Tiền đang dư thừa, các ngân hàng thương mại muốn giải quyết tình trạng thừa thanh khoản thì phải hạ lãi suất để kích cầu tiêu thụ.
Ngân hàng thừa tiền
Vừa qua, thông tin Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) có lượng tiền mặt gần 8.200 tỷ đồng gửi ngân hàng với kỳ hạn không quá 3 tháng, hưởng lãi suất 5,5 -6,2% một năm trong bối cảnh công ty này đầu tư ngoài ngành không hiệu quả nói riêng và tình hình tăng trưởng huy động vốn toàn hệ thống những tháng đầu năm mạnh mẽ nói chung đã chứng tỏ một điều rằng trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, hầu như người dân và ngay cả doanh nghiệp có lượng tiền lớn đều đem vào gửi ngân hàng.
Lãi suất liên ngân hàng liên tục phá đáy lịch sử, chứng tỏ thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn đang ở trạng thái khá dồi dào. Ở một diễn biến khác, lãi suất của kênh tín phiếu kỳ hạn 14 ngày được phát hành trong tuần qua cũng đã ở mức rất thấp, 0,5%/năm, gần bằng lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm, điều này cho thấy nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng thương mại qua kênh tín phiếu đang ở mức thấp.
Các dấu hiệu trên đều cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng đang ở trạng thái dư thừa, với nguyên nhân chủ yếu là do NHNN bơm một lượng tiền lớn qua nghiệp vụ mua ngoại tệ từ đầu năm đến nay.
Trong khi đó, tính đến cuối tuần qua, khối lượng huy động TPCP đã đạt 98,96% so với kế hoạch đề ra. Như vậy là áp lực phát hành TPCP không còn lớn, cho thấy khả năng nguồn vốn dư thừa nằm ở các ngân hàng thương mại bị hút về qua kênh này là không cao.
Theo nghiên cứu của CTCK Bảo Việt (BVSC), nếu không có biến động lớn, thanh khoản hệ thống ngân hàng nhiều khả năng vẫn sẽ được duy trì ở trạng thái dồi dào từ nay đến hết năm. Đây là một yếu tố tích cực, hỗ trợ giảm lãi suất huy động, từ đó giúp các ngân hàng có điều kiện tiết giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp.
Các chuyên gia từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định thanh khoản trên thị trường 1 tiếp tục ổn định, lãi suất huy động và cho vay ở mức thấp. Việc phấn đấu giảm lãi suất cho vay những tháng cuối năm có các yếu tố thuận lợi do thanh khoản liên ngân hàng dồi dào; tỷ lệ tín dụng/huy động là 84,6%, giảm so với mức 85,7% cuối năm 2015; áp lực tăng lãi suất do yếu tố tỷ giá được giảm thiểu do thị trường ngoại hối ổn định, lãi suất TPCP tiếp tục giảm ở các kỳ hạn, cùng với việc TPCP đã đạt hơn 89% kế hoạch năm sẽ giảm áp lực lên lãi suất ngân hàng.
Bao giờ lãi suất sẽ giảm thêm?
Công bố thông tin về tình hình hoạt động tháng 8/2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết lãi suất cho vay phổ biến 6%-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn và 9%-11%/năm đối với trung và dài hạn. Như vậy, so với nhiều tháng trước, lãi suất cho vay vẫn ổn định.
Trước câu hỏi từ nay đến cuối năm, lãi suất có thể giảm hơn được không, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN cho biết, cơ quan điều hành sẽ cố gắng phấn đấu để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ các doanh nghiệp.
Bà Hồng cho biết ngay từ đầu năm, nhiều chuyên gia kinh tế cũng như NHNN dự báo lạm phát sẽ tăng trở lại thì việc ổn định mặt bằng lãi suất là nhiệm vụ hết sức khó khăn và thách thức.
Vào thời điểm đầu năm, một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Với diễn biến này, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Nhìn chung có thời điểm lãi suất tăng, giảm và theo số liệu tổng hợp của NHNN, mặt bằng lãi suất về cơ bản là vẫn ổn định.
NHNN tổ chức các giải pháp đầu tiên ổn định mặt bằng lãi suất huy động, để đặt được mục tiêu này, với vai trò điều tiết, NHNN đưa tiền/hút tiền đảm bảo thanh khoản dư thừa ở mức hợp lý. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất ở mức phù hợp nhằm ngăn chặn các ngân hàng sẽ không quay ra huy động thị trường 1 để đẩy lãi suất tăng lên.
“Từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ sử dụng các công cụ cố gắng ổn định lãi suất thị trường. Thống đốc NHNN cũng đã ban hành các chỉ thị các TCTD tiết giảm các chi phí hoạt động, cân đối nguồn vốn từ đó phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Và thực tế, đã có ngân hàng giảm lãi suất cho vay”, Phó thống đốc NHNN khẳng định.
Trong khi đó, tính đến ngày 23/8/2016, tín dụng nền kinh tế tăng 9,09% so với cuối năm 2015 nhưng thực tế ngân hàng vẫn dư tiền mà khách vẫn chạy vòng quanh không tiếp cận được vốn vay.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần phía Nam chia sẻ với chúng tôi, tìm kiếm khách hàng tốt để cho vay trong thời buổi cạnh tranh này rất khó khăn, đỏ mắt tìm khách hàng để đẩy nguồn tiền ra sản xuất. Nhóm khách hàng có sức khỏe tài chính ổn định, uy tín thì nhân viên các ngân hàng phải cạnh tranh, chăm sóc khách hàng với lãi suất ưu đãi. Còn nhóm khách hàng kinh doanh không mấy khả quan, không có tài sản thế chấp thì hầu hết các ngân hàng e ngại, sợ rủi ro, nợ xấu.
Còn theo một chuyên gia trong ngành dự báo, những tháng còn lại của năm 2016, người đi vay lớn nhất sắp ngừng vay (Kho bạc Nhà nước không bán trái phiếu); Nhu cầu tiêu dùng (nhu cầu hàng hóa bán lẻ) sụt giảm; Cầu tín dụng vẫn thấp dù so với mọi năm đây là thời điểm gia tăng sản xuất để phục vụ các dịp lễ tết sắp đến ...), các ngân hàng thương mại muốn giải quyết tình trạng dư thừa thanh khoản thì phải hạ lãi suất để kích cầu tiêu thụ.
Kim Tiền
Theo Trí thức trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét