Lượng kiều hối ngày càng chảy nhiều hơn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; thay vì đầu tư bất động sản, chứng khoán hoặc chi tiêu như trước.
Nguồn lực kiều hối không ngừng tăng trong những năm qua đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam. Số liệu mới công bố cho thấy, sau 8 tháng đầu năm 2016, lượng kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh ước đạt 2,85 tỷ USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm trước. Lượng kiều hối ngày càng chảy nhiều hơn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; thay vì đầu tư bất động sản (BĐS), chứng khoán hoặc chi tiêu như trước.
Sản xuất, kinh doanh hấp thụ dòng kiều hối có nhiều nguyên nhân. Trong đó phần lớn xuất phát từ nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, kéo theo nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn. Bên cạnh đó, việc Việt Nam ký kết hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do, đặc biệt là tham gia TPP và AEC khiến Việt Nam có nhiều lợi thế trong kinh doanh với các đối tác tham gia hiệp định. Việc Việt Nam giảm nhiều loại thuế trong kinh doanh cho DN, cộng thêm vai trò của DN tư nhân và DN nước ngoài đang dần khẳng định vị trí của mình… cũng kích thích dòng kiều hối đổ về mạnh hơn.
Một chuyên gia tài chính chia sẻ: Từ khi NHNN áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá mới, cùng với việc đưa lãi suất tiền gửi ngoại tệ về 0%, kiều bào đã thay đổi cách sử dụng nguồn tiền nhàn rỗi. Thay vì nhờ người thân gửi tiết kiệm lấy lãi và chờ tỷ giá tăng, thì nay họ cân nhắc, tính toán để có mục tiêu đầu tư rõ ràng hơn. Nguyên nhân nữa được các chuyên gia đề cập còn đến từ chuyện thị trường chứng khoán (TTCK) phát triển thiếu ổn định, vốn hoá thị trường còn nhỏ…
Với thị trường BĐS dù đã có hiện tượng ấm lên, nhưng vài tháng trở lại đây có dấu hiệu tăng trưởng chậm… Những yếu tố này trở thành bàn tay vô hình nắn dòng kiều hối vào khu vực sản xuất kinh doanh.
Theo chuyên gia kinh tế TS. Bùi Quang Tín, giảng viên khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, phần lớn trong nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam là từ thị trường Mỹ, Úc và Canada. Trong đó, Mỹ chiếm tỷ lệ lớn nhất với khoảng 7 tỷ USD trong tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam thời gian qua. Điều này đồng nghĩa với việc USD chiếm gần 60%, theo sau là đồng đô la Úc và đô la Canada chiếm gần 20%, còn lại là tiền của các quốc gia khác.
Chính bởi vậy, bên cạnh tiếp tục phát huy thế mạnh lượng kiều hối của người Việt Nam từ Mỹ chuyển về qua việc tạo điều kiện sản xuất kinh doanh, giảm thuế… cũng cần quan tâm hơn tới việc hỗ trợ người Việt Nam đang đi lao động tại các quốc gia khác trên thế giới. “Bởi nếu tập trung vào thị trường Mỹ, khi nền kinh tế Mỹ khó khăn thì sẽ ảnh hưởng tới lượng kiều hối về Việt Nam”, vị này nhận định.
Không phủ nhận lượng kiều hối chuyển về đã góp phần tăng thặng dư, giúp NH tăng dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, ở mặt khác, cũng có ý kiến cho rằng nếu trường hợp cán cân thanh toán quốc tế dương, kiều hối có thể tạo ra áp lực cho nền kinh tế. Và nếu hấp thụ một lượng lớn kiều hối, rất có thể khiến đồng nội tệ lên giá, ảnh hưởng cạnh tranh của hàng hoá trong nước. Về vấn đề này, theo quan điểm của TS. Bùi Quang Tín: Thời gian qua, bên cạnh lượng ngoại tệ về Việt Nam từ con đường kiều hối, còn có các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nguồn vốn hỗ trợ ODA và một số nguồn đầu tư khác.
Trong 8 tháng đầu năm 2016, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 9,8 tỷ USD; tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2015. Các nguồn tiền này sẽ giúp cho cán cân thanh toán quốc tế dương.
Để ổn định tỷ giá thời gian qua, NHNN đã mua vào một lượng lớn ngoại tệ, trong đó đặc biệt là đồng USD, từ đó hỗ trợ cho thanh khoản VND dồi dào trên thị trường, tạo cơ hội cho lãi suất VND giảm thời gian tới. Do đó, NHNN đã có giải pháp xử lý được lượng USD và ngoại tệ khác dư thừa trên thị trường.
Bên cạnh đó, FED quyết định chưa nâng lãi suất cơ bản tại cuộc họp ngày 20/9/2016, đồng CNY cũng chưa có nhiều biến động - “những yếu tố trên sẽ giúp cho tỷ giá USD/VND tiếp tục ổn định và có thể tăng thêm 2% cho đến cuối năm”.
Trong 5 năm qua (từ 2011 - 2015), lượng kiều hối chuyển về Việt Nam tăng bình quân 10 - 12% sau mỗi năm. Đây được xem là mức tăng khá ấn tượng trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế toàn cầu.
Làm một phép so sánh, TS. Bùi Quang Tín đưa ra con số năm 1991 kiều hối về Việt Nam ước chừng chỉ đạt 35 triệu USD, thì tới năm 2015 đã tăng lên 12,25 tỷ USD với tốc độ tăng trung bình hàng năm hơn 38%. Ông Tín nhận định: “Với tốc độ tăng trưởng và các điều kiện kể trên, chúng ta có thể kỳ vọng kiều hối về Việt Nam năm nay rơi vào khoảng từ 13 - 15 tỷ USD”.
Theo Khuê Nguyễn
Thời báo ngân hàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét