Thứ Tư, 14 tháng 9, 2016

Thiếu cơ chế, cho thêm tiền VAMC cũng không dám nhận

Chủ tịch HĐTV VAMC Nguyễn Quốc Hùng đã khẳng định như vậy với phóng viên Thời báo Ngân hàng khi bàn về câu chuyện VAMC có cần thiết phải sử dụng thêm vốn ngân sách để xử lý nợ xấu vào thời điểm này hay không.

Ông có thể cho biết kết quả hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu của VAMC từ đầu năm đến nay?

Chủ tịch HĐTV VAMC Nguyễn Quốc Hùng: Tính đến ngày 13/9/2016, VAMC đã mua 421 khoản nợ của 314 khách hàng với số tiền 12.238 tỷ đồng. Bên cạnh mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB), VAMC tổ chức phân loại khách hàng để đánh giá khả năng thu hồi các khoản nợ, từ đó xây dựng phương án xử lý nợ đối với từng khoản.

Nhờ triển khai nhiều giải pháp, với sự phối hợp chặt chẽ giữa VAMC và các TCTD, từ đầu năm đến nay, VAMC thu hồi được 12.520 tỷ đồng.

Để hỗ trợ các TCTD trong giải quyết nợ xấu, Chính phủ đã có chỉ đạo VAMC xem xét trả lại cho các TCTD những khoản nợ mà họ có thể xử lý được. Do đó, đối với những khoản nợ TCTD thấy rằng có thể thu hồi được, VAMC ủy quyền hết. Trong quá trình xử lý nợ, nếu gặp khó khăn vướng mắc VAMC sẽ hỗ trợ. Sau này nếu TCTD thấy có thể tự xử lý được và muốn mua lại khoản nợ đã bán cho VAMC thì VAMC sẵn sàng bán lại bằng đúng nguyên giá.

Muốn xử lý nhanh, triệt để nợ xấu thì phải triển khai mạnh mua bán nợ theo giá thị trường

Còn phần chi phí trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) cho các khoản nợ đã bán TCTD cũng được nhận lại đầy đủ. Như vậy, VAMC không lấy lãi đối với bất kỳ khoản nợ nào mua bằng TPĐB. Thực tế, đến thời điểm này VAMC đã bán lại cho TCTD gần 2.000 tỷ đồng nợ xấu nguyên giá. Qua đó có thể thấy, về cơ bản các TCTD được toàn quyền chủ động trong xử lý nợ xấu (XLNX).

Tất nhiên con số trên vẫn chưa như mong muốn của chúng tôi. Bởi như các bạn biết, VAMC đang gặp rất nhiều rào cản trong quá trình XLNX và NHNN đã trình Chính phủ những khó khăn vướng mắc để có hướng xử lý.

Còn kế hoạch mua nợ xấu theo giá thị trường thì sao, thưa ông?

Phải khẳng định mua nợ theo giá thị trường là mục tiêu trọng tâm trọng điểm của VAMC trong năm 2016 và chúng tôi rất muốn triển khai vì hiện VAMC được nâng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng. Nhưng quả thực việc đàm phán mua nợ theo giá thị trường lại hết sức khó khăn, đụng đâu cũng thấy vướng.

Ví như, các TCTD bán nợ cho VAMC nhận TPĐB có thời gian trích lập DPRR 5-10 năm. Nếu bán theo giá thịt trường thì họ phải trích ngay ít nhất 80 – 90% khoản nợ đó, thậm chí phải trích hết 100%. Như vậy, liệu TCTD có đủ khả năng tài chính để trích lập?.

Không chỉ đảm bảo về trích lập DPRR đầy đủ, các TCTD xác định bán nợ theo giá thị trường đảm bảo ít nhất bằng giá nợ gốc. TCTD cũng chỉ muốn bán hòa vốn bởi phần thiếu hụt không biết tính toán ra sao, có bị quy trách nhiệm hình sự hóa hay không?. Vì thế, họ tỏ ra e ngại khi bán nợ theo giá thị trường cho VAMC.

Vấn đề nữa đặt ra VAMC mua nợ theo giá thị trường thì phải bán theo giá thị trường. Nhưng muốn bán thì phải có thị trường. Nhưng giờ thị trường chưa có. Mà mua về để quản lý, theo dõi nếu không may thị trường biến động thì lỗ từ TCTD lại chuyển sang VAMC. Mà quan điểm của VAMC tuy kinh doanh không vì mục tiêu lợi nhuận nhưng phải bảo toàn được vốn. Nên chúng tôi cũng hết sức thận trọng, hạn chế tối đa việc bán nợ dưới giá vốn. Cho nên việc VAMC mua nợ và TCTD bán nợ theo giá thị trường bằng giá gốc đang là vấn đề cốt lõi gây khó khăn trong việc mua bán nợ theo giá thị trường.

Do đó, vấn đề ở đây không phải là cần có bao nhiêu tiền mà thực tế VAMC cần có cơ chế với hành lang pháp lý rõ ràng. Muốn mua bán nợ theo giá thị trường phải có phương thức định giá giá trị khoản nợ và cần có một tiêu thức của một cơ quan trung gian như Bộ Tài chính có hướng dẫn về phương pháp định giá, tiêu thức chung để mọi người nhìn vào đánh giá được thực trạng.

Thị trường mua bán nợ phải được vận hành. Đặc biệt, hành lang pháp lý đảm bảo quy rõ trách nhiệm mua bán dưới giá gốc thế nào cũng như trường hợp thoái vốn Nhà nước, dưới giá gốc có vấn đề gì không?. Có cho phép TCTD bù đắp quỹ dự phòng rủi ro vào phần thiếu hụt không?. Phần thiếu hụt trong trích lập DPRR, TCTD có được trích trong nhiều năm để giảm áp lực về tài chính?

Một vấn đề quan trọng nữa đó là cơ chế xử lý tài sản đảm bảo phải thực hiện nghiêm, kiên quyết. Nếu không nghiêm, VAMC mua về không thu hồi được TSĐB, không phát mại mà suốt ngày đi kiện tụng, nợ đọng một chỗ như vậy thì có tiền VAMC cũng không dám mua. Mục tiêu của VAMC là không để đồng vốn ngân sách đọng lại một chỗ được mà phải đảm bảo quay vòng vốn.

Ngay cả đối với người đi vay cũng cần phải có cơ chế pháp lý rõ ràng để làm sao họ hiểu khi không trả được nợ phải bàn giao tài sản cho chủ nợ và phải chấp nhận định giá tài sản đảm bảo theo thị giá. Đó là quy luật của cuộc chơi. NH phải nhận nợ đến đồng cuối cùng thì khách hàng cũng phải trả nợ như vậy. Trừ trường hợp người vay không còn gì nữa mới xem xét miễn, giảm lãi nhưng dứt khoát phải trả gốc.

Người vay phải có trách nhiệm trả nợ đến đồng cuối cùng. Lúc này, nếu dùng tiền ngân sách để XLNX thì mọi người sẽ hiểu là lấy tiền của dân người nghèo chia cho người giàu nhởn nhơ đi xe sang, nhà đẹp. Muốn vậy phải có hành lang pháp lý nghiêm minh đối với người đi vay, thậm chí phải hình sự hóa với con nợ vô trách nhiệm, coi thường pháp luật.

Nhưng đang có đề xuất cần thiết phải bơm thêm tiền tươi thóc thật để VAMC mua nợ xấu theo giá thị trường giải quyết nhanh số nợ xấu tồn đọng?

Đúng là muốn xử lý nhanh, triệt để nợ xấu thì phải triển khai mạnh mua bán nợ theo giá thị trường. Và tiền tươi thóc thật rất quan trọng. Tôi được biết, Bộ Kế hoạch đầu tư xây dựng phương án sử dụng vốn ngân sách để xử lý nợ xấu. Đây là ý tưởng hay nhưng nó ở thì tương lai. Theo tính toán của VAMC từ năm 2018 - 2020 dứt khoát thị trường mua bán nợ sẽ hoạt động sôi nổi. Vì lúc đó TCTD đã trích DPRR tối thiểu 50 - 60% giá trị khoản nợ rồi. Phần còn lại họ phải đẩy để thu hồi đủ giá trị khoản nợ, và có thể lãi khi thị trường hồi phục.

Nếu các kiến nghị VAMC được thông qua hành lang pháp lý thông thoáng điều kiện mua bán nợ sẽ tốt hơn. Khi đó nếu được cấp vốn ngân sách VAMC dùng tiền đó để mua các khoản nợ xấu. Và biến khoản nợ xấu thành khoản tiền thật và có giá trị ít nhất bằng hoặc hơn khoản đã mua. Như vậy dù có được cấp vốn ngân sách để XLNX thì không phải vốn đó mất đi mà thực chất là ứng trước cho VAMC một khoản tiền để mua và bán khoản nợ xấu ra thị trường.

Mặc dù đề án trên là đúng đắn nhưng như phân tích ở trên, nếu không có cơ chế tháo gỡ vướng mắc về hành lang pháp lý thì có cho thêm tiền VAMC không dám nhận. Vì khi mà quyền con nợ vẫn to hơn chủ nợ thì có tiền cũng không thể nào giải quyết được nợ xấu.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thanh Huyền thực hiện

Thời báo Ngân hàng

Đọc tiếp »

Công ty Quản lý quỹ Bảo Việt mua vào 3,6 triệu cổ phần STG

Trước giao dịch BVF không sở hữu cổ phiếu STG nào.

Công ty TNHH Quản lý quỹ Bảo Việt (BVF) vừa có báo cáo giao dịch cổ phiếu STG của CTCP Kho vận Miền Nam (Sotrans). Theo đó, ngày 7/9 vừa qua, công ty này đã mua 3,6 triệu cổ phiếu STG tương ứng 4,21% số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của Sotrans. Trước giao dịch BVF không sở hữu cổ phiếu STG nào.

Trước đó mấy ngày, ngày 31/8, Tổng công ty Bảo Việt Nhân Thọ (BVLIFE) đã mua vào hơn 6 triệu cổ phiếu STG và trở thành cổ đông lớn của Sotrans. Trước giao dịch BVLIFE cũng không sở hữu cổ phiếu STG nào.

Công ty TNHH Quản lý quỹ Bảo Việt và Tổng công ty Bảo Việt Nhân Thọ đều là công ty con do Tập đoàn Bảo Việt (BVH) sở hữu 100%.

Hiện Sông Đà 909 vẫn đang là cổ đông lớn nhất nắm giữ 24,2% vốn của Sotrans. Tuy nhiên, mới đây, Tổng công ty Thiết bị Điện Việt Nam (Gelex) đang lên kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh sang lĩnh vực logistic và đích nhắm là Sotrans. Gelex dự kiến sẽ bỏ ra khoảng 1.500 tỷ đồng để đầu tư vào lĩnh vực logistic. Đồng thời dự kiến sẽ mua lại cổ phần chi phối CTCP Kho vận Miền Nam.

Thanh Mai

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Lãi suất nhích theo mùa làm ăn cuối năm

Sau một thời gian ngắn ổn định, nhiều ngân hàng đã đồng loạt tăng nhẹ lãi suất huy động khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng lãi suất cho vay sẽ tăng theo trong khi đang bước vào cao điểm mùa làm ăn cuối năm.

Nhiều ngân hàng (NH) thừa nhận khó giữ được lãi suất (LS) cho vay ổn định trong những tháng cuối năm, do nhu cầu vay vốn làm ăn tăng, trong khi huy động vốn những tháng đầu năm tăng chậm hơn cho vay.

Đồng loạt tăng lãi suất

Ngân hàng Bản Việt vừa tăng LS tiền gửi, theo đó LS kỳ hạn 6 tháng tăng 0,1%/năm, lên 7,1%/năm, kỳ hạn 13 tháng LS tăng từ 7,5%/năm lên 7,8%/năm. Mức LS huy động kỳ hạn 18 tháng ở mức 8,2%/năm tại NH này cũng được ghi nhận là mức cao nhất thị trường hiện nay.

Trước đó, hàng loạt NH khác cũng tăng LS như VPBank, Eximbank, Nam Á, Hàng Hải... Cụ thể, VPBank tăng 0,2%/năm với LS kỳ hạn từ 1-3 tháng, kỳ hạn 12 tháng tăng 0,1%/năm, lên 6,7%/năm. Còn Eximbank tăng LS kỳ hạn từ 1-12 tháng, với mức tăng 0,1-0,2%/năm.

Có nhiều nguyên nhân khiến LS nhích lên trong thời gian gần đây. Theo giám đốc khối khách hàng cá nhân một NH lớn tại TP.HCM, việc NH Nhà nước đang hút tiền về thông qua việc phát hành tín phiếu với khối lượng khá lớn khiến nguồn tiền trên thị trường trở nên khan hơn.

Thêm vào đó bắt đầu vào cao điểm mùa làm ăn cuối năm, NH phải tăng LS để thu hút vốn nhằm đáp ứng nhu cầu vay của doanh nghiệp (DN).

Chưa kể theo quy định mới của NH Nhà nước, từ năm 2017 các NH thương mại phải giảm tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn từ 60% xuống còn 50%. Trong khi thời gian qua nhiều NH đã sử dụng quá nhiều vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, buộc phải tăng LS huy động để kéo giảm tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn.

Theo các NH, khi nhu cầu vốn tăng lên những tháng cuối năm, LS cho vay khó có thể giữ nguyên mà sẽ có xu hướng tăng chứ khó có khả năng giảm.

Doanh nghiệp lo ngay ngáy

Vừa trả xong khoản vay 640 triệu đồng cho NH sau thời gian vay 3 tháng, ông M.L., tổng giám đốc Công ty CP may MH (TP.HCM), cho biết ngoài LS, công ty còn phải trả thêm một số phí, phụ phí khác nên cộng lại cũng khá cao so với mặt bằng chung.

“Ngay sau khi có được nguồn trả nợ vay, tôi trả ngay vì nghe đâu sắp tới LS có thể tăng nữa”, ông M.L. tặc lưỡi nói.

Cũng vừa trả xong khoản vay dưới 500 triệu đồng với LS 8%/năm sau khi hoàn tất đơn hàng, ông Đặng Quốc Hùng, giám đốc Công ty TNHH Kim Bôi, lo lắng cho rằng cuối năm sẽ có nhiều đơn hàng, không vay thì không đủ nguồn tiền để xoay vòng được, nhưng nếu LS tăng các DN nhỏ sẽ gặp khó.

“LS cho vay ở mức 7-8% DN mới mạnh dạn vay, chứ nếu cao hơn, chưa kể có thể bị điều chỉnh tăng giữa chừng, ngặt nghèo lắm mới nghĩ đến chuyện vay bởi lợi nhuận không đủ để trả lãi vay”, ông Hùng cho biết.

Ông Phạm Ngọc Hưng, phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, cho biết nhiều DN hội viên cũng bày tỏ lo ngại khả năng NH sẽ tăng LS trong thời gian tới. Theo ông Hưng, với việc NH liên tục tăng LS huy động như thời gian qua, LS cho vay cũng khó lòng giữ mức hiện nay.

“Chúng tôi vẫn thường nghe các DN nhỏ và vừa nói rằng họ rất khó tiếp cận được vốn vay NH, dù đã có nhiều giải pháp, quyết sách được đưa ra. Nhưng với những DN nào vay được, LS trở thành gánh nặng của họ”, ông Hưng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hưng, với các khoản vay trung và dài hạn, rất nhiều DN than phiền các NH đưa ra nhiều mức LS khác nhau cho từng hạn mức vay, chẳng hạn có NH đưa ra gói vay có điều kiện từ năm thứ hai trở đi, DN phải trả lãi vay theo mức LS huy động 12 tháng (ở thời điểm hiện tại) cộng thêm 3%, tính ra DN chịu thiệt thòi rất nhiều nếu muốn đầu tư dài hạn.

Cho vay tăng nhanh hơn huy động vốn

Theo số liệu của NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM, dư nợ vay trung dài hạn vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong tổng dư nợ trên địa bàn với hơn 57%, dư nợ ngắn hạn chỉ chiếm 43%. Trong khi đó, huy động vốn từ đầu năm đến nay tăng chậm hơn cho vay.

Cụ thể, tính đến cuối tháng 8-2016, huy động vốn chỉ tăng 7,71% so với cuối năm 2015 trong khi tín dụng tăng 11,24%, mức tăng cao nhất trong vòng ba năm gần đây.

Theo Trần Vũ Nghi - Ánh Hồng

Tuổi trẻ

Đọc tiếp »

Đã đến lúc hạ lãi suất!

Tiền đang dư thừa, các ngân hàng thương mại muốn giải quyết tình trạng thừa thanh khoản thì phải hạ lãi suất để kích cầu tiêu thụ.

Ngân hàng thừa tiền

Vừa qua, thông tin Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) có lượng tiền mặt gần 8.200 tỷ đồng gửi ngân hàng với kỳ hạn không quá 3 tháng, hưởng lãi suất 5,5 -6,2% một năm trong bối cảnh công ty này đầu tư ngoài ngành không hiệu quả nói riêng và tình hình tăng trưởng huy động vốn toàn hệ thống những tháng đầu năm mạnh mẽ nói chung đã chứng tỏ một điều rằng trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, hầu như người dân và ngay cả doanh nghiệp có lượng tiền lớn đều đem vào gửi ngân hàng.

Lãi suất liên ngân hàng liên tục phá đáy lịch sử, chứng tỏ thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn đang ở trạng thái khá dồi dào. Ở một diễn biến khác, lãi suất của kênh tín phiếu kỳ hạn 14 ngày được phát hành trong tuần qua cũng đã ở mức rất thấp, 0,5%/năm, gần bằng lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm, điều này cho thấy nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng thương mại qua kênh tín phiếu đang ở mức thấp.

Các dấu hiệu trên đều cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng đang ở trạng thái dư thừa, với nguyên nhân chủ yếu là do NHNN bơm một lượng tiền lớn qua nghiệp vụ mua ngoại tệ từ đầu năm đến nay.

Trong khi đó, tính đến cuối tuần qua, khối lượng huy động TPCP đã đạt 98,96% so với kế hoạch đề ra. Như vậy là áp lực phát hành TPCP không còn lớn, cho thấy khả năng nguồn vốn dư thừa nằm ở các ngân hàng thương mại bị hút về qua kênh này là không cao.

Theo nghiên cứu của CTCK Bảo Việt (BVSC), nếu không có biến động lớn, thanh khoản hệ thống ngân hàng nhiều khả năng vẫn sẽ được duy trì ở trạng thái dồi dào từ nay đến hết năm. Đây là một yếu tố tích cực, hỗ trợ giảm lãi suất huy động, từ đó giúp các ngân hàng có điều kiện tiết giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp.

Các chuyên gia từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định thanh khoản trên thị trường 1 tiếp tục ổn định, lãi suất huy động và cho vay ở mức thấp. Việc phấn đấu giảm lãi suất cho vay những tháng cuối năm có các yếu tố thuận lợi do thanh khoản liên ngân hàng dồi dào; tỷ lệ tín dụng/huy động là 84,6%, giảm so với mức 85,7% cuối năm 2015; áp lực tăng lãi suất do yếu tố tỷ giá được giảm thiểu do thị trường ngoại hối ổn định, lãi suất TPCP tiếp tục giảm ở các kỳ hạn, cùng với việc TPCP đã đạt hơn 89% kế hoạch năm sẽ giảm áp lực lên lãi suất ngân hàng.

Bao giờ lãi suất sẽ giảm thêm?

Công bố thông tin về tình hình hoạt động tháng 8/2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết lãi suất cho vay phổ biến 6%-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn và 9%-11%/năm đối với trung và dài hạn. Như vậy, so với nhiều tháng trước, lãi suất cho vay vẫn ổn định.

Trước câu hỏi từ nay đến cuối năm, lãi suất có thể giảm hơn được không, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN cho biết, cơ quan điều hành sẽ cố gắng phấn đấu để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ các doanh nghiệp.

Bà Hồng cho biết ngay từ đầu năm, nhiều chuyên gia kinh tế cũng như NHNN dự báo lạm phát sẽ tăng trở lại thì việc ổn định mặt bằng lãi suất là nhiệm vụ hết sức khó khăn và thách thức.

Vào thời điểm đầu năm, một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Với diễn biến này, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Nhìn chung có thời điểm lãi suất tăng, giảm và theo số liệu tổng hợp của NHNN, mặt bằng lãi suất về cơ bản là vẫn ổn định.

NHNN tổ chức các giải pháp đầu tiên ổn định mặt bằng lãi suất huy động, để đặt được mục tiêu này, với vai trò điều tiết, NHNN đưa tiền/hút tiền đảm bảo thanh khoản dư thừa ở mức hợp lý. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất ở mức phù hợp nhằm ngăn chặn các ngân hàng sẽ không quay ra huy động thị trường 1 để đẩy lãi suất tăng lên.

“Từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ sử dụng các công cụ cố gắng ổn định lãi suất thị trường. Thống đốc NHNN cũng đã ban hành các chỉ thị các TCTD tiết giảm các chi phí hoạt động, cân đối nguồn vốn từ đó phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Và thực tế, đã có ngân hàng giảm lãi suất cho vay”, Phó thống đốc NHNN khẳng định.

Trong khi đó, tính đến ngày 23/8/2016, tín dụng nền kinh tế tăng 9,09% so với cuối năm 2015 nhưng thực tế ngân hàng vẫn dư tiền mà khách vẫn chạy vòng quanh không tiếp cận được vốn vay.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần phía Nam chia sẻ với chúng tôi, tìm kiếm khách hàng tốt để cho vay trong thời buổi cạnh tranh này rất khó khăn, đỏ mắt tìm khách hàng để đẩy nguồn tiền ra sản xuất. Nhóm khách hàng có sức khỏe tài chính ổn định, uy tín thì nhân viên các ngân hàng phải cạnh tranh, chăm sóc khách hàng với lãi suất ưu đãi. Còn nhóm khách hàng kinh doanh không mấy khả quan, không có tài sản thế chấp thì hầu hết các ngân hàng e ngại, sợ rủi ro, nợ xấu.

Còn theo một chuyên gia trong ngành dự báo, những tháng còn lại của năm 2016, người đi vay lớn nhất sắp ngừng vay (Kho bạc Nhà nước không bán trái phiếu); Nhu cầu tiêu dùng (nhu cầu hàng hóa bán lẻ) sụt giảm; Cầu tín dụng vẫn thấp dù so với mọi năm đây là thời điểm gia tăng sản xuất để phục vụ các dịp lễ tết sắp đến ...), các ngân hàng thương mại muốn giải quyết tình trạng dư thừa thanh khoản thì phải hạ lãi suất để kích cầu tiêu thụ.

Kim Tiền

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

NHNN chấp thuận nguyên tắc Vinaconex Viettel sáp nhập vào ngân hàng SHB

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa chính thức chấp thuận về nguyên tắc sáp nhập Công ty tài chính cổ phần Vinaconex Viettel (VVF) vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Vốn điều lệ của SHB sẽ tăng lên thành hơn 10.485 tỉ đồng sau khi thực hiện sáp nhập.

NHNN vừa có công văn chấp thuận về nguyên tắc VVF sáp nhập vào ngân hàng TMCP Sài Gòn (SHB) theo đề án đã được Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của SHB và VVF thông qua, và thành lập công ty con là công ty tài chính tín dụng tiêu dùng.

SHB và VVF có trách nhiệm hoàn tất hồ sơ theo quy định về việc tổ chức lại tổ chức tín dụng và văn bản khác có liên quan, trình Thống đốc NHNN xem xét chấp thuận việc sáp nhập VVF và SHB.

Đối với việc thành lập công ty con là công ty tài chính tín dụng tiêu dùng của SHB, NHNN chấp thuận về nguyên tắc việc thành lập công ty này. Đồng thời NHNN chỉ đạo SHB và ban trù bị phải thành lập Công ty tài chính trách nhiệm hữu hạn một thành viên Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Hà Nội, có trách nhiệm thực hiện thủ tục tiếp theo đề nghị NHNN chấp thuận thành lập công ty tài chính hoạt động trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng theo đúng quy định.

Được biết, Công ty tài chính cổ phần Vinaconex Viettel (VFF) có vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng, còn ngân hàng SHB có vốn điều lệ hơn 9.485 tỉ đồng.

Như vậy, sau khi tiến hành sáp nhập, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng lên 10.485 tỉ đồng.

Mai Ngọc

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Hoãn phiên tòa xử 'sếp' ngân hàng gây thiệt hại hơn 600 tỷ đồng

Do luật sư vắng mặt, đại diện VKS và bị cáo Phạm Văn Cử đề nghị HĐXX cho hoãn phiên tòa và được chấp thuận.

Sáng nay (14/9), TAND cấp cao tại TP.HCM đã mở phiên tòa phúc thẩm vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" xảy ra tại Ngân hàng Agribank chi nhánh 7 (Agribank CN7 – quận 7, TP.HCM). Đây là vụ việc đã gây thiệt hại hơn 600 tỉ đồng cho Nhà nước.

Trước đó, tại phiên sơ thẩm vào ngày 21/12/2015, TAND TP.HCM tuyên phạt Phạm Văn Cử (54 tuổi, ngụ quận 7, nguyên Giám đốc Agribank CN7 20 năm tù; Kiều Đình Thọ (35 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM, nguyên Trưởng phòng kế hoạch kinh doanh) 16 năm tù; Đỗ Thị Thu Hà (41 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM, nguyên Phó trưởng phòng kế hoạch kinh doanh) 9 năm tù cùng về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".

Bị cáo Phạm Trịnh Thắng (44 tuổi, ngụ quận 7, Chủ tịch hội đồng thành viên Cty TNHH thương mại Mai Khôi) bị tuyên án chung thân; Dương Thị Kim Luyến (vợ Thắng, 43 tuổi, ngụ Q.7, nguyên Giám đốc Cty Mai Khôi) 20 năm tù. Bốn bị cáo còn lại tham gia với vai trò giúp sức nhận mức án từ 7 năm - 12 năm tù vì tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo bản án sơ thẩm, từ năm 2009 – 2011, ông Phạm Văn Cử chỉ đạo cấp dưới tiếp nhận hồ sơ, ký hợp đồng tín dụng vay vốn với Cty Mai Khôi khi hồ sơ chưa đảm bảo đúng quy định; thẩm định không đúng thực tế tình hình hoạt động kinh doanh, năng lực tài chính; nhận tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất không đúng quy định…

Cty Mai Khôi sử dụng vốn vay từ Agribank CN7 sai mục đích, gây nợ xấu cho Agribank CN 7 với số tiền gốc và lãi hơn 600 tỷ đồng.

Sau bản án sơ thẩm, tất cả các bị cáo đều kháng cáo.

Tại phiên tòa sáng nay, một luật sư của bị cáo Pham Văn Cử vắng mặt. Bị cáo và đại diện VKS để nghị HĐXX cho hoãn phiên tòa.

Sau khi hội ý, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa với lý do bị cáo Cử là đầu vụ, có kháng cáo kêu oan nếu thiếu vắng luật sư là thiệt thòi quyền lợi cho bị cáo.

Theo Tân Châu

Tiền phong

Đọc tiếp »

TS. Nguyễn Đức Kiên: “Chưa đến lúc Nhà nước can thiệp vào thị trường nợ xấu”

Mới đây, nổi lên những tranh cãi trái chiều về việc có nên dùng Ngân sách để xử lý nợ xấu hay không? Trả lời về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Kiên – Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định: “Chưa đến lúc Nhà nước can thiệp vào thị trường nợ xấu".

Nợ xấu vẫn đang là vấn đề nhức nhối của ngành ngân hàng hiện nay. Nó là nguyên nhân chính cản trở lãi suất tín dụng giảm, giảm phần lớn lợi nhuận của ngân hàng. Đó là lý do tại sao, nhiều phương án được đưa ra nhằm giải quyết “cục máu đông” này của nền kinh tế.

Phương án dùng thêm ngân sách để xử lý nợ xấu được cho như một hình thức để Nhà nước can thiệp vào thị trường nợ xấu. Nó là phương án khả thi nhất hiện nay giúp các ngân hàng xử lý số “tài sản độc hại” khiến cơ thể sinh bệnh.

Tuy nhiên, nếu nhìn một cách khách quan thì nợ xấu phát sinh từ ngân hàng, mà nguyên nhân chính là do tăng trưởng tín dụng quá đà, năng lực thẩm định vốn kém. Vậy tại sao lại dùng ngân sách, tiền của dân để xử lý nợ xấu?

Trả lời câu hỏi về vấn đề sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu ngân hàng, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Xử lý nợ xấu là cả một quá trình, đòi hỏi nền kinh tế phải có sự tổn thất nhất định. Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng trước khi Nhà nước bỏ vốn thì thị trường cần tự điều chỉnh.

"Khi thị trường không tự điều chỉnh được mới cần nhà nước can thiệp. Còn hiện nay, thị trường còn chưa điều chỉnh, thì tại sao bảo Nhà nước can thiệp? Chưa đến lúc Nhà nước can thiệp vào thị trường nợ xấu", ông Kiên nhận định.

Theo ông Kiên, thị trường điều chỉnh là phải cho phá sản những doanh nghiệp yếu kém, làm ăn không hiệu quả. Ngân hàng cho vay vào lĩnh vực rủi ro, sai phạm thì ngân hàng phải chịu và doanh nghiệp rủi ro thì phải chịu. Lúc đó, ngân hàng phải siết nợ doanh nghiệp. Sau khi siết nợ xong, ngân hàng cân đối trên bảng thu chi mà còn thiếu bao nhiêu thì hình thành nợ xấu, phải trích lập dự phòng.

Trong trường hợp này, nếu các ngân hàng không trích lập dự phòng thì sẽ không tăng được mức tín dụng để huy động. Lúc đó ngân hàng buộc phải giảm lợi nhuận, tài sản để xử lý nợ xấu. Các cổ đông phải chấp nhận lợi nhuận về bằng 0, thậm chí có 2 – 3 năm phải âm lợi nhuận, giảm tài sản. Đó là việc của các ngân hàng.

Ông Kiên phân tích: Khi đó, thị trường có thiếu thì Nhà nước sẽ thông qua 4 ngân hàng nhà nước để bơm tiền ra nhằm cân đối lại nhu cầu tín dụng của thị trường. Đó mới là lúc, Nhà nước can thiệp vào thị trường. Và nếu ngay cả 4 NHTM nhà nước không làm được thì Nhà nước sẽ thông qua VAMC để xử lý nợ xấu.

“Trong lúc đó, chúng ta phải đảm bảo NHTM nhà nước cũng là một doanh nghiệp kinh doanh, nguyên tắc của nó là không được mất vốn, phải có lợi khi tham gia thị trường đấy, nó phải đạt được lợi nhuận ít nhất là bằng với lợi nhuận kinh doanh bình thường thì cổ đông nước ngoài mới mua cổ phần ngân hàng. Và khi họ mua cổ phần rồi thì họ phải quyết dịnh chứ sao nhà nước lại phải quyết định”, ông Kiên khẳng định.

Đặt vấn đề “phá sản ngân hàng” khi ngân hàng không còn đủ năng lực, âm vốn, ông Kiên cho biết: “Chúng ta không để ngân hàng phá sản nên mới mua lại với giá 0 đồng. Như ngân hàng xây dựng là vốn đang âm 9.000 tỷ đồng và Nhà nước mua bằng 0 có nghĩa là Nhà nước phải bỏ thêm tiền để cho nó cân bằng”.

Cùng với đó Nhà nước cũng hỗ trợ bằng thủ tục, bằng ban hành các quy định đặc biệt. Ví như: Ngân hàng Xây dựng khi đã âm vốn thì không được vay trên thị trường 2. Nhưng trường hợp nhà nước là chủ sở hữu thì Nhà nước quy định ngân hàng này vẫn được tham gia vào thị trường 2 mua bán bình thường trong giới hạn quy định để đảm bảo tính thanh khoản của ngân hàng. Để dòng tiền của người gửi tiền phát hành tín dụng khi được tạo ra không tạo sự bất ổn của thị trường tiền tệ.

Ông Kiên cho biết: Hiện nợ xấu chúng ta đang để cho các ngân hàng tự xử lý và tự đề ra phương án xử lý. Chính phủ chỉ đảm bảo thị trường tài chính không bị vỡ, giữ ổn định để ngân hàng hoạt động. Trong thời hạn 5 năm nếu ngân hàng bán nợ xấu cho VAMC thì phải trích lập dự phòng rủi ro, để sau 5 năm xoá được cái nợ đấy. Đấy là sự hỗ trợ rất lớn của Nhà nước cho các ngân hàng thương mại.

Sau 5 năm, nếu ngân hàng không khắc phục được thì buộc Nhà nước phải vào cuộc. Và việc đầu tiên là mua nợ xấu theo giá thị trường, qua định giá của kiểm toán quốc tế. Họ định giá là bao nhiêu nếu định giá âm thì ngân hàng sau 5 năm phải bù vào chỗ tiền âm kia.

Sau 3 lần đại hội đồng cổ đông mà ngân hàng không bù được chỗ lỗ kia thì lúc ấy ngân hàng buộc phải tuyên bố phá sản, hoặc là để bị mua lại với giá 0 đồng.

Phân tích thêm, ông Kiên cho biết: “Lợi nhuận cùng với rủi ro của ngân hàng phải nhà đầu tư nước ngoài mới định giá được. Ngân hàng là lĩnh vực kinh doanh đặc biệt, không phải cứ bán xong, trao tay là xong. Nó như bán cây cảnh, bán xong đang ở chậu này tươi tốt nhưng chuyển sang chậu khác chắc gì đã tốt, đã sống. Cho nên bao giờ cũng có rủi ro, ràng buộc”.

Theo Nguyễn Thoan

Bizlive

Đọc tiếp »