Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2016

“Ngân sách xử lý nợ xấu đâu phải cho không, biếu không”

Đã đến lúc nợ xấu phải được đặt ra như một vấn đề cấp bách, để tìm cách xử lý nhanh...

Sau 5 năm, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục xây dựng đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, giai đoạn hai. Theo TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, lõi của tái cơ cấu ngân hàng vẫn là xử lý cho được nợ xấu.

Ông Phước cho rằng, cần xem xét tạo các nguồn lực để thúc đẩy nhanh quá trình và kết quả, còn việc xem nợ xấu do ngân hàng gây ra và phải tự xử lý là một quan điểm nông nổi.

Nhu cầu cấp bách

Thưa ông, sau 5 năm, thực tế nợ xấu vẫn gây quan ngại lớn và chủ yếu vẫn là các ngân hàng thương mại tự xử lý. Để đẩy nhanh hơn, triệt để hơn, theo ông có nên tìm kiếm giải pháp tạo những nguồn lực khác nữa không?

Thời gian qua đã có nhiều cách tiếp cận rồi. Vay nước ngoài về thì không được, vì nhiều ràng buộc. Dùng ngân sách thì không có sự đồng thuận của xã hội.

Nhưng, yêu cầu đặt ra là phải xử lý nợ xấu càng nhanh càng tốt. Cứ để lâu dài thì sức cạnh tranh của nền kinh tế yếu kém đi, vốn và chi phí vốn của doanh nghiệp vẫn rất cao, đặc biệt là trong một nền kinh tế mà tín dụng nội địa vẫn là nguồn đóng góp lớn, như là dòng máu chủ đạo dẫn vào cơ thể.

Vì thế này thế kia mà chúng ta vẫn chưa xử lý được một cách tương đối triệt để thì cơ thể đó dù vẫn sống, nhưng xanh xao, gầy yếu. Cái này thì ai cũng biết rồi.

Và đến nay vẫn có quan điểm, nợ xấu do ngân hàng gây ra thì các ngân hàng tự chịu. Tôi cho quan điểm đó là nông nổi. Họ vẫn cứ tự xử lý bao năm nay. Nếu cứ chấp nhận tình trạng này, cứ để họ tự xử lý. Thiệt hại là cổ đông và nhân viên ngân hàng sụt giảm cổ tức, lương bổng. Nhưng thiệt hại lớn hàng trăm lần là đối với nền kinh tế.

Vậy theo quan điểm của ông, xử lý nợ xấu là trách nhiệm chung của nền kinh tế?

Chúng ta thấy mấy chục năm đổi mới của nền kinh tế Việt Nam có sự đóng góp lớn của ngành ngân hàng chứ, là kênh dẫn vốn chủ đạo cho nền kinh tế. Mà trước đây chúng ta đâu có nhiều vốn ODA và FDI đâu.

Hàng chục năm trước, cũng vẫn những chiếc xe bò cọc cạch ấy đã chở bao nhiêu vật liệu để xây dựng cái nhà chúng ta. Không nên phụ cái xe bò cọc cạch ấy. Nói đi phải nói lại, phải nhìn nhận cái đó cho công tâm.

Nay cái xe bò đó bị rơi xuống hố, do người điều khiển nó, nhưng không vì thế mà quay lưng bỏ mặc nó sau khi đã và đang chuyên chở bao nhiêu nguồn lực cho chúng ta.

Bây giờ phải sử dụng một nguồn lực tổng hợp, rồi vẫn phải bàn đi bàn lại, đặt lên đặt xuống vấn đề này. Dù bàn mãi, đặt lên đặt xuống mãi thì nhu cầu cấp bách vẫn là phải xử lý nhanh và tương đối triệt để nợ xấu, trong những điều kiện có thể được.

Theo tôi, có lẽ cần xem xét lại nhận thức đúng đắn, nghiêm túc về một câu chuyện rất lớn của đất nước. Đã đến lúc phải được đặt ra như một vấn đề cấp bách, phải xử lý nhanh.

Những điều kiện có thể được, cụ thể là như thế nào?

Trước hết chúng ta cân đối xem, một bên là khối lượng nợ xấu, một bên là các tài sản đảm bảo cho nợ xấu. Đâu phải nợ xấu là một khối lượng tiền đã mất. Phải làm rõ là bên cạnh nợ xấu thì các tài sản đảm bảo chưa hẳn là xấu. Một khoản vay 10 tỷ, tài sản đảm bảo là ngôi nhà. 10 tỷ đó là nợ xấu, nhưng ngôi nhà đó có gì xấu.

Vậy thì câu chuyện đặt ra là gì? Bây giờ tính toán cân đối lại giữa tổng nợ xấu với giá trị tài sản đảm bảo cho nó thực tế như thế nào, tình trạng pháp lý như thế nào. Bước đầu là tạo điều kiện để làm sao những tài sản đảm bảo đó có thể lưu động được, có thể bán được. Đó là xem xét điều chỉnh hệ thống pháp luật.

Thứ nữa, nếu như nó đã đầy đủ điều kiện rồi, thực tế trong đó có nhiều tài sản đảm bảo có đủ điều kiện rồi, nhưng vẫn không bán được. Thì đó là do thị trường, sức cầu và giá cả, có thêm yếu tố nữa là dòng vốn đâu trong nền kinh tế này.

Nói tóm lại, trước hết chúng ta xử lý các vấn đề kỹ thuật của câu chuyện tương quan nợ xấu với tài sản đảm bảo cho nó. Muốn làm cái này trước hết là vai trò của hệ thống pháp luật, phải hỗ trợ cho các bên để hoàn chỉnh tính pháp lý.

Rồi chúng ta phải tạo điều kiện cho người mua, người bán thông qua thị trường mua bán nợ, mua bán các tài sản đảm bảo sao cho thuận lợi. Ví dụ như có giải pháp kích thích cho thị trường này chẳng hạn như không đánh thuế. Và để kích thích thị trường này thì cần phải có tiền.

Bốn nguồn lực khả thi

Phải có tiền, nhưng ngoài các ngân hàng tự trích lập dự phòng và xử lý, mấy năm nay vẫn chưa có điểm gợi mở về nguồn lực mới, thưa ông.

Chúng ta có thể xem xét ở bốn kênh tạo nguồn lực tổng hợp, hỗ trợ để xử lý nhanh và tương đối triệt để nợ xấu.

Đó là tín dụng từ ngân sách, tạm ứng ra một khoản vốn, điều mà bấy lâu nay vẫn có định kiến nhầm lẫn rằng ngân sách là cho không, biếu không.

Nguồn lực thứ hai chúng ta đều biết là Ngân hàng Nhà nước có thể điều tiết cung tiền thông qua các công cụ, như là tái cấp vốn. Ngay cái từ “tái cấp vốn” cũng đã nhạy cảm. Thực ra cấp nhưng không phải là cấp. Nó bị định kiến là khi Ngân hàng Nhà nước cho vay một tổ chức tín dụng, gọi là tái cấp vốn, làm người ta nhầm tưởng cũng là cấp không. Thực ra đây là một khoản tín dụng dựa trên các tài sản đảm bảo. Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể sử dụng một mức độ nhất định nguồn này để sao cho không tạo ra áp lực đối với lạm phát.

Nguồn lực thứ ba là trong dân. Có cách nào đó để huy động vốn trong dân để sử dụng vào việc cùng chữa căn bệnh của quốc gia là nợ xấu. Người dân cũng được thừa hưởng thông qua sự huy động này.

Hay chúng ta tạo điều kiện cho các nguồn lực bên ngoài vào, phát hành giấy tờ có giá, lập định chế quỹ để huy động nguồn lực để xử lý nợ xấu.

Đó là bốn cách tiếp cận truyền thống, tương đối khả thi, không lệch sang một cách nào, mà theo những liều lượng hợp lý và tính khả thi của nó. Tất cả để nhằm vào yêu cầu khẩn trương xử lý nợ xấu, vì càng để lâu thì càng bất lợi cho nền kinh tế.

Đây không phải là vấn đề riêng của hệ thống ngân hàng, bởi nền kinh tế này tín dụng nội địa vẫn là chủ yếu, khoảng trên 110% GDP.

Trong bốn hướng trên, sử dụng ngân sách Nhà nước tham gia xử lý nợ xấu có khả thi không, khi mà nó luôn có phản ứng không đồng thuận trong xã hội?

Khái niệm tham gia là gì? Hình như gần đây nó được hiểu một cách nhầm lẫn là dùng ngân sách để cho không các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp, các cá nhân vay vốn. Theo ý kiến riêng tôi, nếu hiểu như vậy thì sai lầm.

Sử dụng ngân sách ở đây như là một loại tín dụng nhà nước. Nhà nước cho vay. Đã cho vay thì phải thu hồi, không phải cho vay bằng bất cứ giá nào, vẫn phải lượng định những rủi ro, phải tính toán cho vay như thế nào để không bị tổn thất.

Nếu ngân sách cho các ngân hàng thương mại vay để xử lý nợ xấu, đương nhiên phải tính toán tài sản đảm bảo là cái gì. Tôi nhấn mạnh khái niệm tín dụng Nhà nước khi ta nói sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu, có những điều kiện đảm bảo, dù không ai khẳng định là không có rủi ro.

Nhưng ngân sách là tiền thuế của dân, nếu dùng thì đổi lại sẽ được gì?

Khi nói đến ngân sách luôn luôn chúng ta bị ấn tượng rằng ngân sách là cấp phát, cứ như mặc định là cho không. Cho nên khi nói dùng ngân sách để xử lý nợ xấu thì làm cho người ta có định kiến là dùng để xóa nợ cho các ngân hàng thương mại, mà thực ra là cho các doanh nghiệp, cá nhân vay có nợ xấu.

Vậy nên mới sinh ra câu chuyện ngân sách từ đâu, từ đóng thuế, người dân đóng thuế. Rồi góc nhìn người nghèo đóng thuế để lấy trợ cấp cho người giàu. Theo tôi, đây là một cách tiếp cận phiến diện và sai lầm.

Trước những định kiến đó, những năm qua và cho đến nay chúng ta vẫn chủ yếu để cho các tổ chức tín dụng tự xử lý nợ xấu. Trong 5 năm nay họ vẫn tự xử lý đó thôi. Không tổ chức tín dụng nào lăn đùng ra chết cả, còn nếu có thì lại là câu chuyện khác… Nhưng hệ quả họ tự xử lý nợ xấu là lợi nhuận thấp xuống, vì phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều, ngân sách thu theo đó ít đi.

Tôi lấy ví dụ, trước đây lợi nhuận một ngân hàng bình thường cỡ 1.000 tỷ thì đóng thuế 250 tỷ, bây giờ lợi nhuận chỉ còn 100 tỷ thì chỉ đóng có 25 tỷ mà thôi. Nên chúng ta tưởng rằng để cho các tổ chức tín dụng tự xử lý nợ xấu thì không mất gì, nhưng ngân sách mất rất nhiều.

Trước đây thông thường toàn hệ thống ngân hàng lãi khoảng 120.000 tỷ, đến nay chỉ còn khoảng 30.000 tỷ, mất 90.000 tỷ, tức ngân sách mất thu khoảng 22.500 tỷ.

Còn nếu sử dụng ngân sách, nói tới nói lui thì sử dụng ngân sách ở đây là tín dụng Nhà nước, không phải cho không biếu không, mà có vai trò như bắc một cây cầu trên một dòng sông, không có nó thì không thể từ bờ nợ xấu bên này qua bờ nợ tốt bên kia nhanh được.

Và với quan hệ lãi suất, nợ xấu giảm thì tạo điều kiện để lãi suất giảm, chi phí vay vốn giảm để tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp vay vốn, cho nền kinh tế. Điều chúng ta thấy, trong bối cảnh lạm phát thấp mà chi phí vay vốn của doanh nghiệp vẫn rất cao như vậy, một nguyên do lớn nằm ở nợ xấu.

Tính toán mức độ có thể được

Trong trường hợp sử dụng ngân sách, không phải là cho không biếu không, thì cách thức triển khai thế nào, thưa ông?

Dùng nguồn ngân sách đó cho tổ chức tín dụng vay trong 5-10 năm với một mức lãi suất nào đó. Sau 5-10 năm, các tổ chức tín dụng bán được các tài sản đảm bảo để trả lại.

Hoặc chúng ta có thể phát hành một loại trái phiếu đặc biệt gọi là trái phiếu xử lý nợ xấu, mọi tổ chức cá nhân đều có thể tham gia mua. Đương nhiên ở đây liên quan đến một vấn đề hệ trọng, là tác động đến cầu tiền - cung tiền như thế nào để không gây ra những ảnh hưởng lớn tới ổn định tiền tệ vĩ mô.

Lãi suất trái phiếu cũng bằng lãi suất cho vay lại các tổ chức tín dụng, ngân sách không mất gì cả. Nhưng không phải là ngân sách không được gì, vì nếu xử lý được nợ xấu, như trên, ngân hàng lãi hơn sẽ đóng góp ngân sách nhiều hơn.

Như ông đề cập ở trên, giả sử dùng một phần ngân sách hay huy động nguồn lực trong dân, thì ràng buộc lớn là vấn đề trần nợ công…

Ở đây cần tính toán các phương án, mức độ có thể được. Cũng cần xem vốn huy động để xử lý nợ xấu có là nợ công hay không. Nếu làm thì hẳn sẽ có những đề án, tính toán liều lượng cụ thể. Chứ không lẽ đụng vào cái gì cũng không được, rồi ngồi im chờ chết sao.

Theo Minh Đức

VnEconomy

Đọc tiếp »

Nữ nhân viên nhà băng chiếm đoạt gần 50 tỷ của khách

Lợi dụng sự tin tưởng của khách hàng, nữ cán bộ ngân hàng Eximbank ở Nghệ An nhiều lần lập hồ sơ khống để rút hàng chục tỷ đồng.

Ngày 26/9, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Nghệ An xác nhận, cơ quan điều tra đã khởi tố Nguyễn Thị Lam (29 tuổi, trú ở huyện Đô Lương, Nghệ An) về hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Theo kết quả điều tra ban đầu, Lam vốn là cán bộ kiểm ngân của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chi nhánh huyện Đô Lương. Nữ nhân viên này có quan hệ mật thiết với nhiều khách gửi tiền tiết kiệm. Mỗi lần có người gửi, Lam là người trực tiếp làm hồ sơ rồi gửi vào sổ tiết kiệm hoặc cầm tiền của khách hàng để làm thủ tục gửi sau.

Sau một thời gian, tài khoản của Lam và người thân có biểu hiện bất minh, số tiền tăng lên từng ngày. Cũng trong thời gian này, qua công tác nắm tình hình, cảnh sát kinh tế phát hiện có một số hồ sơ rút và chuyển khoản tiền gửi tiết kiệm với số lượng lớn. Các giao dịch này có dấu hiệu giả mạo chữ ký của khách hàng.

Làm việc với các chủ tài khoản, họ cho biết không rút tiền gửi hoặc chuyển khoản tiền tiết kiệm tại ngân hàng Eximbank. Nhà chức trách đặt nghi vấn có người giả mạo chữ ký để làm việc này. Trong đó, Lam được đưa vào diện nghi vấn.

Ngày 21/9, Lam đến công an đầu thú, thừa nhận mình là chủ mưu vụ việc.

Nữ cán bộ kiểm ngân này khai nhận lợi dụng quen biết và vị trí công tác của bản thân, đã giả mạo chữ ký khách hàng, lập hồ sơ khống. Lam đã thực hiện các giao dịch rút tiền hoặc chuyển tiền từ sổ tiết kiệm của các khách hàng vào tài khoản của một số người thân để chiếm đoạt. Đến thời điểm đến đầu thú, số tiền Lam đã chiếm đoạt là hơn 47 tỷ đồng.

Theo cơ quan điều tra, Lam chiếm đoạt của khách Nguyễn Tiến Nam (54 tuổi, ở thị trấn Đô Lương) hơn 30 tỷ đồng, Nguyễn Thị Kiều Hương - Hiệu trưởng một trường THPT hơn 10 tỷ đồng.

Theo Phạm Hòa

Zing News

Đọc tiếp »

Bất ngờ các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động

Từ hôm nay (26-9), nhiều ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất huy động VND 0,3%-0,5%/năm.

Ngân hàng Nhà nước cho biết từ hôm nay (ngày 26/9), một số TCTD lớn trong đó có các NHTMNN đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn dưới 1 năm với mức giảm từ 0,3-0,5%/năm.

Theo đó, lãi suất áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng được các TCTD này công bố ở mức 0,3-0,5%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng ở mức 4,2-4,3%/năm, kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 5 tháng ở mức 4,8%/năm, kỳ hạn từ 5 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 5%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng ở mức 5,3%/năm, và kỳ hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 5,5%/năm.

Động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động của các TCTD nêu trên là giải pháp tích cực, kịp thời nhằm triển khai định hướng điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ đã được Thống đốc NHNN cụ thể hóa cho ngành ngân hàng tại Chỉ thị số 04/CT-NHNN ngày 27/5/2016 tiết giảm chi phí để phấn đấu cắt giảm lãi suất cho vay qua đó hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Từ đầu năm đến nay, NHNN đã bám sát thị trường, điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản của hệ thống, tạo điều kiện để giữ mặt bằng lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp; qua đó tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất huy động và giảm sức ép lên lãi suất cho vay của các TCTD, đồng thời đảm bảo các mục tiêu ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.

Kim Tiền

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Ngân hàng tính tăng điều kiện phòng rủi ro tài khoản

Nhiều điểm mới dự kiến sẽ được bổ sung vào thủ tục mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng...

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Nguyên do, việc sửa đổi và bổ sung Thông tư 23 cho phù hợp với những thay đổi của cơ sở pháp lý, từ việc thay thế Bộ Luật dân sự năm 2005 bằng Bộ Luật dân sự năm 2015 (có hiệu lực từ 1/1/2017); cũng như bổ sung thêm căn cứ là Nghị định số 80/2016/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt.

Đáng chú ý, nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung cũng xuất phát từ thực tế phát sinh trong hoạt động của các ngân hàng thương mại, nhất là sau một số vụ việc rủi ro tài khoản xẩy ra gần đây.

Theo quy định hiện hành, chủ tài khoản của tổ chức là người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền của tổ chức mở tài khoản và thay mặt tổ chức đó thực hiện các giao dịch liên quan đến tài khoản thanh toán. Nhưng theo dự thảo mới, chủ tài khoản thanh toán của tổ chức là tổ chức mở tài khoản; và người đại diện hợp pháp của tố chức mở tài khoản thanh toán thay mặt tổ chức đó thực hiện các giao dịch liên quan đến tài khoản thanh toán trong phạm vi đại diện.

Quy định về “Ủy quyền trong sử dụng tài khoản thanh toán” cũng có điều chỉnh trong dự thảo thông tư mới.

Ở quy định hiện hành, trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán, chủ tài khoản thanh toán, kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán (nếu có) được ủy quyền cho người khác. Việc ủy quyền phải bằng văn bản và phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về ủy quyền. Việc ủy quyền của tổ chức phải được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức mở tài khoản.

Quy định trên dự kiến sẽ điều chỉnh lại theo hướng: chủ tài khoản thanh toán được ủy quyền cho người khác, tổ chức khác sử dụng tài khoản thanh toán của mình; việc ủy quyền phải bằng văn bản và được thực hiện theo quy định của pháp luật về ủy quyền.

Một điểm được chú ý khác trong dự thảo mới, có trong một tình tiết ở sự việc khách hàng tố bị mất 26 tỷ đồng tại VPBank gần đây (hiện chưa có kết luận cuối cùng).

Đó là, quy định hiện hành chỉ yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có nghĩa vụ lưu giữ mẫu chữ ký của chủ tài khoản, kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán (trường hợp khách hàng là tổ chức thuộc đối tượng bắt buộc phải bố trí kế toán trưởng) và những người được ủy quyền để kiểm tra, đối chiếu trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán.

Còn theo hướng điều chỉnh mới, họ phải lưu giữ và cập nhật đầy đủ mẫu chữ ký của chủ tài khoản (hoặc người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản), mẫu dấu (nếu có), mẫu chữ ký (nếu có) của kế toán trưởng, người phụ trách kế toán (hoặc người được ủy quyền) và các thông tin về tài khoản thanh toán để kiểm tra, đối chiếu trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán.

Những điểm quy định chặt chẽ hơn ở trên cũng dự kiến đưa vào trong quy định về hồ sơ đề nghị mở tài khoản thanh toán của các tổ chức.

Và cũng từ thực tế phát sinh thời gian gần đây, với chủ trương mà Ngân hàng Nhà nước yêu cầu xác định rõ ràng và chặt chẽ trách nhiệm trong các trường hợp phát sinh rủi ro, dự thảo thông tư mới cũng đã có bổ sung cụ thể.

Theo đó, dự kiến khi mở tài khoản thanh toán, nội dung hợp đồng giữa khách hàng và ngân hàng phải ghi rõ trách nhiệm của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc tiếp nhận thông tin từ khách hàng, thời gian xử lý, phương án đền bù đối với các trường hợp phát sinh rủi ro, sự cố trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán.

Theo Nhật Nam

VnEConomy

Đọc tiếp »

Kiều hối nắn dòng

Lượng kiều hối ngày càng chảy nhiều hơn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; thay vì đầu tư bất động sản, chứng khoán hoặc chi tiêu như trước.

Nguồn lực kiều hối không ngừng tăng trong những năm qua đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam. Số liệu mới công bố cho thấy, sau 8 tháng đầu năm 2016, lượng kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh ước đạt 2,85 tỷ USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm trước. Lượng kiều hối ngày càng chảy nhiều hơn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; thay vì đầu tư bất động sản (BĐS), chứng khoán hoặc chi tiêu như trước.

Sản xuất, kinh doanh hấp thụ dòng kiều hối có nhiều nguyên nhân. Trong đó phần lớn xuất phát từ nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, kéo theo nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn. Bên cạnh đó, việc Việt Nam ký kết hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do, đặc biệt là tham gia TPP và AEC khiến Việt Nam có nhiều lợi thế trong kinh doanh với các đối tác tham gia hiệp định. Việc Việt Nam giảm nhiều loại thuế trong kinh doanh cho DN, cộng thêm vai trò của DN tư nhân và DN nước ngoài đang dần khẳng định vị trí của mình… cũng kích thích dòng kiều hối đổ về mạnh hơn.

Một chuyên gia tài chính chia sẻ: Từ khi NHNN áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá mới, cùng với việc đưa lãi suất tiền gửi ngoại tệ về 0%, kiều bào đã thay đổi cách sử dụng nguồn tiền nhàn rỗi. Thay vì nhờ người thân gửi tiết kiệm lấy lãi và chờ tỷ giá tăng, thì nay họ cân nhắc, tính toán để có mục tiêu đầu tư rõ ràng hơn. Nguyên nhân nữa được các chuyên gia đề cập còn đến từ chuyện thị trường chứng khoán (TTCK) phát triển thiếu ổn định, vốn hoá thị trường còn nhỏ…

Với thị trường BĐS dù đã có hiện tượng ấm lên, nhưng vài tháng trở lại đây có dấu hiệu tăng trưởng chậm… Những yếu tố này trở thành bàn tay vô hình nắn dòng kiều hối vào khu vực sản xuất kinh doanh.

Theo chuyên gia kinh tế TS. Bùi Quang Tín, giảng viên khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, phần lớn trong nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam là từ thị trường Mỹ, Úc và Canada. Trong đó, Mỹ chiếm tỷ lệ lớn nhất với khoảng 7 tỷ USD trong tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam thời gian qua. Điều này đồng nghĩa với việc USD chiếm gần 60%, theo sau là đồng đô la Úc và đô la Canada chiếm gần 20%, còn lại là tiền của các quốc gia khác.

Chính bởi vậy, bên cạnh tiếp tục phát huy thế mạnh lượng kiều hối của người Việt Nam từ Mỹ chuyển về qua việc tạo điều kiện sản xuất kinh doanh, giảm thuế… cũng cần quan tâm hơn tới việc hỗ trợ người Việt Nam đang đi lao động tại các quốc gia khác trên thế giới. “Bởi nếu tập trung vào thị trường Mỹ, khi nền kinh tế Mỹ khó khăn thì sẽ ảnh hưởng tới lượng kiều hối về Việt Nam”, vị này nhận định.

Không phủ nhận lượng kiều hối chuyển về đã góp phần tăng thặng dư, giúp NH tăng dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, ở mặt khác, cũng có ý kiến cho rằng nếu trường hợp cán cân thanh toán quốc tế dương, kiều hối có thể tạo ra áp lực cho nền kinh tế. Và nếu hấp thụ một lượng lớn kiều hối, rất có thể khiến đồng nội tệ lên giá, ảnh hưởng cạnh tranh của hàng hoá trong nước. Về vấn đề này, theo quan điểm của TS. Bùi Quang Tín: Thời gian qua, bên cạnh lượng ngoại tệ về Việt Nam từ con đường kiều hối, còn có các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nguồn vốn hỗ trợ ODA và một số nguồn đầu tư khác.

Trong 8 tháng đầu năm 2016, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 9,8 tỷ USD; tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2015. Các nguồn tiền này sẽ giúp cho cán cân thanh toán quốc tế dương.

Để ổn định tỷ giá thời gian qua, NHNN đã mua vào một lượng lớn ngoại tệ, trong đó đặc biệt là đồng USD, từ đó hỗ trợ cho thanh khoản VND dồi dào trên thị trường, tạo cơ hội cho lãi suất VND giảm thời gian tới. Do đó, NHNN đã có giải pháp xử lý được lượng USD và ngoại tệ khác dư thừa trên thị trường.

Bên cạnh đó, FED quyết định chưa nâng lãi suất cơ bản tại cuộc họp ngày 20/9/2016, đồng CNY cũng chưa có nhiều biến động - “những yếu tố trên sẽ giúp cho tỷ giá USD/VND tiếp tục ổn định và có thể tăng thêm 2% cho đến cuối năm”.

Trong 5 năm qua (từ 2011 - 2015), lượng kiều hối chuyển về Việt Nam tăng bình quân 10 - 12% sau mỗi năm. Đây được xem là mức tăng khá ấn tượng trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế toàn cầu.

Làm một phép so sánh, TS. Bùi Quang Tín đưa ra con số năm 1991 kiều hối về Việt Nam ước chừng chỉ đạt 35 triệu USD, thì tới năm 2015 đã tăng lên 12,25 tỷ USD với tốc độ tăng trung bình hàng năm hơn 38%. Ông Tín nhận định: “Với tốc độ tăng trưởng và các điều kiện kể trên, chúng ta có thể kỳ vọng kiều hối về Việt Nam năm nay rơi vào khoảng từ 13 - 15 tỷ USD”.

Theo Khuê Nguyễn

Thời báo ngân hàng

Đọc tiếp »

Công ty tài chính cho vay 2 tỷ USD

CTCP Truyền thông Tài chính (StoxPlus) vừa công bố kết quả thống kê thị phần cho vay của các công ty tài chính hiện vào khoảng 2 tỷ USD trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng.

Thống kê cũng đưa ra tốc độ phát triển của toàn thị trường cho vay tiêu dùng của Việt Nam năm 2015 tăng 44% so với năm trước đó và chiếm 6,8% tổng dư nợ nền kinh tế.

Theo kết quả khảo sát của công ty này thì thị trường cho vay tiêu dùng năm 2015 đã chiếm 10,4% GDP. Sự phát triển nhanh chóng này có yếu tố các công ty tài chính năm 2015 có số lượng tăng gấp đôi năm 2014, thông qua các thương vụ mua bán, sáp nhập. Đặc biệt là sau khi có dự thảo quy định NHTM phải thành lập công ty tài chính để cấp tín dụng tiêu dùng cho những khách hàng phi chuẩn.

Mặc dù tỷ lệ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính còn thấp hơn và xuất hiện sau các NHTM, nhưng lại có tốc độ tăng trưởng vượt bậc. Nếu năm 2012 khoảng 0,4%, năm 2013: 46,2%, năm 2014: 67,3%, thì đến năm 2015 là 126%. Nhờ món vay nhỏ, cấp vốn linh hoạt, các công ty tài chính đang có độ bao phủ thị trường lớn hơn các NHTM. Hiện nay FE Credit chiếm 53% thị phần, Home Credit 16% thị phần, HD Saison Finance 12% thị phần và Prudential Finance 11%...

Những điều đáng quan tâm hơn là nó đang thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt. Các món vay có giá trị dưới 10 triệu lại là các khoản vay chiếm tỷ trọng cao đối với khách hàng của công ty tài chính. Thị phần hoạt động của công ty tài chính hiện còn rất lớn, bởi một bộ phận lớn dân cư, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và những người có thu nhập thấp khả năng tiếp cận hệ thống NH còn khó khăn. Trong khi đó bản thống kê của StoxPlus cho biết hiện có đến 53 triệu người Việt đang ở độ tuổi lao động chưa có tài khoản NH, thu nhập thấp sẽ là mảng thị phần quan trọng cho vay tiêu dùng.

Song các công ty tài chính hiện cũng đang phải đối mặt với những thách thức về chi phí hoạt động khi thị trường có thêm nhiều đối thủ buộc các DN phải tăng phí hoa hồng tại các điểm bán lẻ hàng hóa mà công ty tài chính phối hợp cho vay mua hàng trả góp. Hơn nữa, chi phí thanh toán, thu hộ nợ góp hiện các công ty tài chính đang phải lệ thuộc vào các phương tiện thanh toán như ví điện tử MoMo, Payoo.

Trong một khảo sát mới đây các công ty tài chính phải trả cho những mô hình thanh toán trung gian này một mức phí từ 5% đến 8% đối với mỗi giao dịch. Điều này dẫn đến sự sụt giảm đáng kể lợi nhuận của các công ty tài chính tiêu dùng.

Vấn đề là các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán như MoMo, Payoo… với lợi thế cơ sở dữ liệu và phương tiện internet hiện có rất nhiều khả năng họ sẽ tham gia thị trường cho vay tiêu dùng trong thời gian tới.

Thêm vào đó các NHTM gần đây cũng đang quan tâm trở lại thị trường cho vay tiêu dùng như một giải pháp cho chiến lược bán lẻ trong tương lai. Trong khi đó lãi suất của các công ty tài chính tiêu dùng hiện nay đang cao hơn lãi suất của các NHTM cho vay tiêu dùng từ 30-60%. Mức độ rủi ro của các công ty tài chính tiêu dùng cao hơn nhiều so với các NHTM. Ngoài ra, vấn đề quản lý tài chính của người tiêu dùng Việt Nam còn hạn chế cũng ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng trả nợ cho những khoản vay phi tiêu chuẩn.

Để vượt qua những thách thức này cần phải có khuôn khổ pháp lý hoàn thiện cho các công ty tài chính hoạt động để cung cấp cho thị trường nhiều hơn nữa các sản phẩm tài chính cá nhân.

Theo TS. Nguyễn Thị Kim Thanh

Thời báo ngân hàng

Đọc tiếp »

Giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý

Từ nay đến tháng 6-2017, các NH thương mại trên địa bàn sẽ tập trung giải ngân số vốn đã cam kết trong chương trình kết nối và sẽ dành 150.000 tỷ đồng vốn tín dụng để hỗ trợ các DN tập trung sản xuất, kinh doanh.

Sáng 26-9, UBND TP Hà Nội phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng-Doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN, giúp DN tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý.

Chương trình có sự tham gia của 80 tổ chức tín dụng và gần 200 DN sản xuất, kinh doanh, hộ sản xuất của các làng nghề. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản tham dự.

Thực hiện chương trình kết nối NH-DN từ năm 2014 đến nay, các NH đã đưa ra nhiều gói tín dụng phù hợp cho các nhóm ngành nghề, đặc biệt ưu tiên, khuyến khích cho DN nhỏ và vừa, các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường với lãi suất cho vay thấp hơn mặt bằng lãi suất chung từ 1,5 - 2%/năm. 8 tháng đầu năm 2016, chương trình kết nối NH - DN của Hà Nội đã giải ngân được hơn 121.000 tỷ đồng. Trong đó, cho vay các mặt hàng theo chương trình bình ổn thị trường là hơn 14.400 tỷ đồng.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Doãn Toản cho biết, với khoảng hơn 200.700 DN đang hoạt động trên địa bàn, nhu cầu về nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh là rất lớn. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thường xuyên, chủ động nguồn vốn, áp dụng các biện pháp hỗ trợ DN như: đồng hành cùng DN, tư vấn cho DN trong quản trị, điều hành, xây dựng, chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh, tổ chức cho vay theo chuỗi các DN liên kết tiêu thụ sản phẩm, cung cấp các sản phẩm dịch vụ tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn vốn của các DN.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hà Nội, từ nay đến tháng 6-2017, các NH thương mại trên địa bàn sẽ tập trung giải ngân số vốn đã cam kết trong chương trình kết nối và sẽ dành 150.000 tỷ đồng vốn tín dụng để hỗ trợ các DN tập trung sản xuất, kinh doanh góp phần bình ổn giá thị trường thời điểm cuối năm.

Ngay tại hội nghị, 10 tổ chức tín dụng đã kết nối trực tiếp với các DN tham gia. Tổng số vốn ký kết đạt gần 3.000 tỷ đồng.

Theo Thanh Hiền

Hà Nội mới

Đọc tiếp »

Vốn ngân hàng “ế”, vì sao?

Thanh khoản dồi dào là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất khi nhận định về hoạt động của hệ thống ngân hàng (NH) trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, điều đáng nói là vốn ngân hàng vẫn ế trong khi mục tiêu giảm lãi suất vẫn tận đẩu, tận đâu.

Mất lòng tin khiến vốn liên NH “ế”?

Cách đây hai năm, trong câu chuyện về lợi nhuận, lãnh đạo một NH tiết lộ, lợi nhuận NH tăng có sự đóng góp rất lớn kinh doanh vốn trên thị trường liên NH. Nhưng thời điểm này thì tình thế đã đảo chiều, vốn liên NH đang ế.

Tại sao trên thị trường 2 vốn ế nhiều như vậy? Một lãnh đạo NH giải thích, một phần bởi nhu cầu vay mượn trên thị trường này không nhiều do thanh khoản của nhiều NH tốt hơn, nhưng phần nữa do chính các NH đang thiếu lòng tin ở nhau nên hạn chế cho nhau vay mượn. Chính vì thế, hoạt động trên thị trường này khá tẻ nhạt trong thời gian vừa qua. Lãi suất trên thị trường này vì thế giảm liên tục. Theo Trung tâm nghiên cứu kinh tế MaritimeBank, so với cuối tuần trước, lãi suất VND giảm nhẹ ở hầu hết các kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất qua đêm ở mức 0,55%, 1 tuần là 0,58%... giảm 4-5% so với cuối năm 2015.

Trong khi lãi suất trên thị trường 2 liên tục giảm, thì trên thị trường 1, những ngày gần đây nhiều NH lại rục rịch tăng lãi suất. Chỉ trong tuần đầu tháng 9, VietCapitalBank đã tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng từ 7%/năm lên 7,1%/năm, kỳ hạn 13 tháng từ 7,5%/năm lên 7,8%/năm. Cũng tăng lãi suất nhưng VPBank tăng ở kỳ hạn ngắn hạn với lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng từ 4,8%/năm lên 5%/năm, kỳ hạn hai tháng từ 5%/năm lên 5,2%/năm…

Điều này có vẻ như mâu thuẫn, và dường như mục tiêu cố gắng giảm thêm lãi suất của NHNN đang thất bại. Từ đầu năm đến nay qua các thông điệp từ cơ quan quản lý có thể hiểu NHNN mong muốn lãi suất liên NH là lãi suất để các NH tham chiếu áp dụng điều chỉnh lãi suất trên thị trường 1. Nhưng thực tế diễn biến trên thị trường 1 đang không như mong muốn của NHNN. Vì sức khỏe của các NH không thực sự đồng đều tác động đến quyết định giảm lãi suất. CEO một NH thừa nhận NH ông cũng rất muốn giảm lãi suất nhưng nếu giảm lại “sợ” vốn chảy qua NH khác đang chào mời với lãi suất cao hơn.

Chỉ hạ với một vài lĩnh vực

“Còn tồn tại những NH yếu kém thì không tránh được cạnh tranh không lành mạnh nhất là về lãi suất”, TS Cấn Văn Lực khẳng định. Nhưng không hẳn việc tăng lãi suất của các NH là có “vấn đề”. Đảm bảo vốn phục vụ mùa tín dụng cuối năm, áp lực quy định tỷ lệ tối đa sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của NH tăng dần khi sang năm 2017 tỷ lệ này sẽ là 50% xa hơn năm 2018 rút xuống còn 40%. Chưa kể, cách tính dư nợ trung, dài hạn của Thông tư 06 có thay đổi lớn cũng khiến các NH phải đẩy mạnh huy động vốn để cải thiện tỷ lệ này. Cụ thể, với các khoản cho vay, cho thuê tài chính, số dư mua, đầu tư giấy tờ có giá có kỳ hạn dưới 12 tháng nếu để quá hạn sẽ bị tính vào dư nợ trung, dài hạn. Đương nhiên tỷ lệ nợ quá hạn cao sẽ làm tăng dư nợ trung, dài hạn. Vì thế các NH phải bù đắp vốn để không vượt ngưỡng quy định của NHNN, và cũng để phòng thủ thanh khoản.

Động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động của các TCTD được NHNN đánh giá giải pháp tích cực, kịp thời nhằm triển khai định hướng điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ , NHNN tiết giảm chi phí để phấn đấu cắt giảm lãi suất cho vay qua đó hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Tuy nhiên, tham vấn một chuyên gia NH, vị này cho rằng lãi suất giảm chỉ ở một bộ phận các NH quy mô lớn, năng lực tài chính tốt. Trước những áp lực từ cả khách quan áp lực lạm phát, thay đổi chính sách lãi suất của FED, và chủ quan là nợ xấu còn tồn đọng nhiều mà chưa có phương án xử lý triệt để nên NH vẫn phải tăng trích lập DPRR… mặt bằng lãi suất thị trường 1 vẫn có áp lực nhất định nhất là đối với NH yếu kém, đói vốn. CEO một NH khẳng định, lãi suất huy động giảm là điều kiện NH giảm lãi suất cho vay nhưng nếu hạ thì NH sẽ chỉ hạ cục bộ với một số lĩnh vực ưu tiên như 5 lĩnh vực ưu tiên, DN khởi nghiệp. Còn cho vay dài hạn đối với một số lĩnh vực như BĐS, BOT, BT giao thông thì chắc chắn là không.

Mặc dù chưa nhiều NH thực hiện giảm lãi suất cho vay, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia trong bối cảnh chịu nhiều sức ép thì việc duy trì được mặt bằng lãi suất như hiện nay là điểm cộng đối với NHNN. Tất nhiên thị trường đòi hỏi một mặt bằng lãi suất thấp hơn, nhưng như phân tích ở trên, và so với một số nền kinh tế đang phát triển với kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định với tư cách là trung gian tài chính, mặt bằng lãi suất hiện nay là chấp nhận được.

Theo các chuyên gia, tỷ lệ sử dụng vốn trên huy động của toàn hệ thống ở mức 86% cho thấy thanh khoản của các NH ở mức vừa phải chứ không quá dư thừa như trên thị trường 2. Một lý do nữa khiến các NH chưa thể giảm được lãi suất trên thị trường 1 là do thanh khoản chỉ dồi dào ở trên thị trường 2 còn trên thị trường 1, nhiều NH gặp khó khăn về thanh khoản nhất là những NH yếu kém.

Theo Hà Phương

Tiền phong

Đọc tiếp »

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

Giảm lãi suất huy động: Khỏe thì ra gió?

Nhìn về quyết định cùng giảm lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại nhà nước...

Ngày 26/9, các ngân hàng thương mại nhà nước (gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank) “cùng hẹn” giảm mạnh lãi suất huy động VND.

Giảm mạnh, vì mức 0,3-0,5%/năm ở hầu hết các kỳ hạn dưới 12 tháng là lớn so với nền lãi suất huy động khá thấp hiện nay. Diễn biến này rất đáng chú ý, vì khối ngân hàng thương mại nhà nước đang chiếm tới trên dưới 50% thị phần huy động và cho vay.

Quyết định trên khá bất ngờ, có thể khiến nhiều con mắt theo dõi trên thị trường sực tỉnh, sau một thời gian khá dài lãi suất chỉ có nhúc nhích tăng, hoặc trơ trên biểu niêm yết.

Khác biệt… có lý do

Những năm gần đây, như một thông lệ, lãi suất thường giảm đầu năm. Sau mùa cao điểm chi trả Tết dương lịch và Tết Nguyên đán, dòng tiền trở lại ngân hàng và họ thường có điều chỉnh.

Năm nay, trước mùa cao điểm sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thời điểm tín dụng thường bứt phá ở những năm trước, lãi suất “lẽ ra” tăng để các nhà băng chủ động thêm về nguồn để tăng giải ngân, nhưng nó lại bất ngờ giảm.

Chỉ vừa mới tuần trước, nhiều thông tin còn phản ánh lãi suất huy động VND có biểu hiện tăng ở một vài ngân hàng thương mại. Nhưng chính tuần lại là thời điểm có tính chất bản lề để lãi suất giảm.

Đó là tuần Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu dày nhất, nhiều nhất từ đầu năm đến nay, để hút bớt tiền về. Lý do, họ không còn phải cài răng lược với Bộ Tài chính ở kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ. Tuần qua, khác biệt trọng yếu so với những năm qua là, Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành kế hoạch huy động vốn qua trái phiếu Chính phủ của cả năm chỉ sau chưa đầy 9 tháng.

Khác biệt trọng yếu đó một phần giải thích cho quyết định cùng giảm lãi suất của 4 “ông lớn” nói trên. Kênh đầu tư vốn qua đấu thầu trái phiếu Chính phủ đã tạm ngừng. Tiền có trạng thái dư thừa thời gian qua, nay bớt một đầu ra lớn đó, có thể càng thừa.

Thế nhưng, vì sao 4 ngân hàng thương mại nhà nước “cùng hẹn” giảm mạnh lãi suất như vậy? Câu trả lời cũng có phần khác biệt ở riêng khối này.

Trước hết, hiện chưa có dữ liệu cập nhật về tăng trưởng tín dụng đến tháng 9/2016. Tuy nhiên, ở kênh đầu ra chủ yếu này, tốc độ đã có dấu hiệu chậm đi trong tháng 8 vừa qua. Cả hệ thống, tăng trưởng chung sau 8 tháng mới chỉ đạt nửa mức độ chỉ tiêu đề ra cho cả năm. Đẩy mạnh cho vay hiện nay không dễ dàng.

Riêng khối 4 ngân hàng trên, hệ số an toàn vốn hạn chế vẫn còn treo ở BIDV và VietinBank (do vướng mắc kế hoạch cổ tức và tăng vốn). Chính BIDV cũng từng công bố lượng định chi tiết về hạn chế này đối với khả năng tăng tín dụng.

Và định hướng chung, dự kiến họ có muốn tăng trưởng mạnh thì cũng không thể, khi định hướng chỉ tiêu của khối được biết tối đa chỉ khoảng 17% cả năm mà thôi.

Có thực sự khỏe để ra gió?

Một lý do đặc thù khác. Khối ngân hàng thương mại nhà nước có lượng tiền gửi thanh toán rất lớn, từ ngân sách nhàn rỗi, các quỹ bảo hiểm xã hội, y tế… Nguồn này gần như kém nhạy so với thay đổi lãi suất.

Nhưng, tiền gửi của dân cư sẽ nhạy. Nhất là hiện nay lãi suất đã về mức thấp nhất trong hơn chục năm trở lại đây. Sức dư vốn của khối này có thực sự đủ khỏe để đỡ độ nhạy của phản ứng tiền gửi dân cư hay không. Dĩ nhiên là họ đã tính toán, cũng như có thể có những yếu tố mà bên ngoài hiện thời không nắm được (mức độ được tái tạo nguồn từ trái phiếu đặc biệt VAMC như thế nào).

Họ đã tính toán. Trong các tính toán vẫn có tình huống: khi đầu ra tín dụng hạn chế, cách để giảm chi phí và hỗ trợ lợi nhuận là tiết giảm đầu vào, lãi suất huy động là đầu vào. Thực tế, 6 tháng đầu năm nay đã có trường hợp phải chọn cách này, khi tỷ lệ sử dụng vốn quá thấp, tín dụng tăng trưởng chậm và buộc phải huy động chậm lại qua chính sách lãi suất kém cạnh tranh.

Có những lý do như trên để các ngân hàng thương mại nhà nước lượng sức khỏe của mình để giảm lãi suất huy động. Song, yếu tố song hành ở đây vẫn là vai trò của Ngân hàng Nhà nước.

Thoạt tiên, khi trao đổi với VnEconomy, đã có ý kiến cho rằng quyết định giảm lãi suất của khối ngân hàng trên là một biểu hiện nới lỏng chính sách. Tuy nhiên, đây là lãi suất chủ động của các thành viên, khác với các lãi suất chủ chốt của nhà điều hành mà một khi thay đổi dễ phát đi tín hiệu nới lỏng hay thắt lại.

Song, hướng nới lỏng gián tiếp có thể nhìn nhận ở tốc độ tăng trưởng cung tiền (điểm còn thiếu trong dữ liệu báo cáo tháng 8 vừa qua, và chưa có cập nhật đến tháng 9). Hay Ngân hàng Nhà nước để một trạng thái dư thừa vốn trong hệ thống nhất định, như tạo điều kiện để giảm được lãi suất.

Và như trên, một yếu tố khác sẽ cấu thành sức khỏe của các ngân hàng hiện nay trước gió ngược lãi suất đối với sức hấp dẫn huy động, xét về nguồn vốn, là mức độ hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước qua tái cấp vốn bằng kênh trái phiếu đặc biệt VAMC. Hoạt động này được nhắc đến nhiều lần trong các định hướng chính sách gần đây, dĩ nhiên là với mức độ và kỳ hạn được kiểm soát chặt chẽ trong mối quan hệ với lạm phát.

Trong các thành viên trên, ngoại trừ Vietcombank có lượng nợ xấu bán lại cho VAMC khá ít, thì còn lại quy mô lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Nếu mức độ được tái tạo đáng kể, lãi suất tái cấp vốn dễ chịu ở kỳ hạn tốt hơn, thì họ sẽ bớt áp lực cạnh tranh lãi suất trên thị trường.

Và sau quyết định điều chỉnh ngày 26/9, chênh lệch lãi suất huy động giữa khối ngân hàng thương mại nhà nước với khối cổ phần đã doãng rộng. Có thể các thành viên khối cổ phần sẽ xem xét nhập cuộc theo thời gian tới.

Riêng tại BIDV và VietinBank, lãi suất các kỳ hạn ngắn đã không còn cạnh tranh ngang ngửa với một số thành viên khác như Eximbank, Sacombank, ACB… như vừa qua, thậm chí đã kéo về gần ngang với Vietcombank (thành viên luôn áp thấp nhất trong suốt năm qua).

Sẵn sàng trách nhiệm?

Như trên, vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong tạo điều kiện giảm lãi suất là không thể phủ nhận.

Dù các công cụ thường phát đi tín hiệu nới lỏng hoặc thắt chặt là dự trữ bắt buộc và các lãi suất điều hành vẫn giữ nguyên, nhưng hoạt động điều tiết vốn qua thị trường mở, qua tiền cung ứng mua ngoại tệ rất lớn, qua tái cấp vốn trái phiếu VAMC, hay gần đây được chú ý ở tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán…, đều có thể phản ánh một sự nới lỏng nhất định.

Nếu thực sự có nới lỏng, và đến nay lãi suất đã thực sự giảm rõ rệt và khá mạnh ở khối chiếm trên dưới 50% thị phần như trên, Ngân hàng Nhà nước đang cụ thể hóa mục tiêu mà Chính phủ liên tục đề cập từ tháng 4/2016 đến nay.

Và cũng đáng chú ý, nếu có sự nới lỏng để tạo điều kiện giảm lãi suất đó, thì Ngân hàng Nhà nước đã cho thấy mức độ sẵn sàng về trách nhiệm đối với lạm phát trong tương lai. Bởi quá khứ từng cho thấy, một khi có lạm phát tăng cao, sự nới lỏng của chính sách tiền tệ thường là nguyên nhân đầu tiên bị truy xét.

Ở áp lực đó, việc điều hành chính sách tiền tệ cũng cần đủ khỏe, bản lĩnh để có thể phải “ra gió” trong tương lai, nếu có tình huống lạm phát tăng cao về sau. Tất nhiên, nếu có sự nới lỏng đó, hẳn Ngân hàng Nhà nước cũng đã trù tính kỹ khả năng tác động và tầm kiểm soát đối với lạm phát với độ trễ của nó; và lạm phát còn tùy thuộc vào nhiều tác động khác nữa.

Ít nhất, cơ quan này đã có quá trình hành động thực sự để lãi suất giảm được. Chi phí của hơn 5 triệu tỷ đồng các khoản vay, dù đã ký rồi, tới đây có thêm hy vọng được giảm bớt. Đây là kỳ vọng lợi ích cụ thể cho doanh nghiệp và người dân vay vốn.

Theo Minh Đức

VnEconomy

Đọc tiếp »

Giá vàng quay đầu tăng nhẹ

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, giá vàng đầu phiên tăng nhẹ từ 20 – 50 nghìn đồng/lượng. Khoảng cách chênh lệch giữa vàng trong nước với vàng thế giới hiện chỉ còn khoảng 250 nghìn đồng mỗi lượng.

Giá vàng miếng SJC niêm yết tại CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) sáng nay tại khu vực Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ ở cùng mức giá 36,10 – 36,30 triệu đồng/lượng, giá bán ra ổn định so với phiên giao dịch cuối giờ chiều ngày hôm qua.

Tại thị trường Hà Nội, giá vàng miếng SJC đang được niêm yết tại công ty PNJ ở mức giá 36,18 – 36,25 triệu đồng/lượng, trong ngày hôm qua lượng giao dịch vàng miếng tại các cửa hàng PNJ khá ổn định, đa số vẫn là các giao dịch nhỏ lẻ ở tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh là chủ yếu.

Công ty VBĐQ SJC niêm yết giá vàng miếng ở mức 36,09 – 36,31 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 50 nghìn đồng/lượng so với phiên giao dịch cuối ngày hôm qua. Tập đoàn VBĐQ DOJI niêm yết ở mức 36,19 – 36,26 triệu đồng/lượng, tăng 20 nghìn đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới, giá vàng phiên 26/9 tăng nhẹ khi giới đầu tư chờ cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa 2 ứng viên Tổng thống Mỹ.

Tuần trước, giá kim loại quý đã tăng hơn 2%, ghi nhận tuần tăng giá lớn nhất trong gần 2 tháng, chủ yếu do Fed đưa ra quan điểm thận trọng về việc nâng lãi suất sau phiên họp chính sách tháng 9.

Cuối phiên giao dịch hôm qua, giá vàng giao ngay tăng 0,01% lên 1.337,40 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12/2016 trên sàn Comex tăng 0,2% lên 1.344,10 USD/ounce.

Trên thị trường châu Á, giá vàng hiện đang xoay quanh mức 1.338 USD/ounce. Quy đổi tương đương 36,06 triệu đồng/lượng, như vậy hiện tại vàng trong nước đang cao hơn thế giới khoảng 250 nghìn đồng/lượng.

Tiến Phương

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Động thái các ngân hàng lớn hạ lãi suất huy động: Gió có đổi chiều?

Cách đây một tuần, các ngân hàng thương mại cổ phần vẫn còn chạy đua lãi suất huy động mặc dù thừa vốn. Đột ngột ngày hôm qua, 4 ngân hàng dẫn đầu hệ thống hẹn nhau cùng giảm lãi suất khiến thị trường không khỏi ngỡ ngàng.

Gió đã đổi chiều

Hôm qua (26/9), Ngân hàng Nhà nước bất ngờ phát đi một thông báo cho hay các ngân hàng có quy mô lớn điều chỉnh giảm lãi suất huy động tiền đồng ở nhiều kỳ hạn.

Cụ thể, các kỳ hạn dưới một năm được một số ngân hàng điều chỉnh giảm 0,3-0,5 điểm phần trăm/năm. Theo đó, lãi suất áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới một tháng được các ngân hàng này công bố ở mức 0,3-0,5%/năm, kỳ hạn từ một tháng đến dưới ba tháng ở mức 4,2-4,3%/năm.

Lãi suất huy động đối với tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn từ ba tháng đến dưới năm tháng ở mức 4,8%/năm, kỳ hạn từ năm tháng đến dưới sáu tháng ở mức 5%/năm, kỳ hạn từ sáu tháng đến dưới 9 tháng ở mức 5,3%/năm, và kỳ hạn từ chín tháng đến dưới 12 tháng ở mức 5,5%/năm.

Thông tin trên đã khiến thị trường bất ngờ. Bất ngờ vì trước đó, hàng loạt ngân hàng còn chạy đua tăng lãi suất đầu vào bởi các tổ chức này cho rằng dư thừa thanh khoản là tạm thời, nhưng nhu cầu vốn vay từ hệ thống ngân hàng, kể cả vốn vay trung và dài hạn đã khiến các TCTD vẫn cạnh tranh nguồn vốn huy động ngoài ra còn là vấn đề lòng tin của thị trường bị ảnh hưởng trước một số thông tin bất lợi đến hoạt động ngân hàng.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, trong 8 tháng đầu năm, lãi suất huy động cơ bản ổn định, có xu hướng tăng nhẹ 0,2-0,3% trong giữa tháng 2 đến tháng 3. Từ tháng 5 trở lại đây, có TCTD điều chỉnh tăng, có TCTD điều chỉnh giảm, nhưng xu hướng chung là ổn định.

Bất ngờ hơn là những tháng cuối năm, nhu cầu vay thường tăng cao minh chứng là tín dụng thường tăng mạnh rõ rệt vào những tháng cuối năm. Những năm trước, vào thời điểm này các ngân hàng đều rục rịch tăng lãi suất đầu vào để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư và các tổ chức kinh tế. Đến nay, 4 ông lớn ngân hàng đã nổ những phát súng đầu tiên, đi ngược lại xu hướng trước đó.

Có khi nào chỉ là chớp nhoáng?

Ngân hàng Nhà nước đánh giá, động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động của các nhà băng là giải pháp tích cực, đã được Thống đốc cụ thể hóa cho ngành ngân hàng tại Chỉ thị số 04 về tiết giảm chi phí nhằm cắt giảm lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước khẳng định đã bám sát thị trường, điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản của hệ thống, tạo điều kiện để giữ mặt bằng lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp. Thông qua đó, nhà điều hành tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất huy động và giảm sức ép lên lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng, đồng thời đảm bảo các mục tiêu ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Luật bất thành văn, từ trước đến nay, khi các ông lớn ngân hàng phát đi tín hiệu tăng hay giảm lãi suất, cũng sẽ kéo theo hàng loạt các ngân hàng cổ phần nhập cuộc.

Tuy nhiên, ở tại thời điểm này, bên cạnh nhiều ngân hàng dư thừa vốn thì một số nhà băng đang phải lên dây cót để huy động vốn chẳng hạn như VPBank và Eximbank, tốc độ tăng trưởng huy động vốn của họ âm hoặc tăng trưởng rất thấp trong thời gian gần đây.

Liệu rằng với những bước đi ngược dòng của các ngân hàng đầu tàu có tạo ra xu hướng chung cho cả hệ thống? Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc chi nhánh ngân hàng một tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long của Vietcombank cho biết bốn ngân hàng lớn cùng hạ lãi suất huy động thì các ngân hàng nhỏ cũng sẽ khó mà tăng lãi suất huy động được, tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay chung trong hệ thống ngân hàng thương mại.

Bình luận thêm về vấn đề này, chuyên gia tài chính ngân hàng, TS.Nguyễn Trí Hiếu hy vọng đây sẽ là tín hiệu tích cực từ các ngân hàng đầu tàu, tạo tiền đề cho các ngân hàng nhỏ làm theo. Tuy nhiên liệu có tạo ra luồng gió mới mạnh mẽ hay không còn phải chờ xem. Bởi vì các ngân hàng lớn thanh khoản của họ rất tốt trong khi đa số các ngân hàng cấp nhỏ hơn vẫn đang rất thiếu vốn, nên để họ giảm lãi suất, giảm sức cạnh tranh thì chắc là rất khó.

Thứ hai, các ngân hàng trung và nhỏ vẫn muốn giữ tỷ lệ LDR (cho vay trên huy động) là 80%, thành ra 100 đồng huy động chỉ dùng 80 đồng, nhà băng muốn tăng tín dụng thì phải tăng yếu tố đầu vào.

Thứ ba, trong Thông tư 06/2016 mới đây, NHNN buộc các ngân hàng từ đầu năm 2017 phải cơ cấu lại vốn, vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn sẽ phải giảm từ 60% xuống còn 50%, khiến các ngân hàng phải huy động thêm vốn để cho vay trung, dài hạn nhằm cân bằng tỷ lệ vốn.

Thứ tư, theo chuyên gia, vấn đề nợ xấu các ngân hàng vẫn còn khá nan giải làm chậm lại dòng tiền quay trở về ngân hàng vì thế muốn trả lãi cho khách hàng ngân hàng cần phải huy động nguồn vốn mới. Dòng vốn tắc nghẽn nên các ngân hàng nhỏ vẫn khát vốn.

Kim Tiền

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Chứng khoán được lợi khi ngân hàng hạ lãi suất huy động

Kênh đầu tư chứng khoán có thể trở nên hấp dẫn hơn tương đối so với kênh gửi tiết kiệm ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ ngày 26/9, các ngân hàng lớn đã bắt đầu giảm lãi suất huy động khá mạnh cho các kỳ hạn dưới 1 năm, từ 0,3-0,5%/năm.

Theo đó, lãi suất áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng được các tổ chức tín dụng này công bố ở mức 0,3- 0,5%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng ở mức 4,2-4,3%/năm, kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 5 tháng ở mức 4,8%/năm, kỳ hạn từ 5 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 5%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng ở mức 5,3%/năm, và kỳ hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 5,5%/năm.

Trước đó, trên thị trường liên ngân hàng (thị trường 2), lãi suất đã giảm liên tục trong gần 2 tháng trở lại đây và đang ở mức thấp nhất trong lịch sử khi các kỳ hạn ngắn chỉ còn chưa đến 1%/năm.

Theo đánh giá của công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), có thể nói, với việc lãi suất trên thị trường 2 giảm mạnh cho thấy sự dư thừa thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, cùng với nỗi lo lạm phát vượt quá mục tiêu 5% đề ra từ đầu năm đến nay tạm thời được giảm bớt, việc các ngân hàng giảm lãi suất đầu vào là hợp lí.

Diễn biến trên giúp tạo điều kiện để lãi suất cho vay được cắt giảm trong thời gian tới, qua đó hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

BVSC đồng thời đánh giá thông tin trên cũng có ý nghĩa tích cực đối với diễn biến TTCK do kênh đầu tư chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn tương đối so với kênh gửi tiết kiệm ngân hàng. Mặc dù vậy, thị trường vẫn cần thêm thời gian để đánh giá xu hướng giảm lãi suất trên là bền vững, trong bối cảnh thị trường tiền tệ có khả năng còn nhiều biến động các tháng cuối năm.

Ngọc Toàn

Theo InfoNet

Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2016

Mánh khóe “rút ruột” 48 tỉ đồng của nhân viên ngân hàng

Bằng cách lập hồ sơ “khống” đề nghị khách hàng ký vào hồ sơ và giả mạo chữ ký, Nguyễn Thị Lam đã rút tiền hoặc chuyển khoản gần 50 tỉ đồng tiền gửi tiết kiệm của khách hàng gửi tại Eximbank.

Sáng 27-9, đại tá Nguyễn Xuân Thiêm, trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Nghệ An chủ trì buổi họp cung cấp thông tin cho báo chí về vụ án chiếm đoạt tài sản tại phòng giao dịch Đô Lương - thuộc ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chi nhánh Nghệ An.

Theo đại tá Thiêm, từ đầu tháng 8-2016 qua công tác nắm tình hình, PC46 Nghệ An xác định có dấu hiệu bất thường về việc chuyển tiền tiết kiệm của khách hàng tại phòng giao dịch huyện Đô Lương - , ngân hàng Eximbankchi nhánh Nghệ An.

Ngày 19-9, với các tài liệu chứng cứ thu thập được, PC46 Nghệ An khởi tố vụ án hình sự “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với Nguyễn Thị Lam (29 tuổi, ngụ xóm Yên Hương, xã Yên Sơn, huyện Đô Lương), nguyên cán bộ kiểm ngân phòng giao dịch Đô Lương. Hai ngày sau, Lam đến cơ quan công an đầu thú, khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Bước đầu, cơ quan điều tra làm rõ vụ việc, theo đó bằng cách lập hồ sơ “khống” đề nghị khách hàng ký vào hồ sơ và giả mạo chữ ký, Nguyễn Thị Lam đã rút tiền hoặc chuyển khoản trót lọt tiền gửi tiết kiệm của khách hàng gửi tại Eximbank.

Bắt đầu làm việc tại phòng giao dịch Đô Lương từ tháng 3-2011, Lam nhận thu chi tiền mặt, huy động tiền gửi, cho vay theo các chỉ tiêu. Trong quá trình “tiếp thị”, Lam đã chèo kéo các khách hàng gửi tiền bằng cách tự tăng lãi suất tiền gửi.

“Lãi suất ngân hàng chỉ 4,5-5%/năm nhưng Lam thỏa thuận với khách hàng lãi suất từ 7-12%/năm. Từ việc mời gọi khách hàng gửi tiền vào Eximbank thông qua mình, Lam đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của khách hàng bằng các thủ đoạn gian dối như làm hồ sơ khống, giả mạo chữ ký khách hàng; tự viết tay những yêu cầu về nội dung khách hàng cần rút hoặc chuyển bao nhiêu tiền”, đại tá Thiêm thông tin.

Thời gian đầu Lam đều trả lãi suất chênh lệch đầy đủ, đúng hẹn nên các khách hàng thân thiết rất tin tưởng Lam. Thậm chí, nhiều lần Lam rút tiền gửi tiết kiệm của khách hàng nhưng sau đó lại nộp tiền trở lại sổ tiết kiệm tránh sự nghi ngờ của khách hàng.

Đến nay PC46 Nghệ An đã làm rõ Lam đã chiếm đoạt tổng cộng 48 tỉ đồng tiền gửi khách hàng tại phòng giao dịch Đô Lương, trong đó người ít nhất là 350 triệu đồng, người nhiều nhất là 31 tỉ đồng. Sau khi chiếm đoạt tiền, Lam đã dùng để mua đất, xây nhà, mua ôtô và tiêu xài cá nhân.

Mở rộng điều tra, ngày 24-9, PC46 Nghệ An bắt khẩn cấp Đặng Đình Hồng (43 tuổi, ngụ xóm 12, xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương) - giám đốc phòng giao dịch Đô Lương để điều tra về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Bước đầu, Hồng thừa nhận rất hiểu nguyên tắc rút tiền, chuyển khoản tiết kiệm gửi từ ngân hàng nhưng do nể nang nên đã ký vào các hồ sơ thủ tục của Lam trình là không đúng quy trình với số tiền khoảng 14 tỉ đồng.

Đại tá Thiêm đánh giá, đây là vụ rút tiền gửi tiết kiệm của khách hàng ra khỏi hệ thống ngân hàng lớn nhất ở Nghệ An từ trước đến nay và là một cảnh báo về việc buông lỏng trong quản lý, làm trái nguyên tắc của cán bộ quản lý ngân hàng.

“Việc quản lý tiền gửi tiết kiệm khách hàng tại ngân hàng rất lỏng lẻo. Khi chúng tôi vào cuộc điều tra thì khách hàng mới biết tiền gửi tiết kiệm của mình bị rút ruột, có khách hàng ngất xỉu. Do khách hàng đã gửi tiền vào hệ thống ngân hàng được pháp luật bảo hộ, người bị hại đang giữ sổ tiết kiệm nên việc nắm giữ, quản lý, điều tiết là trách nhiệm của ngân hàng”, đại tá Thiêm nói.

Hiện PC46 Nghệ An đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, xác định khách thể bị xâm hại để làm rõ hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” hay “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với Nguyễn Thị Lam.

Liên quan đến vụ việc, đại diện Eximbank chi nhánh Nghệ An cho biết đây là một sơ suất đáng tiếc tại phòng giao dịch Đô Lương và chi nhánh sẽ chấn chỉnh việc này để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng trong toàn hệ thống đồng thời khuyến cáo khách hàng thường xuyên kiểm tra sổ tiết kiệm, làm việc với những người có trách nhiệm, không thông qua những nhân viên giao dịch dễ “mắc bẫy” bị lợi dụng; đặc biệt là không ký vào những giấy tờ không có nội dung gì.

Theo Doãn Hòa

Tuổi trẻ

Đọc tiếp »