Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017

Eximbank sẽ trích lãi hằng năm để khắc phục khoản lỗ từ Eximland

Eximbank dự kiến sẽ thu hồi các quỹ đã trích lập, dùng lợi nhuận hằng năm để bù số lỗ gay ra từ khoản này… để khắc phục số tiền gây ra từ Eximland.

Theo kết luận Thanh tra số 34 (năm 2015) của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, từ năm 2010 – 2013, thông qua việc bán các bất động sản cho Eximland, Eximbank đã ghi nhận thu nhập (không phải từ hoạt động kinh doanh) tổng cộng trên 1.116 tỷ đồng.

Năm 2014, Eximbank đã tự khắc phục được 284 tỷ đồng, còn 831 tỷ đồng phải tiếp tục chỉnh sửa. Khoản thu nhập này được sử dụng như sau:

- Nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 207,92 tỷ đồng.

- Trích quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và quỹ dự phòng tài chính theo luật định 91,55 tỷ đồng.

- Trích quỹ khen thưởng và phúc lợi 45,54 tỷ đồng

- Chia cổ tức cho cổ đông 486,82 tỷ đồng.

Các khoản chi phí liên quan để thực hiện giao dịch này (thuế giá trị gia tăng, thuế trước bạ…) 116, 74 tỷ đồng.

Tổng cộng các khoản liên quan đến vấn đề này là 948,57 tỷ đồng.

Thanh tra Ngân hàng Nhà nước kết luận “Eximbank bán các bất động sản và đưa khoản lợi nhuận từ chênh lệch giá mua và giá bán vào thu nhập là chưa đúng quy định và Thanh tra yêu cầu Hội đồng quản trị phải xin ý kiến đại hội đồng cổ đông để thông qua phương án khắc phục”.

Eximbank đã xử lý trên cơ sở kết luận Thanh tra và khuyến nghị của kiểm toán độc lập như sau:

Tại đại hội đồng cổ đông bất thường 2015, phương án do Hội đồng quản trị Eximbank nhiệm kỳ trước đưa ra chưa được thông qua. Do vậy, hội đồng quản trị mới thực hiện hạch toán hồi tố đúng theo nguyên tắc kế toán.

Theo đó, ngoài số đã được khắc phục đến ngày 31/12/2014, Eximbank đã hạch toán điều chỉnh hồi tố giảm lợi nhuận tại ngày 31/12/2014 là 948, 57 tỷ đồng. Việc điều chỉnh này đã được công ty kiểm toán độc lập KPMG xác nhận là phù hợp và được áp dụng một cách hợp lý.

Thực hiện việc thu hồi các quỹ đã trích và đề nghị khấu trừ để thu hồi đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp đối với khoản tiền 345 tỷ đồng.

Bù đắp lợi nhuận giữ lại đến ngày 31/12/2014 (sau khi trích lập quỹ phúc lợi từ lợi nhuận năm 2014) là 99 tỷ đồng.

Số lỗ lũy kế còn lại 504,56 tỷ đồng sẽ được bù đắp từ lợi nhuận sau thuế hằng năm sau khi trích lập các quỹ theo quy định của pháp luật và điều lệ của Eximbank.

Theo Hoàng Anh

Bizlive

Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2016

“Ngân sách xử lý nợ xấu đâu phải cho không, biếu không”

Đã đến lúc nợ xấu phải được đặt ra như một vấn đề cấp bách, để tìm cách xử lý nhanh...

Sau 5 năm, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục xây dựng đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, giai đoạn hai. Theo TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, lõi của tái cơ cấu ngân hàng vẫn là xử lý cho được nợ xấu.

Ông Phước cho rằng, cần xem xét tạo các nguồn lực để thúc đẩy nhanh quá trình và kết quả, còn việc xem nợ xấu do ngân hàng gây ra và phải tự xử lý là một quan điểm nông nổi.

Nhu cầu cấp bách

Thưa ông, sau 5 năm, thực tế nợ xấu vẫn gây quan ngại lớn và chủ yếu vẫn là các ngân hàng thương mại tự xử lý. Để đẩy nhanh hơn, triệt để hơn, theo ông có nên tìm kiếm giải pháp tạo những nguồn lực khác nữa không?

Thời gian qua đã có nhiều cách tiếp cận rồi. Vay nước ngoài về thì không được, vì nhiều ràng buộc. Dùng ngân sách thì không có sự đồng thuận của xã hội.

Nhưng, yêu cầu đặt ra là phải xử lý nợ xấu càng nhanh càng tốt. Cứ để lâu dài thì sức cạnh tranh của nền kinh tế yếu kém đi, vốn và chi phí vốn của doanh nghiệp vẫn rất cao, đặc biệt là trong một nền kinh tế mà tín dụng nội địa vẫn là nguồn đóng góp lớn, như là dòng máu chủ đạo dẫn vào cơ thể.

Vì thế này thế kia mà chúng ta vẫn chưa xử lý được một cách tương đối triệt để thì cơ thể đó dù vẫn sống, nhưng xanh xao, gầy yếu. Cái này thì ai cũng biết rồi.

Và đến nay vẫn có quan điểm, nợ xấu do ngân hàng gây ra thì các ngân hàng tự chịu. Tôi cho quan điểm đó là nông nổi. Họ vẫn cứ tự xử lý bao năm nay. Nếu cứ chấp nhận tình trạng này, cứ để họ tự xử lý. Thiệt hại là cổ đông và nhân viên ngân hàng sụt giảm cổ tức, lương bổng. Nhưng thiệt hại lớn hàng trăm lần là đối với nền kinh tế.

Vậy theo quan điểm của ông, xử lý nợ xấu là trách nhiệm chung của nền kinh tế?

Chúng ta thấy mấy chục năm đổi mới của nền kinh tế Việt Nam có sự đóng góp lớn của ngành ngân hàng chứ, là kênh dẫn vốn chủ đạo cho nền kinh tế. Mà trước đây chúng ta đâu có nhiều vốn ODA và FDI đâu.

Hàng chục năm trước, cũng vẫn những chiếc xe bò cọc cạch ấy đã chở bao nhiêu vật liệu để xây dựng cái nhà chúng ta. Không nên phụ cái xe bò cọc cạch ấy. Nói đi phải nói lại, phải nhìn nhận cái đó cho công tâm.

Nay cái xe bò đó bị rơi xuống hố, do người điều khiển nó, nhưng không vì thế mà quay lưng bỏ mặc nó sau khi đã và đang chuyên chở bao nhiêu nguồn lực cho chúng ta.

Bây giờ phải sử dụng một nguồn lực tổng hợp, rồi vẫn phải bàn đi bàn lại, đặt lên đặt xuống vấn đề này. Dù bàn mãi, đặt lên đặt xuống mãi thì nhu cầu cấp bách vẫn là phải xử lý nhanh và tương đối triệt để nợ xấu, trong những điều kiện có thể được.

Theo tôi, có lẽ cần xem xét lại nhận thức đúng đắn, nghiêm túc về một câu chuyện rất lớn của đất nước. Đã đến lúc phải được đặt ra như một vấn đề cấp bách, phải xử lý nhanh.

Những điều kiện có thể được, cụ thể là như thế nào?

Trước hết chúng ta cân đối xem, một bên là khối lượng nợ xấu, một bên là các tài sản đảm bảo cho nợ xấu. Đâu phải nợ xấu là một khối lượng tiền đã mất. Phải làm rõ là bên cạnh nợ xấu thì các tài sản đảm bảo chưa hẳn là xấu. Một khoản vay 10 tỷ, tài sản đảm bảo là ngôi nhà. 10 tỷ đó là nợ xấu, nhưng ngôi nhà đó có gì xấu.

Vậy thì câu chuyện đặt ra là gì? Bây giờ tính toán cân đối lại giữa tổng nợ xấu với giá trị tài sản đảm bảo cho nó thực tế như thế nào, tình trạng pháp lý như thế nào. Bước đầu là tạo điều kiện để làm sao những tài sản đảm bảo đó có thể lưu động được, có thể bán được. Đó là xem xét điều chỉnh hệ thống pháp luật.

Thứ nữa, nếu như nó đã đầy đủ điều kiện rồi, thực tế trong đó có nhiều tài sản đảm bảo có đủ điều kiện rồi, nhưng vẫn không bán được. Thì đó là do thị trường, sức cầu và giá cả, có thêm yếu tố nữa là dòng vốn đâu trong nền kinh tế này.

Nói tóm lại, trước hết chúng ta xử lý các vấn đề kỹ thuật của câu chuyện tương quan nợ xấu với tài sản đảm bảo cho nó. Muốn làm cái này trước hết là vai trò của hệ thống pháp luật, phải hỗ trợ cho các bên để hoàn chỉnh tính pháp lý.

Rồi chúng ta phải tạo điều kiện cho người mua, người bán thông qua thị trường mua bán nợ, mua bán các tài sản đảm bảo sao cho thuận lợi. Ví dụ như có giải pháp kích thích cho thị trường này chẳng hạn như không đánh thuế. Và để kích thích thị trường này thì cần phải có tiền.

Bốn nguồn lực khả thi

Phải có tiền, nhưng ngoài các ngân hàng tự trích lập dự phòng và xử lý, mấy năm nay vẫn chưa có điểm gợi mở về nguồn lực mới, thưa ông.

Chúng ta có thể xem xét ở bốn kênh tạo nguồn lực tổng hợp, hỗ trợ để xử lý nhanh và tương đối triệt để nợ xấu.

Đó là tín dụng từ ngân sách, tạm ứng ra một khoản vốn, điều mà bấy lâu nay vẫn có định kiến nhầm lẫn rằng ngân sách là cho không, biếu không.

Nguồn lực thứ hai chúng ta đều biết là Ngân hàng Nhà nước có thể điều tiết cung tiền thông qua các công cụ, như là tái cấp vốn. Ngay cái từ “tái cấp vốn” cũng đã nhạy cảm. Thực ra cấp nhưng không phải là cấp. Nó bị định kiến là khi Ngân hàng Nhà nước cho vay một tổ chức tín dụng, gọi là tái cấp vốn, làm người ta nhầm tưởng cũng là cấp không. Thực ra đây là một khoản tín dụng dựa trên các tài sản đảm bảo. Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể sử dụng một mức độ nhất định nguồn này để sao cho không tạo ra áp lực đối với lạm phát.

Nguồn lực thứ ba là trong dân. Có cách nào đó để huy động vốn trong dân để sử dụng vào việc cùng chữa căn bệnh của quốc gia là nợ xấu. Người dân cũng được thừa hưởng thông qua sự huy động này.

Hay chúng ta tạo điều kiện cho các nguồn lực bên ngoài vào, phát hành giấy tờ có giá, lập định chế quỹ để huy động nguồn lực để xử lý nợ xấu.

Đó là bốn cách tiếp cận truyền thống, tương đối khả thi, không lệch sang một cách nào, mà theo những liều lượng hợp lý và tính khả thi của nó. Tất cả để nhằm vào yêu cầu khẩn trương xử lý nợ xấu, vì càng để lâu thì càng bất lợi cho nền kinh tế.

Đây không phải là vấn đề riêng của hệ thống ngân hàng, bởi nền kinh tế này tín dụng nội địa vẫn là chủ yếu, khoảng trên 110% GDP.

Trong bốn hướng trên, sử dụng ngân sách Nhà nước tham gia xử lý nợ xấu có khả thi không, khi mà nó luôn có phản ứng không đồng thuận trong xã hội?

Khái niệm tham gia là gì? Hình như gần đây nó được hiểu một cách nhầm lẫn là dùng ngân sách để cho không các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp, các cá nhân vay vốn. Theo ý kiến riêng tôi, nếu hiểu như vậy thì sai lầm.

Sử dụng ngân sách ở đây như là một loại tín dụng nhà nước. Nhà nước cho vay. Đã cho vay thì phải thu hồi, không phải cho vay bằng bất cứ giá nào, vẫn phải lượng định những rủi ro, phải tính toán cho vay như thế nào để không bị tổn thất.

Nếu ngân sách cho các ngân hàng thương mại vay để xử lý nợ xấu, đương nhiên phải tính toán tài sản đảm bảo là cái gì. Tôi nhấn mạnh khái niệm tín dụng Nhà nước khi ta nói sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu, có những điều kiện đảm bảo, dù không ai khẳng định là không có rủi ro.

Nhưng ngân sách là tiền thuế của dân, nếu dùng thì đổi lại sẽ được gì?

Khi nói đến ngân sách luôn luôn chúng ta bị ấn tượng rằng ngân sách là cấp phát, cứ như mặc định là cho không. Cho nên khi nói dùng ngân sách để xử lý nợ xấu thì làm cho người ta có định kiến là dùng để xóa nợ cho các ngân hàng thương mại, mà thực ra là cho các doanh nghiệp, cá nhân vay có nợ xấu.

Vậy nên mới sinh ra câu chuyện ngân sách từ đâu, từ đóng thuế, người dân đóng thuế. Rồi góc nhìn người nghèo đóng thuế để lấy trợ cấp cho người giàu. Theo tôi, đây là một cách tiếp cận phiến diện và sai lầm.

Trước những định kiến đó, những năm qua và cho đến nay chúng ta vẫn chủ yếu để cho các tổ chức tín dụng tự xử lý nợ xấu. Trong 5 năm nay họ vẫn tự xử lý đó thôi. Không tổ chức tín dụng nào lăn đùng ra chết cả, còn nếu có thì lại là câu chuyện khác… Nhưng hệ quả họ tự xử lý nợ xấu là lợi nhuận thấp xuống, vì phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều, ngân sách thu theo đó ít đi.

Tôi lấy ví dụ, trước đây lợi nhuận một ngân hàng bình thường cỡ 1.000 tỷ thì đóng thuế 250 tỷ, bây giờ lợi nhuận chỉ còn 100 tỷ thì chỉ đóng có 25 tỷ mà thôi. Nên chúng ta tưởng rằng để cho các tổ chức tín dụng tự xử lý nợ xấu thì không mất gì, nhưng ngân sách mất rất nhiều.

Trước đây thông thường toàn hệ thống ngân hàng lãi khoảng 120.000 tỷ, đến nay chỉ còn khoảng 30.000 tỷ, mất 90.000 tỷ, tức ngân sách mất thu khoảng 22.500 tỷ.

Còn nếu sử dụng ngân sách, nói tới nói lui thì sử dụng ngân sách ở đây là tín dụng Nhà nước, không phải cho không biếu không, mà có vai trò như bắc một cây cầu trên một dòng sông, không có nó thì không thể từ bờ nợ xấu bên này qua bờ nợ tốt bên kia nhanh được.

Và với quan hệ lãi suất, nợ xấu giảm thì tạo điều kiện để lãi suất giảm, chi phí vay vốn giảm để tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp vay vốn, cho nền kinh tế. Điều chúng ta thấy, trong bối cảnh lạm phát thấp mà chi phí vay vốn của doanh nghiệp vẫn rất cao như vậy, một nguyên do lớn nằm ở nợ xấu.

Tính toán mức độ có thể được

Trong trường hợp sử dụng ngân sách, không phải là cho không biếu không, thì cách thức triển khai thế nào, thưa ông?

Dùng nguồn ngân sách đó cho tổ chức tín dụng vay trong 5-10 năm với một mức lãi suất nào đó. Sau 5-10 năm, các tổ chức tín dụng bán được các tài sản đảm bảo để trả lại.

Hoặc chúng ta có thể phát hành một loại trái phiếu đặc biệt gọi là trái phiếu xử lý nợ xấu, mọi tổ chức cá nhân đều có thể tham gia mua. Đương nhiên ở đây liên quan đến một vấn đề hệ trọng, là tác động đến cầu tiền - cung tiền như thế nào để không gây ra những ảnh hưởng lớn tới ổn định tiền tệ vĩ mô.

Lãi suất trái phiếu cũng bằng lãi suất cho vay lại các tổ chức tín dụng, ngân sách không mất gì cả. Nhưng không phải là ngân sách không được gì, vì nếu xử lý được nợ xấu, như trên, ngân hàng lãi hơn sẽ đóng góp ngân sách nhiều hơn.

Như ông đề cập ở trên, giả sử dùng một phần ngân sách hay huy động nguồn lực trong dân, thì ràng buộc lớn là vấn đề trần nợ công…

Ở đây cần tính toán các phương án, mức độ có thể được. Cũng cần xem vốn huy động để xử lý nợ xấu có là nợ công hay không. Nếu làm thì hẳn sẽ có những đề án, tính toán liều lượng cụ thể. Chứ không lẽ đụng vào cái gì cũng không được, rồi ngồi im chờ chết sao.

Theo Minh Đức

VnEconomy

Đọc tiếp »

Nữ nhân viên nhà băng chiếm đoạt gần 50 tỷ của khách

Lợi dụng sự tin tưởng của khách hàng, nữ cán bộ ngân hàng Eximbank ở Nghệ An nhiều lần lập hồ sơ khống để rút hàng chục tỷ đồng.

Ngày 26/9, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Nghệ An xác nhận, cơ quan điều tra đã khởi tố Nguyễn Thị Lam (29 tuổi, trú ở huyện Đô Lương, Nghệ An) về hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Theo kết quả điều tra ban đầu, Lam vốn là cán bộ kiểm ngân của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chi nhánh huyện Đô Lương. Nữ nhân viên này có quan hệ mật thiết với nhiều khách gửi tiền tiết kiệm. Mỗi lần có người gửi, Lam là người trực tiếp làm hồ sơ rồi gửi vào sổ tiết kiệm hoặc cầm tiền của khách hàng để làm thủ tục gửi sau.

Sau một thời gian, tài khoản của Lam và người thân có biểu hiện bất minh, số tiền tăng lên từng ngày. Cũng trong thời gian này, qua công tác nắm tình hình, cảnh sát kinh tế phát hiện có một số hồ sơ rút và chuyển khoản tiền gửi tiết kiệm với số lượng lớn. Các giao dịch này có dấu hiệu giả mạo chữ ký của khách hàng.

Làm việc với các chủ tài khoản, họ cho biết không rút tiền gửi hoặc chuyển khoản tiền tiết kiệm tại ngân hàng Eximbank. Nhà chức trách đặt nghi vấn có người giả mạo chữ ký để làm việc này. Trong đó, Lam được đưa vào diện nghi vấn.

Ngày 21/9, Lam đến công an đầu thú, thừa nhận mình là chủ mưu vụ việc.

Nữ cán bộ kiểm ngân này khai nhận lợi dụng quen biết và vị trí công tác của bản thân, đã giả mạo chữ ký khách hàng, lập hồ sơ khống. Lam đã thực hiện các giao dịch rút tiền hoặc chuyển tiền từ sổ tiết kiệm của các khách hàng vào tài khoản của một số người thân để chiếm đoạt. Đến thời điểm đến đầu thú, số tiền Lam đã chiếm đoạt là hơn 47 tỷ đồng.

Theo cơ quan điều tra, Lam chiếm đoạt của khách Nguyễn Tiến Nam (54 tuổi, ở thị trấn Đô Lương) hơn 30 tỷ đồng, Nguyễn Thị Kiều Hương - Hiệu trưởng một trường THPT hơn 10 tỷ đồng.

Theo Phạm Hòa

Zing News

Đọc tiếp »

Bất ngờ các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động

Từ hôm nay (26-9), nhiều ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất huy động VND 0,3%-0,5%/năm.

Ngân hàng Nhà nước cho biết từ hôm nay (ngày 26/9), một số TCTD lớn trong đó có các NHTMNN đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn dưới 1 năm với mức giảm từ 0,3-0,5%/năm.

Theo đó, lãi suất áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng được các TCTD này công bố ở mức 0,3-0,5%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng ở mức 4,2-4,3%/năm, kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 5 tháng ở mức 4,8%/năm, kỳ hạn từ 5 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 5%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng ở mức 5,3%/năm, và kỳ hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 5,5%/năm.

Động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động của các TCTD nêu trên là giải pháp tích cực, kịp thời nhằm triển khai định hướng điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ đã được Thống đốc NHNN cụ thể hóa cho ngành ngân hàng tại Chỉ thị số 04/CT-NHNN ngày 27/5/2016 tiết giảm chi phí để phấn đấu cắt giảm lãi suất cho vay qua đó hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Từ đầu năm đến nay, NHNN đã bám sát thị trường, điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản của hệ thống, tạo điều kiện để giữ mặt bằng lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp; qua đó tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất huy động và giảm sức ép lên lãi suất cho vay của các TCTD, đồng thời đảm bảo các mục tiêu ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.

Kim Tiền

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Ngân hàng tính tăng điều kiện phòng rủi ro tài khoản

Nhiều điểm mới dự kiến sẽ được bổ sung vào thủ tục mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng...

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Nguyên do, việc sửa đổi và bổ sung Thông tư 23 cho phù hợp với những thay đổi của cơ sở pháp lý, từ việc thay thế Bộ Luật dân sự năm 2005 bằng Bộ Luật dân sự năm 2015 (có hiệu lực từ 1/1/2017); cũng như bổ sung thêm căn cứ là Nghị định số 80/2016/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt.

Đáng chú ý, nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung cũng xuất phát từ thực tế phát sinh trong hoạt động của các ngân hàng thương mại, nhất là sau một số vụ việc rủi ro tài khoản xẩy ra gần đây.

Theo quy định hiện hành, chủ tài khoản của tổ chức là người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền của tổ chức mở tài khoản và thay mặt tổ chức đó thực hiện các giao dịch liên quan đến tài khoản thanh toán. Nhưng theo dự thảo mới, chủ tài khoản thanh toán của tổ chức là tổ chức mở tài khoản; và người đại diện hợp pháp của tố chức mở tài khoản thanh toán thay mặt tổ chức đó thực hiện các giao dịch liên quan đến tài khoản thanh toán trong phạm vi đại diện.

Quy định về “Ủy quyền trong sử dụng tài khoản thanh toán” cũng có điều chỉnh trong dự thảo thông tư mới.

Ở quy định hiện hành, trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán, chủ tài khoản thanh toán, kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán (nếu có) được ủy quyền cho người khác. Việc ủy quyền phải bằng văn bản và phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về ủy quyền. Việc ủy quyền của tổ chức phải được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức mở tài khoản.

Quy định trên dự kiến sẽ điều chỉnh lại theo hướng: chủ tài khoản thanh toán được ủy quyền cho người khác, tổ chức khác sử dụng tài khoản thanh toán của mình; việc ủy quyền phải bằng văn bản và được thực hiện theo quy định của pháp luật về ủy quyền.

Một điểm được chú ý khác trong dự thảo mới, có trong một tình tiết ở sự việc khách hàng tố bị mất 26 tỷ đồng tại VPBank gần đây (hiện chưa có kết luận cuối cùng).

Đó là, quy định hiện hành chỉ yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có nghĩa vụ lưu giữ mẫu chữ ký của chủ tài khoản, kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán (trường hợp khách hàng là tổ chức thuộc đối tượng bắt buộc phải bố trí kế toán trưởng) và những người được ủy quyền để kiểm tra, đối chiếu trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán.

Còn theo hướng điều chỉnh mới, họ phải lưu giữ và cập nhật đầy đủ mẫu chữ ký của chủ tài khoản (hoặc người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản), mẫu dấu (nếu có), mẫu chữ ký (nếu có) của kế toán trưởng, người phụ trách kế toán (hoặc người được ủy quyền) và các thông tin về tài khoản thanh toán để kiểm tra, đối chiếu trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán.

Những điểm quy định chặt chẽ hơn ở trên cũng dự kiến đưa vào trong quy định về hồ sơ đề nghị mở tài khoản thanh toán của các tổ chức.

Và cũng từ thực tế phát sinh thời gian gần đây, với chủ trương mà Ngân hàng Nhà nước yêu cầu xác định rõ ràng và chặt chẽ trách nhiệm trong các trường hợp phát sinh rủi ro, dự thảo thông tư mới cũng đã có bổ sung cụ thể.

Theo đó, dự kiến khi mở tài khoản thanh toán, nội dung hợp đồng giữa khách hàng và ngân hàng phải ghi rõ trách nhiệm của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc tiếp nhận thông tin từ khách hàng, thời gian xử lý, phương án đền bù đối với các trường hợp phát sinh rủi ro, sự cố trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán.

Theo Nhật Nam

VnEConomy

Đọc tiếp »

Kiều hối nắn dòng

Lượng kiều hối ngày càng chảy nhiều hơn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; thay vì đầu tư bất động sản, chứng khoán hoặc chi tiêu như trước.

Nguồn lực kiều hối không ngừng tăng trong những năm qua đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam. Số liệu mới công bố cho thấy, sau 8 tháng đầu năm 2016, lượng kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh ước đạt 2,85 tỷ USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm trước. Lượng kiều hối ngày càng chảy nhiều hơn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; thay vì đầu tư bất động sản (BĐS), chứng khoán hoặc chi tiêu như trước.

Sản xuất, kinh doanh hấp thụ dòng kiều hối có nhiều nguyên nhân. Trong đó phần lớn xuất phát từ nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, kéo theo nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn. Bên cạnh đó, việc Việt Nam ký kết hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do, đặc biệt là tham gia TPP và AEC khiến Việt Nam có nhiều lợi thế trong kinh doanh với các đối tác tham gia hiệp định. Việc Việt Nam giảm nhiều loại thuế trong kinh doanh cho DN, cộng thêm vai trò của DN tư nhân và DN nước ngoài đang dần khẳng định vị trí của mình… cũng kích thích dòng kiều hối đổ về mạnh hơn.

Một chuyên gia tài chính chia sẻ: Từ khi NHNN áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá mới, cùng với việc đưa lãi suất tiền gửi ngoại tệ về 0%, kiều bào đã thay đổi cách sử dụng nguồn tiền nhàn rỗi. Thay vì nhờ người thân gửi tiết kiệm lấy lãi và chờ tỷ giá tăng, thì nay họ cân nhắc, tính toán để có mục tiêu đầu tư rõ ràng hơn. Nguyên nhân nữa được các chuyên gia đề cập còn đến từ chuyện thị trường chứng khoán (TTCK) phát triển thiếu ổn định, vốn hoá thị trường còn nhỏ…

Với thị trường BĐS dù đã có hiện tượng ấm lên, nhưng vài tháng trở lại đây có dấu hiệu tăng trưởng chậm… Những yếu tố này trở thành bàn tay vô hình nắn dòng kiều hối vào khu vực sản xuất kinh doanh.

Theo chuyên gia kinh tế TS. Bùi Quang Tín, giảng viên khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, phần lớn trong nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam là từ thị trường Mỹ, Úc và Canada. Trong đó, Mỹ chiếm tỷ lệ lớn nhất với khoảng 7 tỷ USD trong tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam thời gian qua. Điều này đồng nghĩa với việc USD chiếm gần 60%, theo sau là đồng đô la Úc và đô la Canada chiếm gần 20%, còn lại là tiền của các quốc gia khác.

Chính bởi vậy, bên cạnh tiếp tục phát huy thế mạnh lượng kiều hối của người Việt Nam từ Mỹ chuyển về qua việc tạo điều kiện sản xuất kinh doanh, giảm thuế… cũng cần quan tâm hơn tới việc hỗ trợ người Việt Nam đang đi lao động tại các quốc gia khác trên thế giới. “Bởi nếu tập trung vào thị trường Mỹ, khi nền kinh tế Mỹ khó khăn thì sẽ ảnh hưởng tới lượng kiều hối về Việt Nam”, vị này nhận định.

Không phủ nhận lượng kiều hối chuyển về đã góp phần tăng thặng dư, giúp NH tăng dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, ở mặt khác, cũng có ý kiến cho rằng nếu trường hợp cán cân thanh toán quốc tế dương, kiều hối có thể tạo ra áp lực cho nền kinh tế. Và nếu hấp thụ một lượng lớn kiều hối, rất có thể khiến đồng nội tệ lên giá, ảnh hưởng cạnh tranh của hàng hoá trong nước. Về vấn đề này, theo quan điểm của TS. Bùi Quang Tín: Thời gian qua, bên cạnh lượng ngoại tệ về Việt Nam từ con đường kiều hối, còn có các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nguồn vốn hỗ trợ ODA và một số nguồn đầu tư khác.

Trong 8 tháng đầu năm 2016, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 9,8 tỷ USD; tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2015. Các nguồn tiền này sẽ giúp cho cán cân thanh toán quốc tế dương.

Để ổn định tỷ giá thời gian qua, NHNN đã mua vào một lượng lớn ngoại tệ, trong đó đặc biệt là đồng USD, từ đó hỗ trợ cho thanh khoản VND dồi dào trên thị trường, tạo cơ hội cho lãi suất VND giảm thời gian tới. Do đó, NHNN đã có giải pháp xử lý được lượng USD và ngoại tệ khác dư thừa trên thị trường.

Bên cạnh đó, FED quyết định chưa nâng lãi suất cơ bản tại cuộc họp ngày 20/9/2016, đồng CNY cũng chưa có nhiều biến động - “những yếu tố trên sẽ giúp cho tỷ giá USD/VND tiếp tục ổn định và có thể tăng thêm 2% cho đến cuối năm”.

Trong 5 năm qua (từ 2011 - 2015), lượng kiều hối chuyển về Việt Nam tăng bình quân 10 - 12% sau mỗi năm. Đây được xem là mức tăng khá ấn tượng trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế toàn cầu.

Làm một phép so sánh, TS. Bùi Quang Tín đưa ra con số năm 1991 kiều hối về Việt Nam ước chừng chỉ đạt 35 triệu USD, thì tới năm 2015 đã tăng lên 12,25 tỷ USD với tốc độ tăng trung bình hàng năm hơn 38%. Ông Tín nhận định: “Với tốc độ tăng trưởng và các điều kiện kể trên, chúng ta có thể kỳ vọng kiều hối về Việt Nam năm nay rơi vào khoảng từ 13 - 15 tỷ USD”.

Theo Khuê Nguyễn

Thời báo ngân hàng

Đọc tiếp »

Công ty tài chính cho vay 2 tỷ USD

CTCP Truyền thông Tài chính (StoxPlus) vừa công bố kết quả thống kê thị phần cho vay của các công ty tài chính hiện vào khoảng 2 tỷ USD trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng.

Thống kê cũng đưa ra tốc độ phát triển của toàn thị trường cho vay tiêu dùng của Việt Nam năm 2015 tăng 44% so với năm trước đó và chiếm 6,8% tổng dư nợ nền kinh tế.

Theo kết quả khảo sát của công ty này thì thị trường cho vay tiêu dùng năm 2015 đã chiếm 10,4% GDP. Sự phát triển nhanh chóng này có yếu tố các công ty tài chính năm 2015 có số lượng tăng gấp đôi năm 2014, thông qua các thương vụ mua bán, sáp nhập. Đặc biệt là sau khi có dự thảo quy định NHTM phải thành lập công ty tài chính để cấp tín dụng tiêu dùng cho những khách hàng phi chuẩn.

Mặc dù tỷ lệ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính còn thấp hơn và xuất hiện sau các NHTM, nhưng lại có tốc độ tăng trưởng vượt bậc. Nếu năm 2012 khoảng 0,4%, năm 2013: 46,2%, năm 2014: 67,3%, thì đến năm 2015 là 126%. Nhờ món vay nhỏ, cấp vốn linh hoạt, các công ty tài chính đang có độ bao phủ thị trường lớn hơn các NHTM. Hiện nay FE Credit chiếm 53% thị phần, Home Credit 16% thị phần, HD Saison Finance 12% thị phần và Prudential Finance 11%...

Những điều đáng quan tâm hơn là nó đang thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt. Các món vay có giá trị dưới 10 triệu lại là các khoản vay chiếm tỷ trọng cao đối với khách hàng của công ty tài chính. Thị phần hoạt động của công ty tài chính hiện còn rất lớn, bởi một bộ phận lớn dân cư, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và những người có thu nhập thấp khả năng tiếp cận hệ thống NH còn khó khăn. Trong khi đó bản thống kê của StoxPlus cho biết hiện có đến 53 triệu người Việt đang ở độ tuổi lao động chưa có tài khoản NH, thu nhập thấp sẽ là mảng thị phần quan trọng cho vay tiêu dùng.

Song các công ty tài chính hiện cũng đang phải đối mặt với những thách thức về chi phí hoạt động khi thị trường có thêm nhiều đối thủ buộc các DN phải tăng phí hoa hồng tại các điểm bán lẻ hàng hóa mà công ty tài chính phối hợp cho vay mua hàng trả góp. Hơn nữa, chi phí thanh toán, thu hộ nợ góp hiện các công ty tài chính đang phải lệ thuộc vào các phương tiện thanh toán như ví điện tử MoMo, Payoo.

Trong một khảo sát mới đây các công ty tài chính phải trả cho những mô hình thanh toán trung gian này một mức phí từ 5% đến 8% đối với mỗi giao dịch. Điều này dẫn đến sự sụt giảm đáng kể lợi nhuận của các công ty tài chính tiêu dùng.

Vấn đề là các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán như MoMo, Payoo… với lợi thế cơ sở dữ liệu và phương tiện internet hiện có rất nhiều khả năng họ sẽ tham gia thị trường cho vay tiêu dùng trong thời gian tới.

Thêm vào đó các NHTM gần đây cũng đang quan tâm trở lại thị trường cho vay tiêu dùng như một giải pháp cho chiến lược bán lẻ trong tương lai. Trong khi đó lãi suất của các công ty tài chính tiêu dùng hiện nay đang cao hơn lãi suất của các NHTM cho vay tiêu dùng từ 30-60%. Mức độ rủi ro của các công ty tài chính tiêu dùng cao hơn nhiều so với các NHTM. Ngoài ra, vấn đề quản lý tài chính của người tiêu dùng Việt Nam còn hạn chế cũng ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng trả nợ cho những khoản vay phi tiêu chuẩn.

Để vượt qua những thách thức này cần phải có khuôn khổ pháp lý hoàn thiện cho các công ty tài chính hoạt động để cung cấp cho thị trường nhiều hơn nữa các sản phẩm tài chính cá nhân.

Theo TS. Nguyễn Thị Kim Thanh

Thời báo ngân hàng

Đọc tiếp »