Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

Chuyện ở Maritime Bank: Khó xử lý khi khách hàng nợ quá hạn không hợp tác

Không chỉ là khách hàng chây ỳ không hợp tác mà những tài sản đảm bảo vì để quá lâu xuống cấp nghiêm trọng, đến khi đòi được thì giá trị tài sản chẳng còn bao nhiêu, khiến ngân hàng phải gia tăng nguồn dự phòng rủi ro để bù đắp.

Vấn đề xử lý nợ xấu đang được cả xã hội quan tâm vì nợ xấu là tảng băng ngăn chặn dòng chảy tín dụng của nền kinh tế. Theo số liệu mới được cập nhật tại kỳ họp Quốc hội lần này, tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý của toàn hệ thống các TCTD chiếm 5,8% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế; nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu thì tỷ lệ này sẽ là 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế.

Như vậy, với con số hơn 5,5 triệu tỷ đồng, tổng số nợ xấu của hệ thống hiện là hơn 550 nghìn tỷ.

Đánh giá về bức tranh nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiện nay, theo ông Nguyễn Hoàng An, Phó Tổng giám đốc Maritime Bank, Tổng Giám đốc Ngân hàng Quản lý tín dụng của Maritime Bank, bất cứ nước nào trải qua giai đoạn khủng hoảng của nền kinh tế đều gặp phải tình trạng nợ xấu chiếm tỷ trọng lớn trong vốn tín dụng. Nợ quá hạn cao làm một khối lượng lớn vốn, tài sản của xã hội (nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân...) nằm đọng không sinh lời dưới dạng nợ xấu (dự án dở dang, nhà xưởng máy móc thiết bị dở dang, phương tiện vận tải, máy móc thiết bị xây dựng, hàng hoá, hàng hoá tồn kho luân chuyển... ).

Không những không sinh lời mà những tài sản thế chấp này ngày càng xuống cấp và giảm giá nghiêm trọng nếu không được xử lý kịp thời, gây tổn thất lớn cho xã hội. Nợ quá hạn của hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Namvẫn đang ở mức cao, chính vì vậy rất cần sự tiếp sức của toàn xã hội trong vấn đề xử lý nợ xấu.

Như ở Maritime Bank, theo ông An, xác định xử lý nợ xấu là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách, chính vì vậy cách đây hơn 2 năm ngân hàng đã thành lập hẳn một đơn vị chuyên bịêt tập trung xử lý nợ xấu. Kết quả đạt được cũng tương đối tốt, tuy nhiên vẫn còn chậm do cũng gặp phải các khó khăn như khách hàng nợ quá hạn chây ỳ, không hợp tác, TCTD không thực hiện được quyền chủ nợ là thu giữ tài sản bán phát mại. Thời gian xử lý một khoản nợ qua các cơ quan pháp luật quá lâu, khi xử lý được thì tài sản đã xuống cấp nghiêm trọng, thu hồi không đủ nợ nên phải trích lập dự phòng lớn, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và bảo toàn vốn của các ngân hàng.

Ông An cho rằng việc Chính phủ đề xuất lên Quốc hội nghị quyết xử lý nợ xấu là quyết định đúng đắn, mang tính chất bước ngoặt giúp hệ thống ngân hàng Viêt Nam xử lý nợ xấu nhanh và hiệu quả.

Vì theo ông, ở các nước ở khu vực châu Á như Hàn quốc, Thái Lan, Malaysia ... trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế 1996-2000 cũng áp dụng hình thức trao quyền chủ nợ cho các TCTD, mua bán nợ theo giá thị trường và bán nợ cho nước ngoài... Chính vì vậy họ xử lý rất nhanh nợ xấu, giúp các TCTD cũng như chính doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn, nhanh chóng phục hồi nền kinh tế đất nước.

Hơn nữa, việc mua bán theo giá thị trường giúp các TCTD và nhất là các TCTD, doanh nghiệp (có vốn nhà nước) dám quyết định việc mua bán với giá thị trường kể cả trong trừơng hợp không thu hồi đủ nợ gốc.

Bên cạnh đó, việc cho các cá nhân, tổ chức kể cả nước ngoài tham gia mua bán nợ, mua bán tài sản bảo đảm chính là việc huy động mọi nguồn lực xã hội và đầu tư nước ngoài vào công tác xử lý nợ xấu, giúp đẩy nhanh công tác xử lý nợ xấu.

Việc đưa vào luật cho phép TCTD được chủ động thu hồi tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu cũng giúp chính người đi vay phải có trách nhiệm và cân nhắc kỹ càng trước khi vay và sử dụng vốn vay có hiêu quả. Những người đứng ra dùng tài sản của mình bảo lãnh cho người khác vay cũng phải hết sức thận trọng và cân nhắc, từ đó sẽ giảm tối đa tình trạng vay ké, tình trạng cấu kết lừa đảo ngân hàng.

Một khó khăn mà các tổ chức tín dụng khi xử lý tài sản đảm bảo qua cơ quan chức năng hiện nay, theo ông An, là khi các TCTD nhờ công an, chính quyền địa phương chứng kiến viêc thu hồi tài sản của TCTD theo hợp đồng thì họ thường rất ngại và nếu có tham gia thì họ chỉ thức hiện đúng nhiệm vụ chứng kiến và giữ gìn trật tự để tránh xảy ra sô sát. Trong trường hợp chủ tài sản không bàn giao tài sản thì TCTD cũng chịu thua. Nay nếu việc xử lý tài sản đảm bảo này đưa vào luật, nếu chủ tài sản chống đối không chịu bàn giao cho TCTD để thu hồi nợ là họ đã vi phạm pháp luật, cơ quan công an có quyền tạm giữ, như vậy mới giúp bên cho vay thực hiện được việc thu hồi nợ, tái tạo vốn cho nền kinh tế, cho xã hội.

Ông An đề xuất rằng, ngoài việc cho phép thu giữ, đề nghị các cơ quan chức năng có liên quan cũng tạo mọi điều kiện và thời gian để giúp các TCTD bán được tài sản đã thu giữ, nhất là với các tài sản có quy định cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Việc sang tên nhà cửa, đất đai, phương tiện vận tải, ô tô xe máy... đối với tài sản đã thu giữ chỉ cần chữ ký của ngân hàng và người mua (vì chủ tài sản cũ bất hợp tác sẽ vẫn không chịu ký). Đối với tài sản hình thành trên đất thuê của nhà nước, tạo điều kiện cho người mua tài sản tiếp tục thuê đất với thời hạn dài để kinh doanh thu hồi vốn. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện thủ tục nhanh chóng cho họ được chuyển vốn vào để mua bán nợ, mua bán sản xuất...

Tùng Lâm

Theo Trí thức trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét