Nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tăng giá hơn 30%, thậm chí 50% từ đầu năm tới nay, gấp 3-5 lần mức tăng chung của toàn thị trường.
Thị trường chứng khoán 2017 đã có những bứt phá ấn tượng với nhiều nhóm ngành thăng hoa. Chỉ số VN-Index ngày 7/4 đã lên tới 726 điểm, tăng khoảng 9% so với đầu năm.
Trong số các nhóm ngành tăng mạnh có các cổ phiếu ngân hàng. Thống kê cho thấy, nhiều ngân hàng đã đạt mức tăng hai chữ số, cao hơn nhiều mức tăng bình quân của thị trường, thậm chí có những cổ phiếu ngân hàng tăng gấp 4-5 lần mức tăng của chỉ số VN Index.
SHB là một ví dụ. Từ mức giá 4.700 đồng hồi đầu năm, cổ phiếu SHB đã tăng một mạch lên quanh 6.000 đồng, mức tăng tới 27%. Khối lượng giao dịch các phiên đều nằm trong top đầu của sàn HNX, bên cạnh nhiều phiên thỏa thuận với đơn vị tính bằng triệu cổ phiếu. Đây là hiện tượng khá lạ của cổ phiếu này khi trong một thời gian dài, SHB chỉ có đi ngang, thậm chí vùng giá quanh mức 5.000 đồng/cổ phiếu vẫn chưa thoát được kể từ tháng 8 năm ngoái cùng đáy thiết lập gần 4.000 đồng hồi tháng 11/2016.
Sự lạ ấy có thể được lý giải bởi kỳ vọng của nhà đầu tư vào những tương lai tươi sáng hơn của ngân hàng này khi con số lợi nhuận nghìn tỷ đã trở lại trong năm vừa qua. Song đâu đó người ta cũng hi vọng những “pha cứu giá” với lượng lớn cổ phiếu dự định mua của cổ đông nội bộ sẽ đẩy cổ phiếu này thoát khỏi “vùng chết”.
ACB là một trường hợp khác. Từ đầu năm tới nay cổ phiếu này đã tăng khoảng 35% giá trị, từ mức 18.500 đồng lên quanh 25.000 đồng. Diễn biến của ACB được giới quan sát cho rằng đó là nhờ những kỳ vọng vào kết quả kinh doanh và tình hình ngày càng sáng của ngân hàng. ACB được cho là đang trên đà phục hồi mạnh mẽ sau “cú sốc bầu Kiên” hồi 2012. Dù phải mất tới 4 năm để vượt qua sóng gió song ACB đang dần lấy lại niềm tin của nhà đầu tư với lợi nhuận năm vừa rồi đạt hơn 1.600 tỷ và dự định sẽ đạt trên 2.200 tỷ trong năm nay. Các khoản dư nợ tới hơn 6.000 tỷ liên quan nhóm bầu Kiên được ngân hàng đưa ra lộ trình xử lý dứt điểm trong năm 2017, thay vì năm 2018 như dự kiến ban đầu. Các khoản nợ tổng cộng hơn 1.000 tỷ liên quan đến 2 ngân hàng 0 đồng cũng đang có nhiều khả quan.
Cổ phiếu EIB của Eximbank dù không tạo ra sự chú ý nào thời gian qua bằng những đợt sóng giá hay lượng giao dịch song cũng cần mẫn đi lên và đã tăng tổng cộng tới…25% so với đầu năm, hiện ở quanh vùng 12.200 đồng/cổ phiếu. Eximbank năm nay sẽ hoàn tất nhân sự cấp cao – vấn đề vốn đã tiêu tốn của ngân hàng này không ít thời gian suốt từ 2015 tới nay. Nhiều dự báo cho rằng, nhân sự sau khi ổn định, ngân hàng sẽ có những bước đi đột phá như vốn dĩ những gì đã thể hiện ở ngân hàng ngày giai đoạn 2012 trở về trước.
Song hơn tất cả, Sacombank mới là cái tên được nhắc nhiều trong thời gian gần đây. Ngân hàng là anh cả của khối cổ phần một thời này thu hút sự chú ý của thị trường ngay từ đầu năm với kế hoạch tái cơ cấu mà vị đại diện NHNN nhắc tới trong cuộc họp báo ngày 4/1. Sự chuyển giao về trách nhiệm quản trị điều hành trở nên rõ ràng hơn sau khi cha con ông Trầm Bê thôi quản trị và điều hành ngân hàng từ tháng 2. Ngoài sự hỗ trợ của NHNN với ngân hàng thì những kỳ vọng về nhóm cổ đông mới, và cả người cũ của ngân hàng là cựu chủ tịch Đặng Văn Thành, sẽ trở lại lèo lái con thuyền Sacombank cũng làm nhà đầu tư phấn chấn hơn. Từ mức giá chỉ 8.700 đồng/cổ phiếu, STB của Sacombank nay đã tăng tổng cộng tới 50%, lên 13.150 đồng/cổ phiếu.
Các cổ phiếu khác dù không có mức tăng trên dưới 30% nhưng cũng tăng trưởng nhiều hơn so với mức tăng chung của thị trường từ đầu năm tới nay như BID của BIDV, CTG của VietinBank hay VIB của VIB.
Đó là chuyện cổ phiếu trên sàn. Còn những cổ phiếu chưa niêm yết cũng đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư như VPBank, Lienvietpostbank hay Techcombank.
Theo một nhà đầu tư chuyên đổ tiền vào các cổ phiếu ngân hàng chưa niêm yết, làn sóng săn cổ phiếu ngân hàng gần đây khá rầm rộ. Dường như người ta lạc quan hơn về bức tranh ngân hàng cũng như sự trở lại của cổ phiếu vua một thời này. Có những cổ phiếu chứng kiến tăng từng ngày, như Techcombank đang giao dịch trên sàn OTC ở mức gần 30.000 đồng trong khi VPBank cũng không dưới 22.000 đồng/cổ phiếu – mức cao hơn nhiều so với cổ phiếu của các ông lớn ngân hàng khác. Các cổ phiếu một thời gian bị giao dịch dưới mệnh giá khác giờ đây cũng vượt qua mệnh giá như là HDBank, Lienvietpostbank cùng nhiều nhu cầu chào mua.
Tùng Lâm
Theo Trí thức trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét