Một trong những nguyên nhân chính khiến lãi suất cho vay của các NHTM khó có thể giảm sâu là do chi phí phải trích lập dự phòng cho nợ xấu vẫn còn rất lớn.
Lãi suất cho vay đã nỗ lực giảm nhưng vẫn cao
Theo thông tin từ NHNN cho biết, từ cuối tháng 4/2016 đến nay, các NHTM Nhà nước và một số NHTM cổ phần đã giảm khoảng 1%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn và điều chỉnh giảm về tối đa 10%/năm lãi suất cho vay trung và dài hạn đối với khách hàng tốt, vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Mặt bằng lãi suất cho vay của các TCTD hiện chỉ bằng 40% lãi suất cho vay năm 2011, thấp hơn mức lãi suất cho vay giai đoạn 2005-2006.
Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực thì mức lãi suất này vẫn ở mức cao. Lý giải vấn đề này, Thống đốc NHNN cho biết một số nước trong khu vực (như Nhật Bản, Trung Quốc) có lãi suất cho vay thấp là vì: Lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, kinh tế vĩ mô ổn định; Khả năng dự báo và hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cao; Hoạt động SXKD của doanh nghiệp không quá phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.
Trong khi đó, Việt Nam là nước đang phát triển, nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế xã hội của tất cả các khu vực kinh tế đều ở mức cao, kinh tế vĩ mô về cơ bản ổn định nhưng các cân đối lớn của nền kinh tế chưa thực sự bền vững, kỳ vọng lạm phát còn cao và dễ biến động, xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn, đồng thời thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu chưa phát triển đồng bộ dẫn tới nhu cầu vốn của doanh nghiệp cũng như vốn đầu tư cho phát triển kinh tế phụ thuộc lớn vào hệ thống ngân hàng,... Các yếu tố này đã ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất cho vay của TCTD.
Tuy nhiên, so sánh số liệu với một số nước trong khu vực như Myanmar, lãi suất cho vay ở mức 13%/năm, Indonesia là 11,9%/năm, Thái Lan là 6,3%/năm, Singapore là 5,4%/năm thì mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND của Việt Nam hiện nay khoảng 6-11%/năm, lãi suất cho vay bằng ngoại tệ trong khoảng 3-4% vẫn ở mức tương đối hợp lý với tương quan kinh tế vĩ mô.
Gánh nặng nợ xấu
Một trong những nguyên nhân chính khiến lãi suất cho vay của các NHTM khó có thể giảm sâu là do chi phí phải trích lập dự phòng cho nợ xấu vẫn còn rất lớn.
Theo thống kê của chúng tôi từ BCTC hợp nhất quý I/2017, các ngân hàng đã phải dành phân nửa lợi nhuận thuần để trích lập dự phòng.
Theo chuyên viên phân tích của BVSC, hiện mặt bằng lãi suất huy động tương đối ổn định, kỳ vọng lạm phát cũng đã được kéo xuống nên chi phí vốn của các ngân hàng thương mại sẽ được cải thiện theo chiều hướng tích cực. Trong bối cảnh đó, nếu nợ xấu được xử lý quyết liệt hơn, nhiều khả năng vẫn còn dư địa để lãi suất cho vay có thể giảm tiếp dù với biên độ không nhiều.
Lạm phát tăng không quá cao và nằm trong tầm kiểm soát sẽ tạo thêm nhiều điều kiện để NHNN duy trì chinh sách tiền tệ nới lỏng ở mức vừa phải. Làn sóng tăng lãi suất huy động và phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao của một số ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ hồi giữa tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua (chủ yếu để đối phó với Thông tư 06) đã tạm lắng dịu.
"Tuy nhiên, trong kịch bản lạm phát trong các tháng tới tiếp tục trong vòng kiểm soát như dự báo, chúng tôi cho rằng NHNN có thể sẽ nới thêm 1-2% tăng trưởng tín dụng so với mục tiêu ban đầu nhằm hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh GDP đạt mức khá thấp trong quý I vừa qua", BVSC cho biết.
Trên thực tế, số liệu cho thấy tín dụng đang tăng tốc rất nhanh ngay trong những tháng đầu năm. Tăng trưởng cho vay toàn hệ thống tính đến hết tháng 4 đã đạt 5,76% - tăng 1,73% so với cuối quý I đồng thời cao hơn đáng kể so với cùng kỳ 3 năm gần đây. Nhiều ngân hàng tính đến quý I có dư nợ cho vay vượt khá xa mức tăng trưởng chung của toàn hệ thống như: Vietinbank tín dụng tăng 5,6% so với cuối năm ngoái; Vietcombank tăng hơn 8% so với cùng kỳ 2016; VIB tăng 5,7%...
Sự bứt tốc của tín dụng ngay từ đầu năm có thể sẽ dẫn tới hai kịch bản. Một là các ngân hàng sẽ phải xem xét hãm bớt đà tăng trưởng, siết lại hoạt động cho vay trong ba quý còn lại để vẫn nằm trong chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mà NHNN chấp thuận từ đầu năm (đặc biệt đối với nhóm các ngân hàng tốp đầu có quy mô cho vay lớn). Hai là các ngân hàng có thể sẽ xin NHNN nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên một mức cao hơn và người phân tích cho rằng một số ngân hàng đã xử lý khá mạnh tay nợ xấu, có hoạt động cho vay lành mạnh sẽ có thể được NHNN “bật đèn xanh”.
Tuy nhiên, BVSC cho rằng mọi sự nới lỏng luôn cần phải đi kèm với sự thận trọng. Cả hệ thống mới chỉ đang hồi phục bước đầu, rất nhiều ngân hàng vẫn đang nặng gánh với nợ xấu. Vì thế, bất kỳ sự nôn nóng nào trong tăng trưởng dẫn đến sự suy giảm trong chất lượng tài sản cũng cần được NHNN theo dõi chặt và kiểm soát kịp thời.
Ngoài khả năng chỉ tiêu tín dụng có thể được nới thêm thì tăng trưởng của các ngân hàng nói riêng cũng như nền kinh tế nói chung được kỳ vọng sẽ có sự cải thiện nhờ tiến trình xử lý nợ xấu rốt ráo hơn. Trong kỳ họp Quốc hội thứ 3, khóa XIV hiện tại, một nghị quyết mới về xử lý nợ xấu đã được Chính phủ trình lên Quốc hội. Theo tờ trình này, tính đến 31/12/2016, tỉ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD và nợ xấu đã bán cho VAMC nhưng chưa xử lý được là 5,8%, nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, thì tỷ lệ này là 10,08% trên tổng dư nợ cho vay. Nếu được thông qua, nghị quyết mới này sẽ giải phóng lượng vốn khổng lồ ước tính lên tới 600.000 tỷ đồng (tương đương hơn 10% tổng dư nợ cho vay hiện nay).
Theo BVSC, có ba điểm đáng lưu ý trong tờ trình về Nghị quyết xử lý nợ xấu lần này. Thứ nhất, dự thảo Nghị quyết cho phép VAMC được mua các khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng rủi ro đang hạch toán ngoài bảng và chuyển đổi các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt sang mua theo giá trị thị trường.
Thứ hai, về quyền thu giữ tài sản đảm bảo, nhiều nút thắt trong luật đất đai hiện hành đã được xử lý. Cụ thể, bên có tài sản phải có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm kèm theo đầy đủ giấy tờ, hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cho các TCTD để xử lý theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm và quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm. Thêm vào đó, nghị quyết mới đảm bảo cho quyền thu giữ tài sản đảm bảo của các TCTD. Điều này giúp các TCTD rút ngắn thời giam thu hồi nợ, giảm thiểu tình trạng chây ỳ của người vay nợ.
Thứ ba, dự thảo mở ra hướng hỗ trợ, cho phép phân bổ số lãi dự thu đã ghi nhận của các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng của tổ chức tín dụng chưa thoái theo quy định giãn ra trong lộ trình không quá 10 năm, nhằm giảm áp lực lên báo cáo tài chính của các ngân hàng trong ngắn hạn do số lãi dự thu này tại một số ngân hàng không phải là nhỏ.
Mai Ngọc
Theo Trí thức trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét