Việc từ chối mở thẻ cho người khuyết tật là đang ngăn cản NKT thực hiện quyền công dân, phân biệt đối xử vợi họ...
Sự việc một chi nhánh của Vietcombank từ chối mở thẻ ATM cho 4 người khuyết tật về nghe nhìn bẩm sinh của công ty Kym Việt đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Xoay quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Lê Mai Hương, đại diện một tổ chức tư vấn và phản biện về chính sách cho lao động là người khuyết tật (NKT).
- Mới đây có trường hợp Vietcombank chi nhánh Thành Công từ chối mở thẻ ATM cho 4 nhân viên của công ty Kym Việt – một đơn vị hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội nơi có nhiều người khuyết tật sản xuất thú nhồi bông. Lý do mà cán bộ ngân hàng đưa ra là 4 người kia không đủ năng lực hành vi dân sự, bà có nhận xét gì về động thái từ chối này?
Bà Lê Mai Hương: Trước hết cần khẳng định ngay rằng, trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013 và bộ luật Dân sự sửa đổi đã quy định rõ “không đủ năng lực hành vi dân sự chỉ được khẳng định khi đối tượng hoặc chưa đủ tuổi công dân, hoặc không kiểm soát được hành vi, không có năng lực nhận thức",còn người khuyết tật (NKT) cụ thể về câm, điếc hay còn gọi là khuyết tật nghe nhìn chỉ là bị hạn chế về sức khoẻ, đặc điểm lý tính do khiếm khuyết trên cơ thể gây ra.
Trường hợp 4 bạn ở Kym Việt đã tham gia lao động khi ở tuổi khi được thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người công dân (thể hiện ở hồ sơ xin mở thẻ ATM), họ có khả năng nhìn và hiểu việc mình đến ngân hàng gặp ai, để làm gì trong khi đang làm việc như bao người dân khác. Họ chỉ bị hạn chế về giao tiếp do đặc điểm khuyết tật, nên việc giao tiếp với họ cần có sự hỗ trợ từ phương tiện,hình thức khác (có thể viết ra giấy - Họ đã điền và khai vào form được, nghĩa là biết chữ), nhờ người đi cùng có thể phiên dịch giúp. Nếu chưa tìm được hình thức hỗ trợ thì có thể tư vấn, hẹn giải quyết theo cách khác nhằm đáp ứng được nhu cầu của NKT mà vẫn thực hiện đúng chức năng của ngân hàng.
Việc nhân viên Vietcombank Thành Công từ chối tiếp nhận mở thẻ với lý do không đủ năng lực hành vi dân sự là “ấu trĩ”, thể hiện hành vi hạn chế năng lực nhận thức của chính bản thân cán bộ ngân hàng.
Tức là vấn đề nằm ở ngân hàng?
Đúng vậy. Bài toán lúc này đã đảo ngược tình thế: vị nhân viên ngân hàng kia không đủ năng lực, nhận thức thực hiện hành vi dân sự (không kiểm soát khả năng tự giải quyết) trong khi hệ thống ngân hàng đã được phổ biến và đang triển khai rất nhiều chương trình hỗ trợ, phối hợp có hiệu quả với các luật và chính sách có liên quan đến NKT.
Tôi được biết, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam đã và đang triển khai rất nhiều chương trình dựa trên tinh thần áp dụng hiệu quả các luật và chính sách, trong đó có luật và chính sách liên quan đến NKT, trong đó có cả doanh nghiệp Kym Việt – công ty chuẩn bị trở thành đối tác của ngân hàng này trong thời gian tới.
Vậy phải chăng vị cán bộ ngân hàng kia vô hình chung đã vi phạm quyền của người khuyết tật?
Đây là 1 trường hợp rất điển hình về việc vi phạm quyền của NKT, gây cản trở NKT tham gia vào các hoạt động XH.
Luật NKT đã chỉ rõ: Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.Thái độ khinh thường hoặc thiếu tôn trọng người khuyết tật vì lý do khuyết tật của người đó được coi là kỳ thị NKT.
Cũng theo khoản 3, điều 2 Luật NKT quy định về hành vi phân biệt đối xử người khuyết tật là hành vi xa lánh, từ chối, ngược đãi, phỉ báng, có thành kiến hoặc hạn chế quyền của người khuyết tật vì lý do khuyết tật của người đó.
Còn trong công ước quốc tế về quyền của NKT tại điểm H. đã thừa nhận rằng phân biệt đối xử chống lại bất kỳ người nào trên cơ sở sự khuyết tật là vi phạm phẩm giá vốn có của con người, ( ngày 28 tháng 11 năm 2014, Quốc hội VN đã ban hành nghị quyết Về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật).
Bản công ước này đã quy định rõ: Các Quốc gia phải hành động để đảm bảo NKT được hưởng đầy đủ các quyền bình đẳng như những người khác và dựa trên nguyên tắc, không ai bị phân biệt đối xử, người khuyết tật cũng có những quyền giống như mọi người khác trong xã hội.
Khi tham gia công ước này, Chính phủ và các cơ quan đảm bảo sẽ thực hiện công ước này với tất cả các biện pháp để đảm bảo không có trường hợp phân biệt đối xử nào với NKT, đảm bảo mọi thứ đều được thiết kế để cho tất cả mọi người cùng sử dụng hoặc có thể thay đổi dễ dàng, áp dụng công nghệ mới để giúp đỡ NKT, cung cấp thông tin thích hợp và dễ tiếp cận cho NKT về những điều sẽ giúp ích cho họ.
Ngoài ra, điều 13 luật NKT quy định về việc tạo điều kiện về việc làm cho NKT. Mục đích mở thẻ của những người kia là để nhận lương nhưng bị ngân hàng từ chối đã vô tình tạo rào cản tiếp cận khả năng lao động của NKT.
Tùng Lâm
Theo Trí thức trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét