Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

Động thái các ngân hàng lớn hạ lãi suất huy động: Gió có đổi chiều?

Cách đây một tuần, các ngân hàng thương mại cổ phần vẫn còn chạy đua lãi suất huy động mặc dù thừa vốn. Đột ngột ngày hôm qua, 4 ngân hàng dẫn đầu hệ thống hẹn nhau cùng giảm lãi suất khiến thị trường không khỏi ngỡ ngàng.

Gió đã đổi chiều

Hôm qua (26/9), Ngân hàng Nhà nước bất ngờ phát đi một thông báo cho hay các ngân hàng có quy mô lớn điều chỉnh giảm lãi suất huy động tiền đồng ở nhiều kỳ hạn.

Cụ thể, các kỳ hạn dưới một năm được một số ngân hàng điều chỉnh giảm 0,3-0,5 điểm phần trăm/năm. Theo đó, lãi suất áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới một tháng được các ngân hàng này công bố ở mức 0,3-0,5%/năm, kỳ hạn từ một tháng đến dưới ba tháng ở mức 4,2-4,3%/năm.

Lãi suất huy động đối với tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn từ ba tháng đến dưới năm tháng ở mức 4,8%/năm, kỳ hạn từ năm tháng đến dưới sáu tháng ở mức 5%/năm, kỳ hạn từ sáu tháng đến dưới 9 tháng ở mức 5,3%/năm, và kỳ hạn từ chín tháng đến dưới 12 tháng ở mức 5,5%/năm.

Thông tin trên đã khiến thị trường bất ngờ. Bất ngờ vì trước đó, hàng loạt ngân hàng còn chạy đua tăng lãi suất đầu vào bởi các tổ chức này cho rằng dư thừa thanh khoản là tạm thời, nhưng nhu cầu vốn vay từ hệ thống ngân hàng, kể cả vốn vay trung và dài hạn đã khiến các TCTD vẫn cạnh tranh nguồn vốn huy động ngoài ra còn là vấn đề lòng tin của thị trường bị ảnh hưởng trước một số thông tin bất lợi đến hoạt động ngân hàng.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, trong 8 tháng đầu năm, lãi suất huy động cơ bản ổn định, có xu hướng tăng nhẹ 0,2-0,3% trong giữa tháng 2 đến tháng 3. Từ tháng 5 trở lại đây, có TCTD điều chỉnh tăng, có TCTD điều chỉnh giảm, nhưng xu hướng chung là ổn định.

Bất ngờ hơn là những tháng cuối năm, nhu cầu vay thường tăng cao minh chứng là tín dụng thường tăng mạnh rõ rệt vào những tháng cuối năm. Những năm trước, vào thời điểm này các ngân hàng đều rục rịch tăng lãi suất đầu vào để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư và các tổ chức kinh tế. Đến nay, 4 ông lớn ngân hàng đã nổ những phát súng đầu tiên, đi ngược lại xu hướng trước đó.

Có khi nào chỉ là chớp nhoáng?

Ngân hàng Nhà nước đánh giá, động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động của các nhà băng là giải pháp tích cực, đã được Thống đốc cụ thể hóa cho ngành ngân hàng tại Chỉ thị số 04 về tiết giảm chi phí nhằm cắt giảm lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước khẳng định đã bám sát thị trường, điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản của hệ thống, tạo điều kiện để giữ mặt bằng lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp. Thông qua đó, nhà điều hành tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất huy động và giảm sức ép lên lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng, đồng thời đảm bảo các mục tiêu ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Luật bất thành văn, từ trước đến nay, khi các ông lớn ngân hàng phát đi tín hiệu tăng hay giảm lãi suất, cũng sẽ kéo theo hàng loạt các ngân hàng cổ phần nhập cuộc.

Tuy nhiên, ở tại thời điểm này, bên cạnh nhiều ngân hàng dư thừa vốn thì một số nhà băng đang phải lên dây cót để huy động vốn chẳng hạn như VPBank và Eximbank, tốc độ tăng trưởng huy động vốn của họ âm hoặc tăng trưởng rất thấp trong thời gian gần đây.

Liệu rằng với những bước đi ngược dòng của các ngân hàng đầu tàu có tạo ra xu hướng chung cho cả hệ thống? Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc chi nhánh ngân hàng một tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long của Vietcombank cho biết bốn ngân hàng lớn cùng hạ lãi suất huy động thì các ngân hàng nhỏ cũng sẽ khó mà tăng lãi suất huy động được, tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay chung trong hệ thống ngân hàng thương mại.

Bình luận thêm về vấn đề này, chuyên gia tài chính ngân hàng, TS.Nguyễn Trí Hiếu hy vọng đây sẽ là tín hiệu tích cực từ các ngân hàng đầu tàu, tạo tiền đề cho các ngân hàng nhỏ làm theo. Tuy nhiên liệu có tạo ra luồng gió mới mạnh mẽ hay không còn phải chờ xem. Bởi vì các ngân hàng lớn thanh khoản của họ rất tốt trong khi đa số các ngân hàng cấp nhỏ hơn vẫn đang rất thiếu vốn, nên để họ giảm lãi suất, giảm sức cạnh tranh thì chắc là rất khó.

Thứ hai, các ngân hàng trung và nhỏ vẫn muốn giữ tỷ lệ LDR (cho vay trên huy động) là 80%, thành ra 100 đồng huy động chỉ dùng 80 đồng, nhà băng muốn tăng tín dụng thì phải tăng yếu tố đầu vào.

Thứ ba, trong Thông tư 06/2016 mới đây, NHNN buộc các ngân hàng từ đầu năm 2017 phải cơ cấu lại vốn, vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn sẽ phải giảm từ 60% xuống còn 50%, khiến các ngân hàng phải huy động thêm vốn để cho vay trung, dài hạn nhằm cân bằng tỷ lệ vốn.

Thứ tư, theo chuyên gia, vấn đề nợ xấu các ngân hàng vẫn còn khá nan giải làm chậm lại dòng tiền quay trở về ngân hàng vì thế muốn trả lãi cho khách hàng ngân hàng cần phải huy động nguồn vốn mới. Dòng vốn tắc nghẽn nên các ngân hàng nhỏ vẫn khát vốn.

Kim Tiền

Theo Trí thức trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét