Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017

Ông Lê Trọng Trí thôi làm Phó Tổng giám đốc Sacombank

Ông Lê Trọng Trí là con rể ông Trầm Bê.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB) thông báo về việc thay đổi nhân sự cấp cao.

Theo đó, ông Lê Trọng Trí thôi giữ chức vụ Phó tổng giám đốc Sacombank kiêm Trưởng phòng hành chánh quản trị chuyển sang làm chuyên viên cấp cao thuộc Văn phòng HĐQT kể từ ngày 4/4.

Được biết ông Lê Trọng Trí là con rể ông Trầm Bê. Trước đó, ngày 24/2, ông Trầm Bê và con trai ông là Trầm Khải Hòa cũng đã thôi tham gia quản trị và điều hành tại ngân hàng.

Ngọc Toàn

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Novaland bỏ tham gia tái cơ cấu Sacombank

Nhà đầu tư lớn xác nhận đã rút kế hoạch xin tham gia tái cơ cấu Sacombank...

Chiều tối 5/4, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Novaland Group xác nhận với VnEconomy đã chính thức xin rút, không tham gia đề án tái cơ cấu Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Trước đó, tập đoàn lớn về bất động sản này đã có tờ trình gửi đến Ngân hàng Nhà nước xin tham gia đề án tái cơ cấu Sacombank, với những kế hoạch dự kiến cơ bản.

Cụ thể, thông tin đề cập trên tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 31/3 vừa qua cho biết, Novaland Group đề xuất mua 20% cổ phần của Sacombank, cũng như trù tính cả kế hoạch nhân sự tại ngân hàng này sau khi được xét duyệt và tham gia chính thức, và một số đề xuất khác.

Tính đến 1/12/2016, tổng số vốn điều lệ của tập đoàn Novaland là 5.962 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng đầu năm 2016, tổng tài sản tập đoàn này đạt 32.480 tỷ đồng; mức doanh thu thuần là 7.176 tỷ đồng, vượt 6,55% so với kế hoạch doanh thu cả năm 2016; lợi nhuận sau thuế đạt 1.561 tỷ đồng, tương ứng 94,61% so với kế hoạch cả năm 2016.

Với thông tin xin rút nói trên, trước thềm đại hội đồng cổ đông thường niên sắp tới của Sacombank (dự kiến tổ chức vào 28/4), hiện chưa có thông tin chính thức về tổ chức hoặc nhà đầu tư lớn và mới nào sẽ thực sự hoặc được xét duyệt tham gia vào đề án tái cơ cấu ngân hàng này.

Kế hoạch đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng từ một nhóm nhà đầu tư khác vào Sacombank, được một số thông tin đề cập gần đây, cũng không được Ngân hàng Nhà nước xác nhận, cho đến thời điểm này. Bởi theo lý giải của đại diện cơ quan này, kế hoạch đầu tư hay giao dịch của nhà đầu lớn hay nhỏ hiện đều phải tuân thủ, cũng như đã được pháp luật quy định trên thị trường, nhất là về các giới hạn tỷ lệ sở hữu.

Trong khi đó, tại thông cáo ngày 24/2/2017, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã chỉ đạo Sacombank khẩn trương tổ chức đại hội đồng cổ đông trong tháng 4/2017 để kiện toàn bộ máy quản trị, điều hành, thông qua các vấn đề thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông, tiếp tục triển khai các giải pháp tái cơ cấu đã được phê duyệt sau khi sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank).

Cũng sau khi sáp nhập Southern Bank, tình hình tài chính của Sacombank đã thay đổi.

Ngân hàng này đối diện với áp lực tỷ lệ nợ xấu cao (tới 5,53% tính đến cuối 2016), cùng một lượng lớn nợ xấu đã bán sang VAMC; bên cạnh đó là quy mô các khoản phải thu 17.352 tỷ đồng, các khoản lãi và phí phải thu lên tới 26.389 tỷ đồng (đến cuối 2016).

Theo Minh Đức

Vneconomy

Đọc tiếp »

Làm ăn khấm khá hơn trong năm qua, SeABank trả thu nhập nhân viên 12,76 triệu đồng/tháng

Tiền lương trung bình của mỗi nhân viên SeABank trong năm qua là 12,63 triệu đồng/tháng, tăng 1,26 triệu đồng/tháng so với năm trước. Thu nhập bình quân là 12,76 triệu đồng/tháng/người, tăng 1,34 triệu đồng.

Theo BCTC đã được kiểm toán của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), tính đến thời điểm 31/12/2016, tổng tài sản của ngân hàng đạt 103 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so với thời điểm đầu năm.

Cho vay khách hàng đạt gần 59 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 37%. Tiền gửi của khách hàng đạt 72 nghìn tỷ đồng, tăng 26%.

Kết thúc năm 2016, ngân hàng ghi nhận 145,8 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận tăng mạnh do ngân hàng tăng trưởng mạnh thu nhập lãi thuần. Cụ thể, năm 2016 ngân hàng đạt 1.843 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 60% so với năm 2015.

Tuy nhiên trong năm qua ngân hàng đã phải tăng chi phí hoạt động và đặc biệt là trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh lên 648 tỷ đồng, trong khi năm trước chỉ là 93 tỷ đồng.

Về chất lượng tín dụng, tổng số nợ xấu của ngân hàng cuối năm 2016 là 1.003 tỷ đồng, tăng 64% so với năm 2015 và chiếm tỷ lệ 1,7% trên tổng dư nợ cho vay. Ngoài ra, ngân hàng còn 745 tỷ đồng nợ tồn đọng cần xử lý. Ngân hàng cho biết các khoản cho vay với Tổng công ty công nghiệp tàu thủy (trước đây là Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam – Vinashin) và Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines) đang được phân loại nợ và trích lập dự phòng theo chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước.

Ngân hàng hiện có dư nợ cho vay bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy lớn nhất với 12,4 nghìn tỷ; sau đó là hoạt động làm thuê hộ gia đình và công nghiệp chế biến, chế tạo với dư nợ trên 7 nghìn tỷ. SeABank cho vay hoạt động kinh doanh BĐS là 3,7 nghìn tỷ, không thay đổi đáng kể so với năm trước.

Theo thông tin của ngân hàng, trong năm 2016, tổng số cán bộ, công nhân viên của SeABank là 2.661 người, tăng hơn 100 người so với năm trước. Tổng quỹ lương là 403 tỷ đồng, tăng 17%. Tiền thưởng cho nhân viên là gần 4 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ.

Tiền lương trung bình của mỗi nhân viên trong năm qua là 12,63 triệu đồng/tháng, tăng 1,26 triệu đồng/tháng so với năm trước. Thu nhập bình quân là 12,76 triệu đồng/tháng/người, tăng 1,34 triệu đồng.

Kim Tiền

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Lựa chọn nào của Sacombank trước nguy nan?

Sacombank hẳn là một trong những ngân hàng lo nhất trong đợt biến động lãi suất vừa qua...

Như đề cập ở bản tin trước trên VnEconomy, nhà đầu tư lớn là Novaland đã rút đề nghị được tham gia đề án tái cơ cấu Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Nhóm nhà đầu tư khác, trong đó có nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị trước đây là ông Đặng Văn Thành cũng có trở ngại.

Vậy, Sacombank còn những lựa chọn nào, khi đại hội đồng cổ đông quan trọng đã gần kề theo kế hoạch dự kiến (ngày 28/4)?

Xét duyệt chặt chẽ

Trước hết, từ cuối tháng 3 vừa qua, Novaland gây chú ý với thông tin xin tham gia đề án tái cơ cấu nói trên, cùng đề xuất mua 20% cổ phần của Sacombank.

Điểm đầu tiên được chú ý: nguồn lực của tập đoàn này như thế nào, trong khi quan điểm xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước trong quá trình tái cơ cấu hệ thống là nhà đầu tư phải có nguồn tiền thực, không ảo qua vay mượn.

Tập đoàn này đã niêm yết, thông tin tài chính công khai và yếu tố nguồn tiền được dẫn giải trong báo cáo tài chính. Nhưng dù nguồn “tiền tươi” hạn chế, thì lại có điểm kết nối khác đáng chú ý: đề xuất của Novaland đi cùng với cá nhân ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Tiềm lực riêng của vị doanh nhân này là miếng ghép đáng chú ý.

Thứ nữa, nếu đề xuất trên được chấp thuận, thì vốn điều lệ của Sacombank cũng không bổ sung để tăng thêm, vì không phải phát hành thêm mà qua nhận chuyển nhượng từ cổ đông hiện hữu, cụ thể là họ muốn mua ở phần VAMC đang nhận uỷ quyền.

Tuy nhiên, cuối cùng Novaland đã rút lại ý định trên. Hiện chưa có các dẫn giải cụ thể về nguyên do.

Sau khi Novaland chính thức rút, sự chú ý về khả năng thay đổi và một lựa chọn cho đề án tái cơ cấu Sacombank tập trung về nhóm nhà đầu tư thứ hai, gồm nhà đầu tư nước ngoài Evercore Group, Redsun Capital Limited và ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Thành Thành Công (cũng là người gắn bó ở vị trí cao nhất tại Sacombank nhiều năm trước).

Tuy nhiên, để trở thành cổ đông lớn tham gia tái cơ cấu Sacombank, bằng việc nắm giữ các vị trí quản trị, điều hành cao cấp, nhóm nhà đầu tư này phải qua được cửa xét duyệt của Ngân hàng Nhà nước - một quy định bất di bất dịch trước khi bầu chọn cơ cấu nhân sự cao cấp của bất kỳ ngân hàng nào.

Còn về phía Ngân hàng Nhà nước, quan điểm đã rõ. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ toàn ngành ngân hàng đầu năm nay, Thống đốc Lê Minh Hưng đã nhấn mạnh nguyên tắc trong thực hiện tái cơ cấu. Đó là thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực, có nguồn vốn thực mà không phải từ vay mượn. Nhưng, có nguồn tiền thực và tiềm lực mạnh chưa hẳn đã đủ điều kiện tham gia tái cơ cấu, xét ở việc quản trị điều hành ngân hàng, mà đó còn phải là những nhà đầu tư có kinh nghiệm trong ngành.

Và ngay cả khi hội đủ những tiêu chí trên cũng chưa chắc đã được lựa chọn.

Cũng tại hội nghị đó, Thống đốc đã nhấn mạnh: “Sẽ có những quy định khắt khe hơn với người tham gia điều hành ngân hàng. Ví dụ như anh phải chứng minh chi tiết rõ ràng nguồn gốc tiền đầu tư mua cổ phần vào ngân hàng. Nếu vi phạm ở mức độ nào đó anh vĩnh viễn không được điều hành ngân hàng nữa”.

Cụ thể hóa định hướng trên, Ngân hàng Nhà nước vừa có bản dự thảo, trong đó nhấn mạnh yêu cầu sửa đổi, bổ sung điều 50 Luật các tổ chức tín dụng về tiêu chuẩn, điều kiện đối với các chức danh chủ tịch hội đồng quản trị/hội đồng thành viên, thành viên hội đồng quản trị/hội đồng thành viên, thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc của các tổ chức tín dụng theo hướng chặt chẽ hơn.

Nguyên do của yêu cầu trên, việc xét xử các đại án trong ngành thời gian qua làm nổi lên vấn đề năng lực và rủi ro đạo đức của người quản trị, điều hành tại một số tổ chức tín dụng. Và hướng siết chặt lại là một khi anh có vết vi phạm thì rất khó quay trở lại ngành, nhất là ở các vị trí lãnh đạo cao cấp.

Cũng tại hội nghị toàn ngành những năm gần đây, lãnh đạo Chính phủ muốn lưu ý việc xử lý, loại trừ tình trạng các cổ đông lớn thao túng, lũng đoạn, biến ngân hàng thành “của nhà” với các công ty sân sau, lợi ích nhóm và sở hữu chéo… Theo đó, không hẳn cứ có tiền, có nghề là đã có thể vào thâu tóm ngân hàng, nhất là khi Ngân hàng Nhà nước đã có uỷ quyền tỷ lệ sở hữu rất lớn cũng nguyên tắc xét duyệt khắt khe hiện nay.

Thử thách rất lớn

Đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin cuối cùng về việc sẽ có nhà đầu lớn và mới hay không tham gia vào đề án tái cơ cấu Sacombank. Nếu có, thử thách sẽ rất lớn, do gánh nặng các vấn đề tài chính tại đây, chủ yếu do chuyển giao từ sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank).

Một dẫn giải cụ thể cho thấy, trong đợt biến động của lãi suất huy động VND vừa qua, Sacombank hẳn là một trong ngân hàng lo lắng nhất.

Bởi lẽ, cứ mỗi phần trăm lãi suất tăng lên, chi phí hoạt động ngân hàng sẽ càng thêm nặng nề để nuôi những khoản vốn đã cho vay mà không hoặc chưa thu hồi về đúng hạn được, cũng như đối với những tài sản không sinh lời.

Giả dụ với khối tài sản không sinh lời từ 90-95 nghìn tỷ đồng, lãi suất huy động bình quân 5%/năm thì chi phi lãi ngân hàng bị ảnh hưởng lên tới 4.500 - 5.000 tỷ đồng. Lãi suất càng tăng, chi phí bị ảnh hưởng này càng lớn, mà quy mô lợi nhuận thông thường tại Việt Nam chưa có ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân nào đạt được trong những năm qua để có thể cân đối tốt.

Sau sáp nhập Southern Bank, Sacombank nhận về lượng lớn số tài sản không sinh lời. Đây cũng là một cơ sở chính để khối phân tích của Công ty Chứng khoán Tp.HCM (HSC) mới đây rất thận trọng khi đánh giá: Sacombank gần như sẽ không có lợi nhuận năm 2017, thậm chí phải rất nỗ lực để tránh ghi nhận lỗ trong vài năm tới và sẽ tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận không đáng kể trong 5-10 nữa, cũng như suốt giai đoạn này khó có được cổ tức.

Báo cáo tài chính và các giải trình liên quan cuối 2016 của Sacombank cũng nêu rõ thử thách rất lớn ở gánh nặng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu cuối 2016 là 5,53%. Chưa dừng lại, ngân hàng cho biết đã bán lượng rất lớn nợ xấu cho VAMC, với số dư lên đến 37.300 tỷ đồng trái phiếu do đầu mối mua nợ này phát hành.

Và sẽ là gánh nặng lớn hơn nữa về nợ xấu, do tiềm ẩn trong tổng lãi dự thu tích tụ, dồn lại và chuyển giao từ Southern Bank tính đến cuối 2016 là 22.881 tỷ đồng. Áp lực ở chỗ, nếu thực hiện thoái lãi dự thu theo quy định thì chắc chắn nguy cơ lỗ hoặc lợi nhuận kém là khó tránh.

Thử thách tại Sacombank với những điểm chính về vấn đề tài chính nói trên trở thành nguy nan, vì nếu cộng hưởng giữa lượng tài sản không sinh lời cao, hiệu quả sinh lời bị suy giảm, áp lực nếu phải thoái lãi dự thu với nợ xấu tiềm ẩn trong đó, đi cùng là chi phí trích lập dự phòng tăng lên, có thể ảnh hưởng sâu sắc đến các chỉ số an toàn hoạt động theo tiêu chuẩn quy định.

Trọng tâm của quyết sách

Sau sáp nhập Southern Bank, thay đổi lớn nhất và có tính quyết định nhất đến thời điểm này tại Sacombank là Ngân hàng Nhà nước đã nhận uỷ quyền (qua VAMC) tỷ lệ sở hữu lớn của nhóm cổ đông với đại diện là ông Trầm Bê. Theo đó, cơ quan quản lý này có điều kiện để giám sát, kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của Sacombank cũng như những rủi ro tiềm ẩn.

Là ngân hàng thương mại có quy mô tổng tài sản lên tới trên 333.000 tỷ đồng, Sacombank có vị trí ưu tiên hàng đầu trong các quyết sách và kế hoạch tái cơ cấu của Ngân hàng Nhà nước hiện nay.

Phương án tái cơ cấu đã được chuẩn bị và sẽ dần định hình rõ hơn qua đại hội đồng cổ đông dự kiến sắp tới, nếu diễn ra thành công. Trong đó, cho đến thời điểm này không có bất kỳ xác nhận và khẳng định nào về sự tham gia của hai nhóm nhà đầu tư nói trên.

Thay vào đó, theo tìm hiểu của VnEconomy, trước mắt vẫn là cơ cấu cổ đông hiện hữu, triển khai tái cơ cấu Sacombank vẫn tự chủ động và dựa vào nội lực tự thân, tự quyết cho hoạt động của mình. Và dĩ nhiên là có sự hỗ trợ, bám sát quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước.

Lựa chọn chủ yếu của Sacombank hiện nay chủ yếu là hướng đến kiện toàn cơ cấu nhận sự quản lý, điều hành - cơ cấu đang chờ đợi một chỉnh thể thống nhất, minh bạch hơn nữa, với những người dẫn đầu có nghề và thực vì lợi ích ngân hàng hơn là lợi ích và quyền lực cá nhân, cũng như ngăn chặn những con mắt nhắm vào tiền gửi của dân tại ngân hàng. Đây chắc chắn là điểm, cũng là trách nhiệm, mà Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát và xét duyệt kỹ để gửi gắm ở cơ cấu mới.

Điểm thuận lợi là, dù nặng gánh nguy nan các vấn đề tài chính, Sacombank với vị thế và chất lượng trước đây vẫn còn đó. Vẫn là một ngân hàng bán lẻ hàng đầu của hệ thống. Và đặc biệt là niềm tin của người gửi tiền, của đối tác vẫn còn đó.

Minh chứng cụ thể, tăng trưởng tiền gửi và tổng tài sản năm qua vẫn tăng trưởng tốt, đặc biệt riêng hệ thống Sacombank trước đây có tốc động tăng trưởng tiền gửi mạnh mẽ mà ít có ngân hàng nào đạt được (đạt tới 35,7% so với thời điểm sáp nhập).

Nếu tái cơ cấu tự thân với nguồn lực hiện tại, điều cần cho lựa chọn của Sacombank tới đây là một cơ cấu lãnh đạo chuẩn mực như trên, cùng cơ chế chính sách hỗ trợ trong xử lý các vấn đề tài chính; và dĩ nhiên là cần thêm thời gian.

Theo Minh Đức

Vneconomy

Đọc tiếp »

Novaland lý giải việc bỏ tham gia tái cơ cấu Sacombank

“Trong thời gian chờ đợi, đã xuất hiện rất nhiều thông tin trái chiều gây bất lợi cho chúng tôi”...

Tập đoàn Novaland đã có lý giải cụ thể về nguyên do rút kế hoạch xin tham gia đề án tái cơ cấu Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Quyết định trên đưa ra sau khi Novaland đã có ba tháng theo đuổi các đề xuất của mình.

Cụ thể, ngày 16/12/2016, tập đoàn này có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước xin tham gia đề án tái cơ cấu Sacombank. Đến ngày 18/3/2017, tập đoàn tiếp tục có văn bản và các thuyết minh kế hoạch cụ thể sẽ triển khai nếu được xét duyệt, trong đó có đề xuất mua 20% cổ phần ngân hàng, cũng như chuẩn bị ứng cử nhân sự quản trị, điều hành…

Nhưng, như VnEconomy đề cập ở bản tin trước, Novaland vừa có quyết định rút lại kế hoạch trên, không xin tham gia đề án tái cơ cấu Sacombank nữa.

Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Novaland Group nhắc lại đánh giá của mình trong đề xuất trước đây rằng, tham gia tái cơ cấu Sacombank là một việc rất khó, rất phức tạp và sẽ mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc; cần sự minh bạch, cần sự quyết tâm của toàn đội ngũ và phải được sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ.

“Trong thời gian chờ đợi sự phê duyệt, đã xuất hiện rất nhiều thông tin trái chiều gây bất lợi cho chúng tôi”, ông Bùi Thành Nhơn cho biết nguyên do.

Cho rằng Sacombank “đang trong giai đoạn cùng cực của sự khó khăn”, Chủ tịch Novaland khuyến nghị ngân hàng này đang rất cần người lái tàu tâm huyết gắn liền với nguồn vốn thật, cần nhóm quản lý chuyên nghiệp trong và ngoài nước thông hiểu việc tái cấu trúc ngân hàng tầm cỡ quốc tế, cần người có mối quan hệ hài hoà với tất cả các bên để tránh xung đột, cần người quy tụ được nhân tài về hợp sức kiên trì vực dậy ngân hàng.

“Với phương châm kinh doanh trung thực - minh bạch - thượng tôn pháp luật, chúng tôi cho rằng việc chung tay giúp sức với Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ tái cơ cấu Sacombank tuyệt đối không nên là một cuộc cạnh tranh để giành lợi ích ngắn hạn. Sacombank muốn phục hồi phải cần sự đồng lòng hỗ trợ của cả hệ thống”, ông Nhơn khuyến nghị.

Chủ tịch Novaland cũng cho biết thêm, do nhận thấy có nhiều yếu tố khó khăn xuất hiện, nên tập đoàn đã xin rút lại đề xuất tham gia tái cơ cấu Sacombank trình Ngân hàng Nhà nước trước đó.

Như trên, Novaland đã theo đuổi kế hoạch của mình ba tháng qua, và thu hút sự chú ý của thị trường thời gian gần đây.

Về tiềm lực tài chính, trong kế hoạch trình Ngân hàng Nhà nước, Novaland cập nhật quy mô vốn điều lệ hiện đã đạt 7.000 tỷ đồng, quy mô vốn hóa khoảng 2 tỷ USD. Và tham gia kế hoạch còn là tiềm lực tài chính của riêng cá nhân ông Bùi Thành Nhơn.

Ngoài ra, Novaland cho biết đã có các hoạt động huy động vốn tích cực trong vòng hai năm trở lại đây.

Cụ thể, năm 2015, tập đoàn đã phát hành gần 50 triệu USD cổ phần ưu đãi chuyển đổi cho quỹ đầu tư VinaCapital, Dragon Capital và một công ty tài chính trong nước. Năm 2016, tập đoàn được tài trợ một khoản vay chuyển đổi trị giá 100 triệu USD từ Credit Suisse, là một tổ chức tài chính uy tín nước ngoài, trong đó 60 triệu USD đã được giải ngân trong tháng 7/2016.

Tháng 11/2016, tập đoàn đã hoàn thành đợt phát hành cổ phần riêng lẻ đạt mức huy động gần 120 triệu USD với sự tham gia của Dragon Capital, VinaCapital, GIC (Chính phủ Singapore), J.P. Morgan, RWC Partners, Duxton Asset Management, Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM), Công ty Quản lý Quỹ Bản Việt…

Theo Minh Đức

Vneconomy

Đọc tiếp »

Kho bạc Nhà nước đã huy động được hơn 61 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), sau phiên giao dịch mới nhất ngày 5/4, Kho bạc Nhà nước đã huy động thêm 5.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, nâng tổng mức huy động từ đầu năm đến nay lên hơn 61 nghìn tỷ đồng.

HNX thông tin, trong phiên giao dịch ngày hôm qua, HNX đã tổ chức phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 5.000 tỷ đồng cho 4 loại kỳ hạn: 5 năm (1.000 tỷ đồng), 7 năm (1.000 tỷ đồng), 10 năm (1.500 tỷ đồng) và 30 năm (1.500 tỷ đồng).

Trái phiếu kỳ hạn 5 năm có 14 thành viên tham gia dự thầu, khối lượng dự thầu hợp lệ đạt 2.561 tỷ đồng và lãi suất đặt thầu nằm trong khoảng 5,10-5,60%/năm. Kết quả, huy động được 550 tỷ đồng trái phiếu 5 năm với lãi suất trúng thầu 5,12%/năm, cao hơn 0,02%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 29/3/2017).

Trái phiếu kỳ hạn 7 năm có 8 thành viên tham gia dự thầu, khối lượng dự thầu hợp lệ đạt 1.801 tỷ đồng và lãi suất đặt thầu nằm trong khoảng 5,43-5,90%/năm. Kết quả, huy động được 550 tỷ đồng trái phiếu 7 năm với lãi suất trúng thầu 5,43%/năm, bằng lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 29/3/2017).

Trái phiếu kỳ hạn 10 năm có 12 thành viên tham gia dự thầu, khối lượng dự thầu hợp lệ đạt 3.501 tỷ đồng và lãi suất đặt thầu nằm trong khoảng 5,90-6,50%/năm. Kết quả, huy động thành công 1.500 tỷ đồng trái phiếu 10 năm với lãi suất trúng thầu 5,99%/năm, thấp hơn 0,06%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 15/3/2017). Phiên thầu phụ trái phiếu kỳ hạn 10 năm gọi thầu 450 tỷ đồng, có 2 thành viên tham gia và khối lượng dự thầu hợp lệ đạt 900 tỷ đồng, kết quả huy động thành công 450 tỷ đồng.

Trái phiếu kỳ hạn 30 năm có 10 thành viên tham gia dự thầu, khối lượng dự thầu hợp lệ đạt 4.136 tỷ đồng và lãi suất đặt thầu nằm trong khoảng 7,80-8,40%/năm. Kết quả, huy động thành công 1.500 tỷ đồng trái phiếu 30 năm với lãi suất trúng thầu 7,85%/năm, thấp hơn 0,05% so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 29/3/2017). Phiên thầu phụ trái phiếu kỳ hạn 30 năm gọi thầu 450 tỷ đồng, có 7 thành viên tham gia và khối lượng dự thầu hợp lệ đạt 2.061 tỷ đồng, kết quả huy động thành công 450 tỷ đồng.

Kể từ đầu năm 2017 đến nay, Kho bạc Nhà nước đã huy động thành công 61.497 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ qua đấu thầu tại HNX.

Theo PV

Báo Hải quan

Đọc tiếp »

Lại đón “bão” tăng vốn ngân hàng

Các ngân hàng đang lên kế hoạch tăng vốn từ vài trăm tỷ đến vài nghìn tỷ trong năm nay.

Mùa đại hội cổ đông của các ngân hàng lại bắt đầu. Trong các kế hoạch cho năm 2017, một điểm chung dễ nhận thấy của các nhà băng là nhu cầu tăng vốn.

VPBank, dự kiến đại hội cổ đông vào ngày 10/4, cho biết muốn tăng vốn tổng cộng hơn 4.800 tỷ đồng so với năm 2016. Sau đợt tăng vốn đầu năm, thời gian còn lại ngân hàng cần tăng thêm khoảng 3.000 – 4.000 tỷ nữa.

“Với kế hoạch dư nợ tín dụng hơn 200 nghìn tỷ và ảnh hưởng tác động của thông tư 35/t2016-TT-NHNN thì để đảm bảo hệ số CAR của ngân hàng tối thiểu 9%, dự kiến tổng vốn tự có của ngân hàng tối thiểu phải là 18.000 tỷ đồng. Đồng thời, với mục tiêu đảm bảo an toàn vốn theo các chỉ tiêu quản trị nội bô cũng như các cam kết với các đối tác quốc tế và để chuẩn bị cho các kế hoạch kinh doanh mở rộng cho các năm tiếp theo, Ngân hàng liên tục cần tăng trưởng vốn tự có trong hoạt động của mình.

Với vốn điều lệ hiện tại của ngân hàng là 10.765 tỷ đồng và số vốn tự có tương ứng khoảng 15.400 tỷ đồng thì thì trong năm 2017 VPBank cần bổ sung thêm khoảng 3.000 đến 4.000 tỷ đồng vào Vốn điều lệ để đáp ứng các nhu cầu hoạt động của ngân hàng và đảm bảo tuân thủ các tỷ lệ an toàn trong quá trình hoạt động.”

Đó là những gì lãnh đạo VPBank đã gửi gắm tới cổ đông trước thềm đại hội.

Một ngân hàng được xem là đối thủ nặng ký của VPBank trên thị trường – Techcombank- cũng có tham vọng tăng mạnh nguồn vốn trong năm nay. Vốn điều lệ của Techcombank hiện là 8.878 tỷ đồng và muốn nâng lên 13.878 tỷ đồng vào cuối năm bằng cách chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu.

Nếu các phương án nói trên được chấp thuận, VPBank và Techcombank sẽ cùng đưa vốn lên vùng trên dưới 14.000 tỷ đồng, vượt qua quy mô vốn của các ngân hàng Eximbank, SHB và chỉ đứng sau Sacombank (hơn 18.000 tỷ), MB (hơn 17.000 tỷ), SCB (gần 14.300 tỷ) trong nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân.

LienVietPostBank là một trường hợp khác lên kế hoạch tăng vốn năm nay và đã được cổ đông ủng hộ. Năm nay ngân hàng sẽ tăng vốn từ 6.460 lên 7.000 tỷ đồng thông qua phát hành 54 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông một phần (38,76 triệu cổ phiếu) và phần còn lại để chào bán ra công chúng hoặc cho cán bộ nhân viên (15,24 triệu cổ phần).

Ngân hàng ACB cũng lên kế hoạch tăng vốn thêm gần 1.000 tỷ đồng, từ mức hơn 10.200 tỷ hiện nay. Trong tờ trình gửi tới cổ đông chuẩn bị họp vào ngày 10/4, lãnh đạo ngân hàng cho biết việc tăng vốn là cấp thiết vì “các quy định mới của NHNN đều gắn với tỷ lệ giới hạn an toàn chẳng hạn như cấp tín dụng với vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ. Việc tăng vốn sẽ giúp ngân hàng gia tăng các giới hạn liên quan đến cấp tín dụng cho khách hàng, thêm nguồn vốn trung, dài hạn để tài trợ cho các hoạt động tín dụng…và rằng việc tăng vốn sẽ giúp ACB nâng cao năng lực tài chính…”.

Các ngân hàng khác chưa có kế hoạch rõ ràng cho lộ trình tăng vốn năm nay, nhưng quy định của NHNN về giới hạn an toàn là không dành cho riêng một ngân hàng nào mà toàn bộ hệ thống. Vì thế, để đảm bảo được các chỉ tiêu, các ngân hàng không còn cách nào khác là phải nâng vốn điều lệ.

Nhóm các ngân hàng có vốn điều lệ siêu nhỏ (chưa đến 5.000 tỷ) chắc hẳn đang đứng ngồi không yên với các kế hoạch tăng tiềm lực tài chính. Thậm chí áp lực này còn hiện hữu và nặng nề với cả những ngân hàng lớn nhất hệ thống như là VietinBank, Vietcombank và BIDV cũng như các ngân hàng cổ phần tư nhân khác nằm trong nhóm 10 ngân hàng thí điểm áp dụng Basel II kể từ tháng 9/2017.

Và sẽ không ngoa khi nói rằng thị trường sẽ chứng kiến những cơn “bão” tăng vốn điều lệ của các tổ chức tín dụng trong năm nay.

Tùng Lâm

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

NHNN yêu cầu mở rộng tín dụng

NHNN Việt Nam vừa có văn bản (số 2178/NHNN-TD) chỉ đạo các TCTD, yêu cầu tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, tổng giám đốc một NHTM cho biết.

Đặc biệt đáp ứng đầy đủ vốn và kịp thời nhu cầu vốn cho các lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DNNVV, DN ứng dụng công nghệ cao.

Theo đó các TCTD phải xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong mạng lưới của mình phù hợp với chỉ tiêu chung và sớm có xây dựng các quy định cho vay vốn đối với tổ chức và cá nhân theo quy định mới tại Thông tư 39. Ngoài ra, NHNN chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh các chương trình tín dụng quốc gia, như chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn, cho vay đóng mới, nâng cấp tàu khai thác hải sản xa bờ, cho vay tái canh cà phê, cho vay hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch nông - thủy sản…

Đặc biệt các TCTD tiết giảm chi phí để dành nguồn vốn tham gia chương trình tín dụng khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo chủ trương của Chính phủ. Bên cạnh việc mở rộng tín dụng, NHNN yêu cầu các TCTD cải tiến thủ tục hồ sơ tín dụng, tạo điều kiện cho người vay vốn tiếp cận nhanh nhất và kiểm soát an toàn vốn vay bằng nâng cao chất lượng thẩm định, các TCTD phải thường xuyên đánh giá khả năng tài chính và trả nợ của bên vay vốn…

Theo Đ.Hải

Thời báo ngân hàng

Đọc tiếp »

Sau nghỉ lễ, giá vàng bật tăng

Các chuyên gia cho rằng, ở thời điểm nhạy cảm khi thị trường thế giới vẫn chấp chới đan xen xu hướng tăng giảm do ảnh hưởng bởi các thông tin kinh tế chính trị Mỹ – thị trường số 1 thế giới, các nhà đầu tư trong nước nên giao dịch cân đối an toàn, nhằm tối ưu hoá lợi nhuận.

Sáng nay, Công ty VBĐQ Phú Nhuận (PNJ) niêm yết giá vàng miếng tại 3 khu vực Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ ở cùng mức giá 36,40 (Mua vào) – 36,60 (Bán ra) triệu đồng/lượng, giá bán ra tăng 40 nghìn đồng/lượng so với cuối phiên giao dịch chiều ngày hôm qua. Còn tại thị trường Hà Nội giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mức 36,48 (mua vào) - 36,58 (bán ra) triệu đồng/lượng, tăng 60 nghìn đồng/lượng.

Công ty VBĐQ BTMC niêm yết ở mức 36,50– 36,56 triệu đồng/lượng, tăng 50 nghìn đồng/lượng. Tập đoàn VBĐQ DOJI niêm yết ở mức 36,48 – 36,58 triệu đồng/lượng, tăng so với chốt phiên trước 20 nghìn đồng/ lượng ở chiều mua và 40 nghìn đồng/ lượng ở chiều bán.

Nguyên nhân giá vàng miếng trong nước tăng là do giá vàng thế giới sáng nay bất ngờ tăng mạnh hơn 10 USD/ounce, nên đa số các doanh nghiệp kinh doanh vàng chủ động điều chỉnh giá bán ra vàng miếng theo đà tăng của giá vàng thế giới.

Hiện các nhà đầu tư vàng đang trông chờ bảng báo cáo việc làm phi nông nghiệp của Mỹ sẽ được công bố vào tối nay theo giờ Mỹ, nếu số liệu việc làm mới tạo ra trong tháng 3 thấp hơn so với dự đoán thì giá vàng sẽ còn tiếp tục tăng mạnh hơn nữa trong phiên giao dịch tối nay và ngược lại.

Các chuyên gia cho rằng, ở thời điểm nhạy cảm khi thị trường thế giới vẫn chấp chới đan xen xu hướng tăng giảm do ảnh hưởng bởi các thông tin kinh tế chính trị Mỹ – thị trường số 1 thế giới, các nhà đầu tư trong nước nên giao dịch cân đối an toàn, nhằm tối ưu hoá lợi nhuận.

Trên thị trường châu Á, giá vàng hiện đang giao dịch quanh mức 1.260,2 USD/ounce. Quy đổi tương đương 34,6 triệu đồng/lượng, như vậy vàng trong nước hiện vẫn đang cao hơn thế giới khoảng 2 triệu đồng mỗi lượng.

Mai Ngọc

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Khả năng Eximbank sẽ chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Sacombank

Ban lãnh đạo ngân hàng có kế hoạch dự tính bán toàn bộ cổ phần Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) mà Eximbank đang sở hữu.

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - mã: EIB) vừa công bố dự thảo tài liệu phục vụ phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2017, trong đó có kế hoạch dự tính chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) mà Eximbank đang sở hữu.

Cụ thể, theo nội dung tờ trình, Eximbank có kế hoạch trên trước hết nhằm đảm bảo yêu cầu trong Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước, về giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, với quy định: “Ngân hàng thương mại chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu của một tổ chức tín dụng khác dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của tổ chức tín dụng khác đó”.

Tại đại hội năm nay, Hội đồng Quản trị Eximbank trình cụ thể kế hoạch chuyển nhượng cổ phần tại Sacombank.

Hiện Eximbank đang nắm hơn 165 triệu cp STB, tương đương 8,76% cổ phần Sacombank.

Đáng chú ý, Hội đồng Quản trị Eximbank cho biết, trường hợp giá giao dịch cổ phiếu STB của Sacombank dự kiến tăng nhiều hơn so với giá hiện tại (12.400 đồng tại ngày 4/4/2017), thì có khả năng sẽ làm tổng giá trị giao dịch bán cổ phiếu STB vượt 20% vốn điều lệ Eximbank ghi trong báo cáo tài chính kiểm toán gần nhất.

Theo đó, Hội đồng Quản trị Eximbank trình đại hội đồng cổ đông dự kiến tổ chức sắp tới thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Sacombank do Eximbank sở hữu trong trường hợp tổng giá trị giao dịch bán cổ phần này tại Sacombank từ 20% trở lên so với vốn điều lệ của Eximbank ghi trong báo cáo tài chính kiểm toán gần nhất.

Kim Tiền

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

“Phát hờn” với cổ phiếu ngân hàng

Nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tăng giá hơn 30%, thậm chí 50% từ đầu năm tới nay, gấp 3-5 lần mức tăng chung của toàn thị trường.

Thị trường chứng khoán 2017 đã có những bứt phá ấn tượng với nhiều nhóm ngành thăng hoa. Chỉ số VN-Index ngày 7/4 đã lên tới 726 điểm, tăng khoảng 9% so với đầu năm.

Trong số các nhóm ngành tăng mạnh có các cổ phiếu ngân hàng. Thống kê cho thấy, nhiều ngân hàng đã đạt mức tăng hai chữ số, cao hơn nhiều mức tăng bình quân của thị trường, thậm chí có những cổ phiếu ngân hàng tăng gấp 4-5 lần mức tăng của chỉ số VN Index.

SHB là một ví dụ. Từ mức giá 4.700 đồng hồi đầu năm, cổ phiếu SHB đã tăng một mạch lên quanh 6.000 đồng, mức tăng tới 27%. Khối lượng giao dịch các phiên đều nằm trong top đầu của sàn HNX, bên cạnh nhiều phiên thỏa thuận với đơn vị tính bằng triệu cổ phiếu. Đây là hiện tượng khá lạ của cổ phiếu này khi trong một thời gian dài, SHB chỉ có đi ngang, thậm chí vùng giá quanh mức 5.000 đồng/cổ phiếu vẫn chưa thoát được kể từ tháng 8 năm ngoái cùng đáy thiết lập gần 4.000 đồng hồi tháng 11/2016.

Sự lạ ấy có thể được lý giải bởi kỳ vọng của nhà đầu tư vào những tương lai tươi sáng hơn của ngân hàng này khi con số lợi nhuận nghìn tỷ đã trở lại trong năm vừa qua. Song đâu đó người ta cũng hi vọng những “pha cứu giá” với lượng lớn cổ phiếu dự định mua của cổ đông nội bộ sẽ đẩy cổ phiếu này thoát khỏi “vùng chết”.

ACB là một trường hợp khác. Từ đầu năm tới nay cổ phiếu này đã tăng khoảng 35% giá trị, từ mức 18.500 đồng lên quanh 25.000 đồng. Diễn biến của ACB được giới quan sát cho rằng đó là nhờ những kỳ vọng vào kết quả kinh doanh và tình hình ngày càng sáng của ngân hàng. ACB được cho là đang trên đà phục hồi mạnh mẽ sau “cú sốc bầu Kiên” hồi 2012. Dù phải mất tới 4 năm để vượt qua sóng gió song ACB đang dần lấy lại niềm tin của nhà đầu tư với lợi nhuận năm vừa rồi đạt hơn 1.600 tỷ và dự định sẽ đạt trên 2.200 tỷ trong năm nay. Các khoản dư nợ tới hơn 6.000 tỷ liên quan nhóm bầu Kiên được ngân hàng đưa ra lộ trình xử lý dứt điểm trong năm 2017, thay vì năm 2018 như dự kiến ban đầu. Các khoản nợ tổng cộng hơn 1.000 tỷ liên quan đến 2 ngân hàng 0 đồng cũng đang có nhiều khả quan.

Cổ phiếu EIB của Eximbank dù không tạo ra sự chú ý nào thời gian qua bằng những đợt sóng giá hay lượng giao dịch song cũng cần mẫn đi lên và đã tăng tổng cộng tới…25% so với đầu năm, hiện ở quanh vùng 12.200 đồng/cổ phiếu. Eximbank năm nay sẽ hoàn tất nhân sự cấp cao – vấn đề vốn đã tiêu tốn của ngân hàng này không ít thời gian suốt từ 2015 tới nay. Nhiều dự báo cho rằng, nhân sự sau khi ổn định, ngân hàng sẽ có những bước đi đột phá như vốn dĩ những gì đã thể hiện ở ngân hàng ngày giai đoạn 2012 trở về trước.

Song hơn tất cả, Sacombank mới là cái tên được nhắc nhiều trong thời gian gần đây. Ngân hàng là anh cả của khối cổ phần một thời này thu hút sự chú ý của thị trường ngay từ đầu năm với kế hoạch tái cơ cấu mà vị đại diện NHNN nhắc tới trong cuộc họp báo ngày 4/1. Sự chuyển giao về trách nhiệm quản trị điều hành trở nên rõ ràng hơn sau khi cha con ông Trầm Bê thôi quản trị và điều hành ngân hàng từ tháng 2. Ngoài sự hỗ trợ của NHNN với ngân hàng thì những kỳ vọng về nhóm cổ đông mới, và cả người cũ của ngân hàng là cựu chủ tịch Đặng Văn Thành, sẽ trở lại lèo lái con thuyền Sacombank cũng làm nhà đầu tư phấn chấn hơn. Từ mức giá chỉ 8.700 đồng/cổ phiếu, STB của Sacombank nay đã tăng tổng cộng tới 50%, lên 13.150 đồng/cổ phiếu.

Các cổ phiếu khác dù không có mức tăng trên dưới 30% nhưng cũng tăng trưởng nhiều hơn so với mức tăng chung của thị trường từ đầu năm tới nay như BID của BIDV, CTG của VietinBank hay VIB của VIB.

Đó là chuyện cổ phiếu trên sàn. Còn những cổ phiếu chưa niêm yết cũng đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư như VPBank, Lienvietpostbank hay Techcombank.

Theo một nhà đầu tư chuyên đổ tiền vào các cổ phiếu ngân hàng chưa niêm yết, làn sóng săn cổ phiếu ngân hàng gần đây khá rầm rộ. Dường như người ta lạc quan hơn về bức tranh ngân hàng cũng như sự trở lại của cổ phiếu vua một thời này. Có những cổ phiếu chứng kiến tăng từng ngày, như Techcombank đang giao dịch trên sàn OTC ở mức gần 30.000 đồng trong khi VPBank cũng không dưới 22.000 đồng/cổ phiếu – mức cao hơn nhiều so với cổ phiếu của các ông lớn ngân hàng khác. Các cổ phiếu một thời gian bị giao dịch dưới mệnh giá khác giờ đây cũng vượt qua mệnh giá như là HDBank, Lienvietpostbank cùng nhiều nhu cầu chào mua.

Tùng Lâm

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Eximbank sẽ trích lãi hằng năm để khắc phục khoản lỗ từ Eximland

Eximbank dự kiến sẽ thu hồi các quỹ đã trích lập, dùng lợi nhuận hằng năm để bù số lỗ gay ra từ khoản này… để khắc phục số tiền gây ra từ Eximland.

Theo kết luận Thanh tra số 34 (năm 2015) của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, từ năm 2010 – 2013, thông qua việc bán các bất động sản cho Eximland, Eximbank đã ghi nhận thu nhập (không phải từ hoạt động kinh doanh) tổng cộng trên 1.116 tỷ đồng.

Năm 2014, Eximbank đã tự khắc phục được 284 tỷ đồng, còn 831 tỷ đồng phải tiếp tục chỉnh sửa. Khoản thu nhập này được sử dụng như sau:

- Nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 207,92 tỷ đồng.

- Trích quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và quỹ dự phòng tài chính theo luật định 91,55 tỷ đồng.

- Trích quỹ khen thưởng và phúc lợi 45,54 tỷ đồng

- Chia cổ tức cho cổ đông 486,82 tỷ đồng.

Các khoản chi phí liên quan để thực hiện giao dịch này (thuế giá trị gia tăng, thuế trước bạ…) 116, 74 tỷ đồng.

Tổng cộng các khoản liên quan đến vấn đề này là 948,57 tỷ đồng.

Thanh tra Ngân hàng Nhà nước kết luận “Eximbank bán các bất động sản và đưa khoản lợi nhuận từ chênh lệch giá mua và giá bán vào thu nhập là chưa đúng quy định và Thanh tra yêu cầu Hội đồng quản trị phải xin ý kiến đại hội đồng cổ đông để thông qua phương án khắc phục”.

Eximbank đã xử lý trên cơ sở kết luận Thanh tra và khuyến nghị của kiểm toán độc lập như sau:

Tại đại hội đồng cổ đông bất thường 2015, phương án do Hội đồng quản trị Eximbank nhiệm kỳ trước đưa ra chưa được thông qua. Do vậy, hội đồng quản trị mới thực hiện hạch toán hồi tố đúng theo nguyên tắc kế toán.

Theo đó, ngoài số đã được khắc phục đến ngày 31/12/2014, Eximbank đã hạch toán điều chỉnh hồi tố giảm lợi nhuận tại ngày 31/12/2014 là 948, 57 tỷ đồng. Việc điều chỉnh này đã được công ty kiểm toán độc lập KPMG xác nhận là phù hợp và được áp dụng một cách hợp lý.

Thực hiện việc thu hồi các quỹ đã trích và đề nghị khấu trừ để thu hồi đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp đối với khoản tiền 345 tỷ đồng.

Bù đắp lợi nhuận giữ lại đến ngày 31/12/2014 (sau khi trích lập quỹ phúc lợi từ lợi nhuận năm 2014) là 99 tỷ đồng.

Số lỗ lũy kế còn lại 504,56 tỷ đồng sẽ được bù đắp từ lợi nhuận sau thuế hằng năm sau khi trích lập các quỹ theo quy định của pháp luật và điều lệ của Eximbank.

Theo Hoàng Anh

Bizlive

Đọc tiếp »