc biệt thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp và các chiến lược thu hút khách hàng của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, chúng tôi đánh giá lãi suất từ nay đến cuối năm Việt Nam đồng ổn định thì lãi suất có thể giảm từ 0,5 đến 1% ở các kỳ hạn so với năm 2016.

Mai Ngọc

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Từ 15/6, học sinh, sinh viên sẽ được vay tối đa 1,5 triệu đồng/tháng

Từ ngày 15/6/2017, mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên (HSSV) sẽ tăng từ 1,25 triệu đồng/tháng/HSSV lên 1,5 triệu đồng/tháng/HSSV.

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 751/QĐ-TTg điều chỉnh mức cho vay quy định tại Khoản 1 Điều 5 Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên.

Mức cho vay tối đa là 1,5 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên. Như vậy, so với mức cũ đã áp dụng từ ngày 9/1/2016, mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên tăng thêm 250.000 đồng/tháng/học sinh, sinh viên.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí cấp đủ nguồn vốn cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định. Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm thực hiện cho vay, giám sát, thu hồi nợ vay theo quy định của pháp luật hiện hành.

Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2017, áp dụng đối với các khoản giải ngân mới kể từ khi Quyết định này có hiệu lực thi hành.

Mai Ngọc

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »