Thứ Tư, 14 tháng 9, 2016

Chủ tịch Quốc hội: “Nợ xấu dưới 3% là chưa chính xác”

Báo cáo nợ xấu của các tổ chức dưới 3% là chưa chính xác, vì nó vẫn treo ở VAMC, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định.

Chiều 14/9 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến một số vấn đề lớn về dự án Luật Đấu giá tài sản.

Đây là dự án luật đã được Quốc hội khoá 13 thảo luận. Tại các phiên thảo luận về dự án luật này, một số ý kiến đề nghị quy định một chương về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, trong đó quy định đầy đủ nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý nợ xấu nhằm bảo đảm tính minh bạch.

Cũng có ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định về đấu giá nợ xấu vì cho rằng việc quy định cụ thể ngay trong luật là không phù hợp, không đảm bảo sự linh hoạt.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, nội dung về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được quy định mang tính nguyên tắc tại một số điều, khoản trong luật và giao Chính phủ hướng dẫn về trình tự, thủ tục đấu giá đối với loại tài sản này.

Quy định như vậy nhằm tạo điều kiện cho việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sử dụng nguồn tiền có nguồn gốc ngân sách để mua được thực hiện theo trình tự, thủ tục thuận lợi, phù hợp với tình hình thực tiễn xử lý nợ xấu nhưng vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định của Luật Đấu giá tài sản.

Theo đó, dự thảo luật đã bổ sung quy định tài sản đấu giá là khoản nợ xấu, và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà VAMC đã mua là thuộc tài sản đấu giá, khi VAMC lựa chọn bán thông qua đấu giá.

Dự thảo luật cũng đã quy việc xác định giá khởi điểm của tài sản là khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà VAMC đã mua phải được xác định theo quy định của pháp luật áp dụng đối với loại tài sản đó.

Điều 54 của dự thảo luật quy định VAMC được tự đấu giá hoặc ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản, trong trường hợp VAMC tự đấu giá thì vẫn phải bảo đảm các nguyên tắc được nêu tại luật này. Trong đó có nguyên tắc cuộc đấu giá phải do đấu giá viên điều hành.

Các quy định liên quan đến đấu giá viên hành nghề tại VAMC các hành vi nghiêm cấm và xử lý vi phạm đối với VAMC cũng đã được bổ sung.

Dự thảo luật quy định giao Chính phủ hướng dẫn về trình tự, thủ tục đấu giá nợ xấu và tải sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà VAMC đã mua, Chủ nhiệm Thanh cho biết.

Băn khoăn về tính minh bạch của quy định tại phần này, Chủ tịch Quốc hội nói, nợ xấu của các tổ chức tín dụng mà VAMC mua thực ra là hạch toán hết chứ không có tiền mà mua.

"Báo cáo nợ xấu dưới 3% là chưa chính xác, vì nó treo ở đây, chưa bán được, trong khi đó dự thảo luật lại giao cho VAMC tự đấu giá thì không đảm bảo minh bạch, không rõ ràng", Chủ tịch nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, cần nghiên cứu thêm, chứ không nên trao cho VAMC - một cơ quan mới thành lập - một đặc ân được luật hoá như vậy.

Phân tích của Chủ tịch được một số vị khác đồng tình.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến lập luận, VAMC là mô hình mới, tính hiệu quả còn nhiều ý kiến khác nhau nên cần cân nhắc khi quy định cơ quan này có quyền lựa chọn được tự đấu giá hoặc ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị không nên quy định về quyền đấu giá của VAMC.

VAMC được ra đời bởi một nghị định, nếu quy định như dự thảo luật thì vô hình chung đã luật hoá mô hình này, trong khi chưa có tổng kết, đánh giá tác động, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga góp ý.

Theo Nguyễn Lê

VnEconomy

Đọc tiếp »

Lãi suất cho vay khó giảm như kỳ vọng của các doanh nghiệp

Trong mấy ngày gần đây, một số ngân hàng thương mại cổ phần đã tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài, điều này dấy lên lo ngại lãi suất cho vay khó có thể giảm được theo lời kêu gọi của Chính phủ và của Ngân hàng Nhà nước.

Để tìm hiểu nguyên nhân của câu chuyện này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng.

- Ông lý giải nguyên nhân vì sao thời điểm này thanh khoản của các ngân hàng tốt nhưng gần đây một số ngân hàng lại tăng lãi suất các kỳ hạn dài?

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Hiện đang có hai thị trường, thị trường 1 là thị trường ngân hàng hấp thụ vốn từ dân cư vào các tổ chức kinh tế, cho vay tiêu dùng. Thị trường 2 là thị trường của các ngân hàng làm việc với nhau gọi là thị trường liên ngân hàng chủ yếu cho vay từ qua đêm đến ba tháng.

Hiện tại thanh khoản của thị trường 2 đang rất tốt, lãi suất rất thấp, thế nhưng vốn ở thị trường này chỉ sử dụng cho hệ thống liên ngân hàng. Trước đây các ngân hàng có thể dùng vốn này để cho vay trên thị trường 1 nhưng giờ các ngân hàng không còn làm được việc đó, thứ nhất là họ không được phép làm, thứ hai là rất rủi ro vì thị trường liên ngân hàng vốn rất ngắn, trong khi thị trường 1 là thị trường cho vay có thể từ ngắn đến trung và dài hạn.

Theo tôi, trên thị trường 1 dòng vốn không được lưu chuyển, không có tính thanh khoản như thị trường 2. Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng đến thời điểm này đã đạt gần 10%, từ nay đến cuối năm mục tiêu tăng trưởng của Ngân hàng Nhà nước là từ 18-20%, nên nhu cầu vốn rất cao. Chính vì thế các ngân hàng tăng lãi suất lên để thu hút vốn huy động, để có thể tài trợ cho hoạt động tín dụng của nền kinh tế.

Như tôi đã nói không thể lấy dòng vốn từ thị trường 2 để cung cấp cho thị trường 1 vì hai thị trường này cần phải có sự tách biệt với nhau. Chính vì thế ở trên thị trường 1 các ngân hàng nếu thiếu vốn thì chỉ còn cách là tăng lãi suất để huy động vốn trong dân cư.

Bên cạnh đó, bắt đầu từ đầu năm 2017, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ được kéo xuống từ 60% như hiện nay xuống 50% và đến đầu năm 2018 tỷ lệ đó xuống còn 40%. Có nghĩa là dòng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn càng ngày càng bị thu hẹp. Chính vì thế nhiều ngân hàng không những tăng lãi suất huy động ngắn hạn mà còn tăng ở những kỳ hạn dài chủ yếu từ kỳ hạn 13 tháng trở lên để đáp ứng được tỷ lệ 50%-40% như Ngân hàng Nhà nước đã quy định.

Thêm một lý do nữa, nợ xấu cũng là vấn đề cản trở trong kinh doanh của ngân hàng. Nếu một phần vốn cho vay ra mà không quay trở lại nữa thì ngân hàng phải huy động một nguồn vốn lớn để trả cho khách hàng những món nợ cũ. Chính vì vậy, cách nhanh nhất là phải tăng lãi suất huy động lên làm cho hấp dẫn đồng tiền mới để trả cho dòng tiền cũ mà nó không quay trở lại với ngân hàng.

Tất cả những yếu tố này tạo ra áp lực lên các ngân hàng cần phải tăng vốn, tăng lãi suất để huy động vốn để mà tài trợ cho những tín dụng sắp tới.

- Như vậy, điều này sẽ tác động thế nào đến các doanh nghiệp hiện nay?

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Tác động rất lớn đến các doanh nghiệp vì lãi suất huy động có xu hướng tăng như thế, mặc dù các ngân hàng rất muốn thực hiện chủ trương của Chính phủ là giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp. Thế nhưng trong tình trạng chi phí vốn tăng lên, nếu họ không tăng lãi suất cho vay lên thì có nghĩa là biên độ lợi nhuận (NIM) của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng. Vì hiện tại NIM của các ngân hàng đã rất thấp chỉ khoảng 2%, nếu giờ mà còn thấp hơn nữa thì tôi nghĩ các ngân hàng sẽ bị lỗ.

Chính vì vậy việc giảm lãi suất cho vay rất khó, việc này đang tác động rất nhiều đến các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp lớn chứ không chỉ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

- Như vậy xu hướng giảm lãi suất cho vay theo lời kêu gọi của Chính phủ sẽ khó thực hiện?

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Tôi nghĩ rằng khó thực hiện, mặc dù Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng cũng đang có những biện pháp cần thiết để có thể giảm chi phí vốn xuống cho các ngân hàng. Thực tế, các ngân hàng vẫn phải tăng lãi suất đầu vào thì lãi suất đầu ra khó có thể xuống được. Tất cả đều mong muốn thực hiện chủ trương của Chính phủ nhưng thực sự là rất khó khăn.

- Nhận định của ông về xu hướng lãi suất thị trường từ nay đến cuối năm?

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Lãi suất huy động có lẽ khó có thể giảm, từ nay đến cuối năm càng ngày các ngân hàng càng cần vốn huy động hơn. Tuy nhiên lãi suất huy động tăng bao nhiêu thì rất khó có thể dự đoán được tại thời điểm này. Nhưng tôi nghĩ có khả năng tăng từ 0,5% trở lên.

Nếu lãi suất huy động tăng lên như thế thì tôi nghĩ lãi suất cho vay khó có thể duy trì được ở mức hiện tại chưa nói là có thể giảm. Tôi nghĩ rằng lãi suất cho vay có khả năng sẽ tăng nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của lãi suất huy động và có thể sẽ tăng bình quân khoảng 0,25%./.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Thúy Hà

Vietnam+

Đọc tiếp »

Vietcombank từ chối mở thẻ ATM cho người câm điếc bẩm sinh?

Vietcombank từ chối mở thẻ ATM cho 4 trường hợp câm điếc bẩm sinh tại Hà Nội vì cho rằng họ không đủ năng lực hành vi dân sự và theo quy định của Ngân hàng Nhà nước thì không được phép.

Sáng 14/9, anh Phạm Việt Hoài - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kym Việt (đơn vị hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội nơi có nhiều người khuyết tật sản xuất thú nhồi bông) đến chi nhánh Vietcombank Thành Công (Hà Nội) đăng ký làm thẻ ATM cho 4 nhân viên của công ty. Anh Hoài mang đủ hồ sơ và có trình bày về tình trạng của 4 nhân viên đó là bị câm điếc bẩm sinh.

Sau khi trao đổi, phía Vietcombank từ chối việc mở thẻ ATM vì cho rằng 4 người đăng ký không đủ năng lực hành vi dân sự nên từ chối cấp thẻ. Đại diện Vietcombank cho biết đó là quy định của Ngân hàng Nhà nước. Sau đó, anh Hoài đành ra về.

Trao đổi với chúng tôi tối 14/9, anh Phạm Việt Hoài cho biết, việc quyết định như vậy là không công bằng và cản trở quyền tiếp cận dịch vụ ngân hàng thông thường của những người vốn đã thiệt thòi (anh Hoài cũng là một người khuyết tật). 4 nhân viên bị câm điếc bẩm sinh mà anh Hoài mang hồ sơ hộ đến Vietcombank là người tỉnh xa và các nhân viên này cũng là người điền thông tin vào bản khai. "Việc có thẻ ATM sẽ giúp các bạn đỡ phải giữ tiền mặt, tránh các sự cố đáng tiếc, và có thêm chút lãi" - anh Hoài cho biết.

Chúng tôi đã liên hệ với Vietcombank về vụ việc này nhưng một đại diện ngân hàng cho biết cần xác minh lại mới có câu trả lời.

Thế nào là người có “năng lực hành vi dân sự đầy đủ”?

Người "có năng lực hành vi dân sự đầy đủ" là người có khả năng bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.

Tất cả mọi người “thành niên” (tức người từ đủ 18 tuổi trở lên) đều có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ những “thành niên” sau đây không được coi là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ:

- Người bị tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình và được tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

- Người nghiện ma tuý hoặc nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình và toà án ra quyết định tuyên bố là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

(Theo công ty Tư vấn Luật Doanh nghiệp Việt Nam)

Tùng Lâm

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

USD bất ngờ tăng sau thời gian dài yên ắng

Sau nhiều tuần “ngủ yên”, giá USD tại các ngân hàng thương mại trong phiên giao dịch ngày hôm qua (14-9) đã bất ngờ tăng trở lại.

Tại Vietcombank, giá USD tăng 10 đồng so với trước đó, mua vào - bán ra ở mức 22.270-22.340 đồng/USD. Tương tự, tại BIDV giá USD tăng 15 đồng ở chiều mua vào và 5 đồng ở chiều bán ra.

Trong khi đó, tỉ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 21.965 VND/USD, tăng tiếp 9 đồng so với phiên liền trước. Thời gian vừa qua do thị trường ngoại hối, tỉ giá thuận lợi nên cơ quan này đã mua được hơn 10 tỉ USD để tăng dự trữ ngoại hối cho Nhà nước.

Một số chuyên gia kinh tế dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chưa tăng lãi suất trong năm nay do cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 11 tới đây. Hơn nữa, Fed cũng muốn tiếp tục duy trì lãi suất thấp nhằm củng cố đà phục hồi kinh tế trong bối cảnh các nước đua nhau nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trên thị trường kim loại quý, giá vàng miếng SJC rơi về sát mốc 36 triệu đồng/lượng. Đến 15 giờ chiều qua, vàng miếng SJC tại TP.HCM mua vào - bán ra ở ngưỡng 36,01-36,25 triệu đồng/lượng.

Theo T.Linh

Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh

Đọc tiếp »

Tranh cãi "nảy lửa" về nợ xấu: Bán nợ cho VAMC chẳng báu bở gì!?

“VAMC thực chất chỉ là một dạng "thủ thuật kế toán" để đưa nợ xấu ra khỏi bảng cân đối kế toán của các ngân hàng. Tuy nhiên giải pháp này chẳng "béo bở" gì cho các ngân hàng khi bán nợ xấu cho VAMC...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã đưa ra phương án dùng tiền ngân sách để xử lý một phần nợ xấu. Đề xuất này nằm trong dự thảo Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Các nước đều làm thế?

Theo số liệu từ Kiểm toán Nhà nước, nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã bán cho VAMC hơn 79.600 tỷ đồng trong tổng số 143.500 tỷ đồng xử lý nợ xấu năm 2014. Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu của VAMC chưa hiệu quả. Năm 2014, VAMC chỉ xử lý được 28 khoản nợ tương ứng 627 tỷ đồng trong tổng số 96.455 tỷ đồng nợ xấu đã mua.

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, một trong những nguyên nhân của việc mua nợ xấu của VAMC trong thời gian qua diễn ra chậm chạp, nguyên nhân do việc định giá tài sản không được minh bạch. Theo đó, tỷ lệ giữa nợ phải trả và nguồn vốn chủ sở hữu giai đoạn 2006-2011 của khối doanh nghiệp nhà nước là 3,3, của khối doanh nghiệp ngoài nhà nước là 3.

“Thông thường khi ngân hàng cho doanh nghiệp vay thì nếu doanh nghiệp có 1 đồng vốn chủ sở hữu thì chỉ vay được khoảng 0,6 – 0,7 đồng. Trường hợp có 1 đồng mà lại vay đến hơn 3 đồng thường xảy ra đối với doanh nghiệp Nhà nước hoặc do việc định giá tài sản khi cho vay. Khi tài sản thực sự không như vậy thì cái ai dám mua cái nợ xấu đã được thổi phồng qua giá trị tài sản. Như vậy tiền vay là tiền thật nhưng tài sản sổ sách lại không phải như vậy thì ai dám mua”, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nói.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng cần phải giải quyết được những nút thắt như có dùng thêm ngân sách để xử lý nợ xấu hay không? Ai sẽ bù lỗ và chia lãi với VAMC khi mua nợ xấu về? Thị trường mua bán nợ thế nào? Theo ông Lực, nếu dùng ngân sách để xử lý nợ xấu thì con số có thể rơi vào khoảng 5.000 đến 10.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, ông Bùi Trinh lại cho rằng tiền ngân sách là tiền của dân dù là tiền thuế hay tiền đi vay, không thể bắt người dân trả nợ cho cái mà họ không nợ. Như vậy là lấy tiền của người nghèo chia cho người giàu.

Chuyên gia "phản pháo"... chuyên gia

Phản hồi lại nhận định của hai chuyên gia trên, chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Lê Hồng Giang, Công ty Quản lý quỹ TGM tại Australia,cho rằng cả chuyên gia Bùi Trinh và TS. Cấn Văn Lực đều có cách hiểu sai trong vấn đề này.

TS. Lê Hồng Giang phân tích: Khi ngân hàng cho vay, họ dựa trên giá trị của tài sản thế chấp chứ không phải vốn chủ sở hữu như phân tích của chuyên gia Bùi Trinh. Chẳng hạn khi tôi đi mua nhà, ngân hàng sẵn sàng cho tôi vay 90% giá trị căn nhà, như vậy tỷ lệ cho vay trên vốn chủ sở hữu là 9 lần. Cho nên các ngân hàng Việt Nam cho doanh nghiệp vay gấp 3 lần vốn chủ sở hữu không có gì phi lý nếu tài sản thế chấp được định giá đúng. Tuy nhiên, với một đòn bẩy tài chính cao như vậy sẽ làm tăng rủi ro cho doanh nghiệp và tất nhiên rủi ro cho các chủ nợ.

Về VAMC tổ chức này hoàn toàn không chịu rủi ro thua lỗ khi bán lại các khoản nợ xấu đã mua về trước đó. Theo quy định, tất cả các khoản lời lỗ từ bán nợ xấu sẽ được chuyển hết cho ngân hàng đã bán khoản nợ xấu đó cho VAMC.

“VAMC thực chất chỉ là một dạng "thủ thuật kế toán" để đưa nợ xấu ra khỏi bảng cân đối kế toán của các ngân hàng. Tuy nhiên giải pháp này chẳng "béo bở" gì cho các ngân hàng vì họ buộc phải trích lập dự phòng cho số trái phiếu đặc biệt VAMC phát hành để đổi lấy nợ xấu. Cho nên chỉ khi nào ngân hàng mất hết hy vọng đòi được nợ (hoặc thanh lý được tài sản thế chấp nhanh và với giá hợp lý) thì họ mới bán nợ cho VAMC. Như thế họ sẽ giãn được việc ghi nhận lỗ ra vài năm (thời hạn của trái phiếu đặc biệt) thay vì phải làm ngay một lần,” TS. Lê Hồng Giang phân tích.

Về ý kiến của ông Dương Quốc Anh, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội "theo kinh nghiệm của các nước thì hầu hết là dùng ngân sách để xử lý nợ xấu", TS. Giang phân tích:

Cứ coi xử lý nợ xấu là bán nó ra khỏi bảng cân đối kế toán cũng không thể có chuyện "hầu hết [các nước] là dùng ngân sách". Đúng ra là hầu hết các nước dùng ngân sách để tái cơ cấu nợ các ngân hàng khi vốn chủ sở hữu của họ tụt xuống quá thấp, dẫn đến hệ số an toàn vốn (CAR) không đủ hoặc có nguy cơ âm vốn. Trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009, vấn đề xử lý nợ xấu hầu như không ai chú ý đến, trong khi tái cấp vốn và/hoặc hỗ trợ thanh khoản là tâm điểm của nhiều nước.

“Có điều, các ngân hàng luôn có xu hướng giấu nợ xấu vì nếu công khai và trích lập dự phòng họ sẽ bị cụt vốn, dẫn đến phải tái cơ cấu vốn (recapitalize) thông qua phát hành thêm cổ phiếu hoặc không chia cổ tức. Trong trường hợp quá xấu dẫn đến nguy cơ khủng hoảng, nhà nước mới cần trợ giúp tái cơ cấu vốn bằng tiền ngân sách, nhưng phải bằng "tiền tươi, thóc thật" chứ không phải mua bán giá 0 đồng,” TS. Lê Hồng Giang phân tích.

Tất nhiên, khi tái cơ cấu vốn bằng tiền ngân sách nhà nước có rủi ro sẽ lỗ và đó đúng là thiệt hại cho tiền thuế của người dân. Đó là cái giá phải trả cho sự lơ là quản lý/giám sát của cơ quan quản lý nhà nước trước đó dẫn đến các NHTM đã cho vay quá rủi ro. Do vậy, TS. Giang cho rằng thay vì cứ chăm chăm "xử lý nợ xấu" cần phải "xử lý" những cơ quan/cá nhân không hoàn thành trách nhiệm quản lý trước đó.

Theo Ngân Giang

Infonet

Đọc tiếp »

Luật sư: Nhân viên Vietcombank từ chối người khuyết tật mở thẻ là không đúng

Theo luật sư, chỉ khi nào Tòa án tuyên bố mới kết luận ai mất năng lực hành vi dân sự, kể cả những trường hợp nghi ngờ các tổ chức cũng không được lắc đầu từ chối họ.

Mới đây, thông tin Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank - VCB) từ chối mở thẻ ATM cho 4 trường hợp câm điếc bẩm sinh đều trên 18 tuổi tại Hà Nội vì cho rằng họ không đủ năng lực hành vi dân sự đã khiến nhiều người băn khoăn liệu rằng người khuyết tật có được mở tài khoản ngân hàng hay không?

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico cho biết nhân viên ngân hàng Vietcombank kết luận như vậy là không đúng.

Theo quy định của Luật dân sự 2005, những người khuyết tật này không nằm trong diện mất hoặc không có năng lực hành vi dân sự.

Cụ thể, luật quy định người dưới 18 tuổi, bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không thể ý thức, làm chủ được hành vi (đã được toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự), người nghiện ma tuý, nghiện chất kích thích mới là những người không có hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Trong khi đó, quy định của Ngân hàng Nhà nước cũng không liệt người khuyết tật câm điếc bẩm sinh vào diện những đối tượng không được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

"Chỉ khi nào Tòa án tuyên bố mới kết luận ai mất năng lực hành vi dân sự kể cả những trường hợp nghi ngờ các tổ chức cũng không được lắc đầu từ chối họ", luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cũng theo luật sư, việc nhân viên Vietcombank từ chối mở thẻ có thể hiểu bởi một bộ phận nhân viên ngân hàng chưa nắm được hết pháp lý hoặc chưa thành thạo quy trình mở thẻ cho người khuyết tật. Bởi đối với những người bị khuyết tật ngân hàng phải có quy trình riêng. Khi làm thủ tục mở thẻ, cần phải có người làm chứng thể hiện được khách hàng giao dịch thật, vì họ bị hạn chế về một số thao tác.

Vào những tình huống như thế này, cần suy xét đánh giá ý chí giao dịch của người mở thẻ, phải đảm bảo chữ ký, trong hồ sơ ghi rõ tình trạng như thế nào, cam kết như thế nào thỏa thuận rõ trên giấy tờ chẳng hạn khi giao dịch với nhóm khách hàng này chỉ cần các bước này.

Luật sư cũng cho biết thêm bình thường khi mở thẻ, khách hàng phải đọc, trao đổi, ký kết, ví dụ như với người khiếm thị hoặc khuyết tay sẽ khó khăn và phức tạp hơn nhưng với trường hợp trên, 4 khách hàng bị câm điếc bẩm sinh, vẫn có thể nhìn, đọc hiểu văn bản được, ký kết được,...Đây là tình huống dễ xử lý nhất trong các trường hợp khách hàng là người khuyết tật.

Trước đó, ngày 14/9, anh Phạm Việt Hoài - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kym Việt (đơn vị hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội nơi có nhiều người khuyết tật sản xuất thú nhồi cát và quế) – cho biết, sáng ngày 14/9, anh có đi cùng 4 nhân viên đến chi nhánh ngân hàng Vietcombank Thành Công để thực hiện thủ tục mở thẻ ATM.

4 nhân viên của anh Hoài đều đã quá 18 tuổi, sinh năm 1987-1994. Vị Chủ tịch công ty này khi đi làm ATM cho nhân viên cũng mang đầy đủ hồ sơ và có trình bày với ngân hàng về việc đây là những người khuyết tật, bị câm điếc bẩm sinh.

Tuy nhiên, sau khi làm việc với nhân viên ngân hàng, cả 4 khách hàng trên đều bị từ chối cấp mở thẻ ATM với lý do không đủ năng lực hành vi dân sự theo luật định. Đại diện của Vietcombank chi nhánh Thành Công cho biết đây là quy định của Ngân hàng Nhà nước, vì vậy, anh Hoài và 4 nhân viên trên đành ra về.

Sau đó, nhờ sự quen biết của một thành viên trong công ty Kym Việt, nhóm anh Hoài đã đến một chi nhánh khác và được thực hiện mở thẻ bình thường.

Kim Tiền

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

"Từ chối mở thẻ ngân hàng là vi phạm quyền của người khuyết tật"

​Việc từ chối mở thẻ cho người khuyết tật là đang ngăn cản NKT thực hiện quyền công dân, phân biệt đối xử vợi họ...

Sự việc một chi nhánh của Vietcombank từ chối mở thẻ ATM cho 4 người khuyết tật về nghe nhìn bẩm sinh của công ty Kym Việt đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Xoay quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Lê Mai Hương, đại diện một tổ chức tư vấn và phản biện về chính sách cho lao động là người khuyết tật (NKT).

- Mới đây có trường hợp Vietcombank chi nhánh Thành Công từ chối mở thẻ ATM cho 4 nhân viên của công ty Kym Việt – một đơn vị hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội nơi có nhiều người khuyết tật sản xuất thú nhồi bông. Lý do mà cán bộ ngân hàng đưa ra là 4 người kia không đủ năng lực hành vi dân sự, bà có nhận xét gì về động thái từ chối này?

Bà Lê Mai Hương: Trước hết cần khẳng định ngay rằng, trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013 và bộ luật Dân sự sửa đổi đã quy định rõ “không đủ năng lực hành vi dân sự chỉ được khẳng định khi đối tượng hoặc chưa đủ tuổi công dân, hoặc không kiểm soát được hành vi, không có năng lực nhận thức",còn người khuyết tật (NKT) cụ thể về câm, điếc hay còn gọi là khuyết tật nghe nhìn chỉ là bị hạn chế về sức khoẻ, đặc điểm lý tính do khiếm khuyết trên cơ thể gây ra.

Trường hợp 4 bạn ở Kym Việt đã tham gia lao động khi ở tuổi khi được thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người công dân (thể hiện ở hồ sơ xin mở thẻ ATM), họ có khả năng nhìn và hiểu việc mình đến ngân hàng gặp ai, để làm gì trong khi đang làm việc như bao người dân khác. Họ chỉ bị hạn chế về giao tiếp do đặc điểm khuyết tật, nên việc giao tiếp với họ cần có sự hỗ trợ từ phương tiện,hình thức khác (có thể viết ra giấy - Họ đã điền và khai vào form được, nghĩa là biết chữ), nhờ người đi cùng có thể phiên dịch giúp. Nếu chưa tìm được hình thức hỗ trợ thì có thể tư vấn, hẹn giải quyết theo cách khác nhằm đáp ứng được nhu cầu của NKT mà vẫn thực hiện đúng chức năng của ngân hàng.

Việc nhân viên Vietcombank Thành Công từ chối tiếp nhận mở thẻ với lý do không đủ năng lực hành vi dân sự là “ấu trĩ”, thể hiện hành vi hạn chế năng lực nhận thức của chính bản thân cán bộ ngân hàng.

Tức là vấn đề nằm ở ngân hàng?

Đúng vậy. Bài toán lúc này đã đảo ngược tình thế: vị nhân viên ngân hàng kia không đủ năng lực, nhận thức thực hiện hành vi dân sự (không kiểm soát khả năng tự giải quyết) trong khi hệ thống ngân hàng đã được phổ biến và đang triển khai rất nhiều chương trình hỗ trợ, phối hợp có hiệu quả với các luật và chính sách có liên quan đến NKT.

Tôi được biết, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam đã và đang triển khai rất nhiều chương trình dựa trên tinh thần áp dụng hiệu quả các luật và chính sách, trong đó có luật và chính sách liên quan đến NKT, trong đó có cả doanh nghiệp Kym Việt – công ty chuẩn bị trở thành đối tác của ngân hàng này trong thời gian tới.

Vậy phải chăng vị cán bộ ngân hàng kia vô hình chung đã vi phạm quyền của người khuyết tật?

Đây là 1 trường hợp rất điển hình về việc vi phạm quyền của NKT, gây cản trở NKT tham gia vào các hoạt động XH.

Luật NKT đã chỉ rõ: Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.Thái độ khinh thường hoặc thiếu tôn trọng người khuyết tật vì lý do khuyết tật của người đó được coi là kỳ thị NKT.

Cũng theo khoản 3, điều 2 Luật NKT quy định về hành vi phân biệt đối xử người khuyết tật là hành vi xa lánh, từ chối, ngược đãi, phỉ báng, có thành kiến hoặc hạn chế quyền của người khuyết tật vì lý do khuyết tật của người đó.

Còn trong công ước quốc tế về quyền của NKT tại điểm H. đã thừa nhận rằng phân biệt đối xử chống lại bất kỳ người nào trên cơ sở sự khuyết tật là vi phạm phẩm giá vốn có của con người, ( ngày 28 tháng 11 năm 2014, Quốc hội VN đã ban hành nghị quyết Về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật).

Bản công ước này đã quy định rõ: Các Quốc gia phải hành động để đảm bảo NKT được hưởng đầy đủ các quyền bình đẳng như những người khác và dựa trên nguyên tắc, không ai bị phân biệt đối xử, người khuyết tật cũng có những quyền giống như mọi người khác trong xã hội.

Khi tham gia công ước này, Chính phủ và các cơ quan đảm bảo sẽ thực hiện công ước này với tất cả các biện pháp để đảm bảo không có trường hợp phân biệt đối xử nào với NKT, đảm bảo mọi thứ đều được thiết kế để cho tất cả mọi người cùng sử dụng hoặc có thể thay đổi dễ dàng, áp dụng công nghệ mới để giúp đỡ NKT, cung cấp thông tin thích hợp và dễ tiếp cận cho NKT về những điều sẽ giúp ích cho họ.

Ngoài ra, điều 13 luật NKT quy định về việc tạo điều kiện về việc làm cho NKT. Mục đích mở thẻ của những người kia là để nhận lương nhưng bị ngân hàng từ chối đã vô tình tạo rào cản tiếp cận khả năng lao động của NKT.

Tùng Lâm

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »