Sacombank hẳn là một trong những ngân hàng lo nhất trong đợt biến động lãi suất vừa qua...
Như đề cập ở bản tin trước trên VnEconomy, nhà đầu tư lớn là Novaland đã rút đề nghị được tham gia đề án tái cơ cấu Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Nhóm nhà đầu tư khác, trong đó có nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị trước đây là ông Đặng Văn Thành cũng có trở ngại.
Vậy, Sacombank còn những lựa chọn nào, khi đại hội đồng cổ đông quan trọng đã gần kề theo kế hoạch dự kiến (ngày 28/4)?
Xét duyệt chặt chẽ
Trước hết, từ cuối tháng 3 vừa qua, Novaland gây chú ý với thông tin xin tham gia đề án tái cơ cấu nói trên, cùng đề xuất mua 20% cổ phần của Sacombank.
Điểm đầu tiên được chú ý: nguồn lực của tập đoàn này như thế nào, trong khi quan điểm xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước trong quá trình tái cơ cấu hệ thống là nhà đầu tư phải có nguồn tiền thực, không ảo qua vay mượn.
Tập đoàn này đã niêm yết, thông tin tài chính công khai và yếu tố nguồn tiền được dẫn giải trong báo cáo tài chính. Nhưng dù nguồn “tiền tươi” hạn chế, thì lại có điểm kết nối khác đáng chú ý: đề xuất của Novaland đi cùng với cá nhân ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Tiềm lực riêng của vị doanh nhân này là miếng ghép đáng chú ý.
Thứ nữa, nếu đề xuất trên được chấp thuận, thì vốn điều lệ của Sacombank cũng không bổ sung để tăng thêm, vì không phải phát hành thêm mà qua nhận chuyển nhượng từ cổ đông hiện hữu, cụ thể là họ muốn mua ở phần VAMC đang nhận uỷ quyền.
Tuy nhiên, cuối cùng Novaland đã rút lại ý định trên. Hiện chưa có các dẫn giải cụ thể về nguyên do.
Sau khi Novaland chính thức rút, sự chú ý về khả năng thay đổi và một lựa chọn cho đề án tái cơ cấu Sacombank tập trung về nhóm nhà đầu tư thứ hai, gồm nhà đầu tư nước ngoài Evercore Group, Redsun Capital Limited và ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Thành Thành Công (cũng là người gắn bó ở vị trí cao nhất tại Sacombank nhiều năm trước).
Tuy nhiên, để trở thành cổ đông lớn tham gia tái cơ cấu Sacombank, bằng việc nắm giữ các vị trí quản trị, điều hành cao cấp, nhóm nhà đầu tư này phải qua được cửa xét duyệt của Ngân hàng Nhà nước - một quy định bất di bất dịch trước khi bầu chọn cơ cấu nhân sự cao cấp của bất kỳ ngân hàng nào.
Còn về phía Ngân hàng Nhà nước, quan điểm đã rõ. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ toàn ngành ngân hàng đầu năm nay, Thống đốc Lê Minh Hưng đã nhấn mạnh nguyên tắc trong thực hiện tái cơ cấu. Đó là thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực, có nguồn vốn thực mà không phải từ vay mượn. Nhưng, có nguồn tiền thực và tiềm lực mạnh chưa hẳn đã đủ điều kiện tham gia tái cơ cấu, xét ở việc quản trị điều hành ngân hàng, mà đó còn phải là những nhà đầu tư có kinh nghiệm trong ngành.
Và ngay cả khi hội đủ những tiêu chí trên cũng chưa chắc đã được lựa chọn.
Cũng tại hội nghị đó, Thống đốc đã nhấn mạnh: “Sẽ có những quy định khắt khe hơn với người tham gia điều hành ngân hàng. Ví dụ như anh phải chứng minh chi tiết rõ ràng nguồn gốc tiền đầu tư mua cổ phần vào ngân hàng. Nếu vi phạm ở mức độ nào đó anh vĩnh viễn không được điều hành ngân hàng nữa”.
Cụ thể hóa định hướng trên, Ngân hàng Nhà nước vừa có bản dự thảo, trong đó nhấn mạnh yêu cầu sửa đổi, bổ sung điều 50 Luật các tổ chức tín dụng về tiêu chuẩn, điều kiện đối với các chức danh chủ tịch hội đồng quản trị/hội đồng thành viên, thành viên hội đồng quản trị/hội đồng thành viên, thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc của các tổ chức tín dụng theo hướng chặt chẽ hơn.
Nguyên do của yêu cầu trên, việc xét xử các đại án trong ngành thời gian qua làm nổi lên vấn đề năng lực và rủi ro đạo đức của người quản trị, điều hành tại một số tổ chức tín dụng. Và hướng siết chặt lại là một khi anh có vết vi phạm thì rất khó quay trở lại ngành, nhất là ở các vị trí lãnh đạo cao cấp.
Cũng tại hội nghị toàn ngành những năm gần đây, lãnh đạo Chính phủ muốn lưu ý việc xử lý, loại trừ tình trạng các cổ đông lớn thao túng, lũng đoạn, biến ngân hàng thành “của nhà” với các công ty sân sau, lợi ích nhóm và sở hữu chéo… Theo đó, không hẳn cứ có tiền, có nghề là đã có thể vào thâu tóm ngân hàng, nhất là khi Ngân hàng Nhà nước đã có uỷ quyền tỷ lệ sở hữu rất lớn cũng nguyên tắc xét duyệt khắt khe hiện nay.
Thử thách rất lớn
Đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin cuối cùng về việc sẽ có nhà đầu lớn và mới hay không tham gia vào đề án tái cơ cấu Sacombank. Nếu có, thử thách sẽ rất lớn, do gánh nặng các vấn đề tài chính tại đây, chủ yếu do chuyển giao từ sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank).
Một dẫn giải cụ thể cho thấy, trong đợt biến động của lãi suất huy động VND vừa qua, Sacombank hẳn là một trong ngân hàng lo lắng nhất.
Bởi lẽ, cứ mỗi phần trăm lãi suất tăng lên, chi phí hoạt động ngân hàng sẽ càng thêm nặng nề để nuôi những khoản vốn đã cho vay mà không hoặc chưa thu hồi về đúng hạn được, cũng như đối với những tài sản không sinh lời.
Giả dụ với khối tài sản không sinh lời từ 90-95 nghìn tỷ đồng, lãi suất huy động bình quân 5%/năm thì chi phi lãi ngân hàng bị ảnh hưởng lên tới 4.500 - 5.000 tỷ đồng. Lãi suất càng tăng, chi phí bị ảnh hưởng này càng lớn, mà quy mô lợi nhuận thông thường tại Việt Nam chưa có ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân nào đạt được trong những năm qua để có thể cân đối tốt.
Sau sáp nhập Southern Bank, Sacombank nhận về lượng lớn số tài sản không sinh lời. Đây cũng là một cơ sở chính để khối phân tích của Công ty Chứng khoán Tp.HCM (HSC) mới đây rất thận trọng khi đánh giá: Sacombank gần như sẽ không có lợi nhuận năm 2017, thậm chí phải rất nỗ lực để tránh ghi nhận lỗ trong vài năm tới và sẽ tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận không đáng kể trong 5-10 nữa, cũng như suốt giai đoạn này khó có được cổ tức.
Báo cáo tài chính và các giải trình liên quan cuối 2016 của Sacombank cũng nêu rõ thử thách rất lớn ở gánh nặng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu cuối 2016 là 5,53%. Chưa dừng lại, ngân hàng cho biết đã bán lượng rất lớn nợ xấu cho VAMC, với số dư lên đến 37.300 tỷ đồng trái phiếu do đầu mối mua nợ này phát hành.
Và sẽ là gánh nặng lớn hơn nữa về nợ xấu, do tiềm ẩn trong tổng lãi dự thu tích tụ, dồn lại và chuyển giao từ Southern Bank tính đến cuối 2016 là 22.881 tỷ đồng. Áp lực ở chỗ, nếu thực hiện thoái lãi dự thu theo quy định thì chắc chắn nguy cơ lỗ hoặc lợi nhuận kém là khó tránh.
Thử thách tại Sacombank với những điểm chính về vấn đề tài chính nói trên trở thành nguy nan, vì nếu cộng hưởng giữa lượng tài sản không sinh lời cao, hiệu quả sinh lời bị suy giảm, áp lực nếu phải thoái lãi dự thu với nợ xấu tiềm ẩn trong đó, đi cùng là chi phí trích lập dự phòng tăng lên, có thể ảnh hưởng sâu sắc đến các chỉ số an toàn hoạt động theo tiêu chuẩn quy định.
Trọng tâm của quyết sách
Sau sáp nhập Southern Bank, thay đổi lớn nhất và có tính quyết định nhất đến thời điểm này tại Sacombank là Ngân hàng Nhà nước đã nhận uỷ quyền (qua VAMC) tỷ lệ sở hữu lớn của nhóm cổ đông với đại diện là ông Trầm Bê. Theo đó, cơ quan quản lý này có điều kiện để giám sát, kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của Sacombank cũng như những rủi ro tiềm ẩn.
Là ngân hàng thương mại có quy mô tổng tài sản lên tới trên 333.000 tỷ đồng, Sacombank có vị trí ưu tiên hàng đầu trong các quyết sách và kế hoạch tái cơ cấu của Ngân hàng Nhà nước hiện nay.
Phương án tái cơ cấu đã được chuẩn bị và sẽ dần định hình rõ hơn qua đại hội đồng cổ đông dự kiến sắp tới, nếu diễn ra thành công. Trong đó, cho đến thời điểm này không có bất kỳ xác nhận và khẳng định nào về sự tham gia của hai nhóm nhà đầu tư nói trên.
Thay vào đó, theo tìm hiểu của VnEconomy, trước mắt vẫn là cơ cấu cổ đông hiện hữu, triển khai tái cơ cấu Sacombank vẫn tự chủ động và dựa vào nội lực tự thân, tự quyết cho hoạt động của mình. Và dĩ nhiên là có sự hỗ trợ, bám sát quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước.
Lựa chọn chủ yếu của Sacombank hiện nay chủ yếu là hướng đến kiện toàn cơ cấu nhận sự quản lý, điều hành - cơ cấu đang chờ đợi một chỉnh thể thống nhất, minh bạch hơn nữa, với những người dẫn đầu có nghề và thực vì lợi ích ngân hàng hơn là lợi ích và quyền lực cá nhân, cũng như ngăn chặn những con mắt nhắm vào tiền gửi của dân tại ngân hàng. Đây chắc chắn là điểm, cũng là trách nhiệm, mà Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát và xét duyệt kỹ để gửi gắm ở cơ cấu mới.
Điểm thuận lợi là, dù nặng gánh nguy nan các vấn đề tài chính, Sacombank với vị thế và chất lượng trước đây vẫn còn đó. Vẫn là một ngân hàng bán lẻ hàng đầu của hệ thống. Và đặc biệt là niềm tin của người gửi tiền, của đối tác vẫn còn đó.
Minh chứng cụ thể, tăng trưởng tiền gửi và tổng tài sản năm qua vẫn tăng trưởng tốt, đặc biệt riêng hệ thống Sacombank trước đây có tốc động tăng trưởng tiền gửi mạnh mẽ mà ít có ngân hàng nào đạt được (đạt tới 35,7% so với thời điểm sáp nhập).
Nếu tái cơ cấu tự thân với nguồn lực hiện tại, điều cần cho lựa chọn của Sacombank tới đây là một cơ cấu lãnh đạo chuẩn mực như trên, cùng cơ chế chính sách hỗ trợ trong xử lý các vấn đề tài chính; và dĩ nhiên là cần thêm thời gian.
Theo Minh Đức
Vneconomy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét