Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017

Lại đón “bão” tăng vốn ngân hàng

Các ngân hàng đang lên kế hoạch tăng vốn từ vài trăm tỷ đến vài nghìn tỷ trong năm nay.

Mùa đại hội cổ đông của các ngân hàng lại bắt đầu. Trong các kế hoạch cho năm 2017, một điểm chung dễ nhận thấy của các nhà băng là nhu cầu tăng vốn.

VPBank, dự kiến đại hội cổ đông vào ngày 10/4, cho biết muốn tăng vốn tổng cộng hơn 4.800 tỷ đồng so với năm 2016. Sau đợt tăng vốn đầu năm, thời gian còn lại ngân hàng cần tăng thêm khoảng 3.000 – 4.000 tỷ nữa.

“Với kế hoạch dư nợ tín dụng hơn 200 nghìn tỷ và ảnh hưởng tác động của thông tư 35/t2016-TT-NHNN thì để đảm bảo hệ số CAR của ngân hàng tối thiểu 9%, dự kiến tổng vốn tự có của ngân hàng tối thiểu phải là 18.000 tỷ đồng. Đồng thời, với mục tiêu đảm bảo an toàn vốn theo các chỉ tiêu quản trị nội bô cũng như các cam kết với các đối tác quốc tế và để chuẩn bị cho các kế hoạch kinh doanh mở rộng cho các năm tiếp theo, Ngân hàng liên tục cần tăng trưởng vốn tự có trong hoạt động của mình.

Với vốn điều lệ hiện tại của ngân hàng là 10.765 tỷ đồng và số vốn tự có tương ứng khoảng 15.400 tỷ đồng thì thì trong năm 2017 VPBank cần bổ sung thêm khoảng 3.000 đến 4.000 tỷ đồng vào Vốn điều lệ để đáp ứng các nhu cầu hoạt động của ngân hàng và đảm bảo tuân thủ các tỷ lệ an toàn trong quá trình hoạt động.”

Đó là những gì lãnh đạo VPBank đã gửi gắm tới cổ đông trước thềm đại hội.

Một ngân hàng được xem là đối thủ nặng ký của VPBank trên thị trường – Techcombank- cũng có tham vọng tăng mạnh nguồn vốn trong năm nay. Vốn điều lệ của Techcombank hiện là 8.878 tỷ đồng và muốn nâng lên 13.878 tỷ đồng vào cuối năm bằng cách chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu.

Nếu các phương án nói trên được chấp thuận, VPBank và Techcombank sẽ cùng đưa vốn lên vùng trên dưới 14.000 tỷ đồng, vượt qua quy mô vốn của các ngân hàng Eximbank, SHB và chỉ đứng sau Sacombank (hơn 18.000 tỷ), MB (hơn 17.000 tỷ), SCB (gần 14.300 tỷ) trong nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân.

LienVietPostBank là một trường hợp khác lên kế hoạch tăng vốn năm nay và đã được cổ đông ủng hộ. Năm nay ngân hàng sẽ tăng vốn từ 6.460 lên 7.000 tỷ đồng thông qua phát hành 54 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông một phần (38,76 triệu cổ phiếu) và phần còn lại để chào bán ra công chúng hoặc cho cán bộ nhân viên (15,24 triệu cổ phần).

Ngân hàng ACB cũng lên kế hoạch tăng vốn thêm gần 1.000 tỷ đồng, từ mức hơn 10.200 tỷ hiện nay. Trong tờ trình gửi tới cổ đông chuẩn bị họp vào ngày 10/4, lãnh đạo ngân hàng cho biết việc tăng vốn là cấp thiết vì “các quy định mới của NHNN đều gắn với tỷ lệ giới hạn an toàn chẳng hạn như cấp tín dụng với vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ. Việc tăng vốn sẽ giúp ngân hàng gia tăng các giới hạn liên quan đến cấp tín dụng cho khách hàng, thêm nguồn vốn trung, dài hạn để tài trợ cho các hoạt động tín dụng…và rằng việc tăng vốn sẽ giúp ACB nâng cao năng lực tài chính…”.

Các ngân hàng khác chưa có kế hoạch rõ ràng cho lộ trình tăng vốn năm nay, nhưng quy định của NHNN về giới hạn an toàn là không dành cho riêng một ngân hàng nào mà toàn bộ hệ thống. Vì thế, để đảm bảo được các chỉ tiêu, các ngân hàng không còn cách nào khác là phải nâng vốn điều lệ.

Nhóm các ngân hàng có vốn điều lệ siêu nhỏ (chưa đến 5.000 tỷ) chắc hẳn đang đứng ngồi không yên với các kế hoạch tăng tiềm lực tài chính. Thậm chí áp lực này còn hiện hữu và nặng nề với cả những ngân hàng lớn nhất hệ thống như là VietinBank, Vietcombank và BIDV cũng như các ngân hàng cổ phần tư nhân khác nằm trong nhóm 10 ngân hàng thí điểm áp dụng Basel II kể từ tháng 9/2017.

Và sẽ không ngoa khi nói rằng thị trường sẽ chứng kiến những cơn “bão” tăng vốn điều lệ của các tổ chức tín dụng trong năm nay.

Tùng Lâm

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

NHNN yêu cầu mở rộng tín dụng

NHNN Việt Nam vừa có văn bản (số 2178/NHNN-TD) chỉ đạo các TCTD, yêu cầu tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, tổng giám đốc một NHTM cho biết.

Đặc biệt đáp ứng đầy đủ vốn và kịp thời nhu cầu vốn cho các lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DNNVV, DN ứng dụng công nghệ cao.

Theo đó các TCTD phải xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong mạng lưới của mình phù hợp với chỉ tiêu chung và sớm có xây dựng các quy định cho vay vốn đối với tổ chức và cá nhân theo quy định mới tại Thông tư 39. Ngoài ra, NHNN chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh các chương trình tín dụng quốc gia, như chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn, cho vay đóng mới, nâng cấp tàu khai thác hải sản xa bờ, cho vay tái canh cà phê, cho vay hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch nông - thủy sản…

Đặc biệt các TCTD tiết giảm chi phí để dành nguồn vốn tham gia chương trình tín dụng khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo chủ trương của Chính phủ. Bên cạnh việc mở rộng tín dụng, NHNN yêu cầu các TCTD cải tiến thủ tục hồ sơ tín dụng, tạo điều kiện cho người vay vốn tiếp cận nhanh nhất và kiểm soát an toàn vốn vay bằng nâng cao chất lượng thẩm định, các TCTD phải thường xuyên đánh giá khả năng tài chính và trả nợ của bên vay vốn…

Theo Đ.Hải

Thời báo ngân hàng

Đọc tiếp »

Sau nghỉ lễ, giá vàng bật tăng

Các chuyên gia cho rằng, ở thời điểm nhạy cảm khi thị trường thế giới vẫn chấp chới đan xen xu hướng tăng giảm do ảnh hưởng bởi các thông tin kinh tế chính trị Mỹ – thị trường số 1 thế giới, các nhà đầu tư trong nước nên giao dịch cân đối an toàn, nhằm tối ưu hoá lợi nhuận.

Sáng nay, Công ty VBĐQ Phú Nhuận (PNJ) niêm yết giá vàng miếng tại 3 khu vực Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ ở cùng mức giá 36,40 (Mua vào) – 36,60 (Bán ra) triệu đồng/lượng, giá bán ra tăng 40 nghìn đồng/lượng so với cuối phiên giao dịch chiều ngày hôm qua. Còn tại thị trường Hà Nội giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mức 36,48 (mua vào) - 36,58 (bán ra) triệu đồng/lượng, tăng 60 nghìn đồng/lượng.

Công ty VBĐQ BTMC niêm yết ở mức 36,50– 36,56 triệu đồng/lượng, tăng 50 nghìn đồng/lượng. Tập đoàn VBĐQ DOJI niêm yết ở mức 36,48 – 36,58 triệu đồng/lượng, tăng so với chốt phiên trước 20 nghìn đồng/ lượng ở chiều mua và 40 nghìn đồng/ lượng ở chiều bán.

Nguyên nhân giá vàng miếng trong nước tăng là do giá vàng thế giới sáng nay bất ngờ tăng mạnh hơn 10 USD/ounce, nên đa số các doanh nghiệp kinh doanh vàng chủ động điều chỉnh giá bán ra vàng miếng theo đà tăng của giá vàng thế giới.

Hiện các nhà đầu tư vàng đang trông chờ bảng báo cáo việc làm phi nông nghiệp của Mỹ sẽ được công bố vào tối nay theo giờ Mỹ, nếu số liệu việc làm mới tạo ra trong tháng 3 thấp hơn so với dự đoán thì giá vàng sẽ còn tiếp tục tăng mạnh hơn nữa trong phiên giao dịch tối nay và ngược lại.

Các chuyên gia cho rằng, ở thời điểm nhạy cảm khi thị trường thế giới vẫn chấp chới đan xen xu hướng tăng giảm do ảnh hưởng bởi các thông tin kinh tế chính trị Mỹ – thị trường số 1 thế giới, các nhà đầu tư trong nước nên giao dịch cân đối an toàn, nhằm tối ưu hoá lợi nhuận.

Trên thị trường châu Á, giá vàng hiện đang giao dịch quanh mức 1.260,2 USD/ounce. Quy đổi tương đương 34,6 triệu đồng/lượng, như vậy vàng trong nước hiện vẫn đang cao hơn thế giới khoảng 2 triệu đồng mỗi lượng.

Mai Ngọc

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Khả năng Eximbank sẽ chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Sacombank

Ban lãnh đạo ngân hàng có kế hoạch dự tính bán toàn bộ cổ phần Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) mà Eximbank đang sở hữu.

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - mã: EIB) vừa công bố dự thảo tài liệu phục vụ phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2017, trong đó có kế hoạch dự tính chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) mà Eximbank đang sở hữu.

Cụ thể, theo nội dung tờ trình, Eximbank có kế hoạch trên trước hết nhằm đảm bảo yêu cầu trong Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước, về giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, với quy định: “Ngân hàng thương mại chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu của một tổ chức tín dụng khác dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của tổ chức tín dụng khác đó”.

Tại đại hội năm nay, Hội đồng Quản trị Eximbank trình cụ thể kế hoạch chuyển nhượng cổ phần tại Sacombank.

Hiện Eximbank đang nắm hơn 165 triệu cp STB, tương đương 8,76% cổ phần Sacombank.

Đáng chú ý, Hội đồng Quản trị Eximbank cho biết, trường hợp giá giao dịch cổ phiếu STB của Sacombank dự kiến tăng nhiều hơn so với giá hiện tại (12.400 đồng tại ngày 4/4/2017), thì có khả năng sẽ làm tổng giá trị giao dịch bán cổ phiếu STB vượt 20% vốn điều lệ Eximbank ghi trong báo cáo tài chính kiểm toán gần nhất.

Theo đó, Hội đồng Quản trị Eximbank trình đại hội đồng cổ đông dự kiến tổ chức sắp tới thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Sacombank do Eximbank sở hữu trong trường hợp tổng giá trị giao dịch bán cổ phần này tại Sacombank từ 20% trở lên so với vốn điều lệ của Eximbank ghi trong báo cáo tài chính kiểm toán gần nhất.

Kim Tiền

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

“Phát hờn” với cổ phiếu ngân hàng

Nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tăng giá hơn 30%, thậm chí 50% từ đầu năm tới nay, gấp 3-5 lần mức tăng chung của toàn thị trường.

Thị trường chứng khoán 2017 đã có những bứt phá ấn tượng với nhiều nhóm ngành thăng hoa. Chỉ số VN-Index ngày 7/4 đã lên tới 726 điểm, tăng khoảng 9% so với đầu năm.

Trong số các nhóm ngành tăng mạnh có các cổ phiếu ngân hàng. Thống kê cho thấy, nhiều ngân hàng đã đạt mức tăng hai chữ số, cao hơn nhiều mức tăng bình quân của thị trường, thậm chí có những cổ phiếu ngân hàng tăng gấp 4-5 lần mức tăng của chỉ số VN Index.

SHB là một ví dụ. Từ mức giá 4.700 đồng hồi đầu năm, cổ phiếu SHB đã tăng một mạch lên quanh 6.000 đồng, mức tăng tới 27%. Khối lượng giao dịch các phiên đều nằm trong top đầu của sàn HNX, bên cạnh nhiều phiên thỏa thuận với đơn vị tính bằng triệu cổ phiếu. Đây là hiện tượng khá lạ của cổ phiếu này khi trong một thời gian dài, SHB chỉ có đi ngang, thậm chí vùng giá quanh mức 5.000 đồng/cổ phiếu vẫn chưa thoát được kể từ tháng 8 năm ngoái cùng đáy thiết lập gần 4.000 đồng hồi tháng 11/2016.

Sự lạ ấy có thể được lý giải bởi kỳ vọng của nhà đầu tư vào những tương lai tươi sáng hơn của ngân hàng này khi con số lợi nhuận nghìn tỷ đã trở lại trong năm vừa qua. Song đâu đó người ta cũng hi vọng những “pha cứu giá” với lượng lớn cổ phiếu dự định mua của cổ đông nội bộ sẽ đẩy cổ phiếu này thoát khỏi “vùng chết”.

ACB là một trường hợp khác. Từ đầu năm tới nay cổ phiếu này đã tăng khoảng 35% giá trị, từ mức 18.500 đồng lên quanh 25.000 đồng. Diễn biến của ACB được giới quan sát cho rằng đó là nhờ những kỳ vọng vào kết quả kinh doanh và tình hình ngày càng sáng của ngân hàng. ACB được cho là đang trên đà phục hồi mạnh mẽ sau “cú sốc bầu Kiên” hồi 2012. Dù phải mất tới 4 năm để vượt qua sóng gió song ACB đang dần lấy lại niềm tin của nhà đầu tư với lợi nhuận năm vừa rồi đạt hơn 1.600 tỷ và dự định sẽ đạt trên 2.200 tỷ trong năm nay. Các khoản dư nợ tới hơn 6.000 tỷ liên quan nhóm bầu Kiên được ngân hàng đưa ra lộ trình xử lý dứt điểm trong năm 2017, thay vì năm 2018 như dự kiến ban đầu. Các khoản nợ tổng cộng hơn 1.000 tỷ liên quan đến 2 ngân hàng 0 đồng cũng đang có nhiều khả quan.

Cổ phiếu EIB của Eximbank dù không tạo ra sự chú ý nào thời gian qua bằng những đợt sóng giá hay lượng giao dịch song cũng cần mẫn đi lên và đã tăng tổng cộng tới…25% so với đầu năm, hiện ở quanh vùng 12.200 đồng/cổ phiếu. Eximbank năm nay sẽ hoàn tất nhân sự cấp cao – vấn đề vốn đã tiêu tốn của ngân hàng này không ít thời gian suốt từ 2015 tới nay. Nhiều dự báo cho rằng, nhân sự sau khi ổn định, ngân hàng sẽ có những bước đi đột phá như vốn dĩ những gì đã thể hiện ở ngân hàng ngày giai đoạn 2012 trở về trước.

Song hơn tất cả, Sacombank mới là cái tên được nhắc nhiều trong thời gian gần đây. Ngân hàng là anh cả của khối cổ phần một thời này thu hút sự chú ý của thị trường ngay từ đầu năm với kế hoạch tái cơ cấu mà vị đại diện NHNN nhắc tới trong cuộc họp báo ngày 4/1. Sự chuyển giao về trách nhiệm quản trị điều hành trở nên rõ ràng hơn sau khi cha con ông Trầm Bê thôi quản trị và điều hành ngân hàng từ tháng 2. Ngoài sự hỗ trợ của NHNN với ngân hàng thì những kỳ vọng về nhóm cổ đông mới, và cả người cũ của ngân hàng là cựu chủ tịch Đặng Văn Thành, sẽ trở lại lèo lái con thuyền Sacombank cũng làm nhà đầu tư phấn chấn hơn. Từ mức giá chỉ 8.700 đồng/cổ phiếu, STB của Sacombank nay đã tăng tổng cộng tới 50%, lên 13.150 đồng/cổ phiếu.

Các cổ phiếu khác dù không có mức tăng trên dưới 30% nhưng cũng tăng trưởng nhiều hơn so với mức tăng chung của thị trường từ đầu năm tới nay như BID của BIDV, CTG của VietinBank hay VIB của VIB.

Đó là chuyện cổ phiếu trên sàn. Còn những cổ phiếu chưa niêm yết cũng đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư như VPBank, Lienvietpostbank hay Techcombank.

Theo một nhà đầu tư chuyên đổ tiền vào các cổ phiếu ngân hàng chưa niêm yết, làn sóng săn cổ phiếu ngân hàng gần đây khá rầm rộ. Dường như người ta lạc quan hơn về bức tranh ngân hàng cũng như sự trở lại của cổ phiếu vua một thời này. Có những cổ phiếu chứng kiến tăng từng ngày, như Techcombank đang giao dịch trên sàn OTC ở mức gần 30.000 đồng trong khi VPBank cũng không dưới 22.000 đồng/cổ phiếu – mức cao hơn nhiều so với cổ phiếu của các ông lớn ngân hàng khác. Các cổ phiếu một thời gian bị giao dịch dưới mệnh giá khác giờ đây cũng vượt qua mệnh giá như là HDBank, Lienvietpostbank cùng nhiều nhu cầu chào mua.

Tùng Lâm

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Eximbank sẽ trích lãi hằng năm để khắc phục khoản lỗ từ Eximland

Eximbank dự kiến sẽ thu hồi các quỹ đã trích lập, dùng lợi nhuận hằng năm để bù số lỗ gay ra từ khoản này… để khắc phục số tiền gây ra từ Eximland.

Theo kết luận Thanh tra số 34 (năm 2015) của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, từ năm 2010 – 2013, thông qua việc bán các bất động sản cho Eximland, Eximbank đã ghi nhận thu nhập (không phải từ hoạt động kinh doanh) tổng cộng trên 1.116 tỷ đồng.

Năm 2014, Eximbank đã tự khắc phục được 284 tỷ đồng, còn 831 tỷ đồng phải tiếp tục chỉnh sửa. Khoản thu nhập này được sử dụng như sau:

- Nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 207,92 tỷ đồng.

- Trích quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và quỹ dự phòng tài chính theo luật định 91,55 tỷ đồng.

- Trích quỹ khen thưởng và phúc lợi 45,54 tỷ đồng

- Chia cổ tức cho cổ đông 486,82 tỷ đồng.

Các khoản chi phí liên quan để thực hiện giao dịch này (thuế giá trị gia tăng, thuế trước bạ…) 116, 74 tỷ đồng.

Tổng cộng các khoản liên quan đến vấn đề này là 948,57 tỷ đồng.

Thanh tra Ngân hàng Nhà nước kết luận “Eximbank bán các bất động sản và đưa khoản lợi nhuận từ chênh lệch giá mua và giá bán vào thu nhập là chưa đúng quy định và Thanh tra yêu cầu Hội đồng quản trị phải xin ý kiến đại hội đồng cổ đông để thông qua phương án khắc phục”.

Eximbank đã xử lý trên cơ sở kết luận Thanh tra và khuyến nghị của kiểm toán độc lập như sau:

Tại đại hội đồng cổ đông bất thường 2015, phương án do Hội đồng quản trị Eximbank nhiệm kỳ trước đưa ra chưa được thông qua. Do vậy, hội đồng quản trị mới thực hiện hạch toán hồi tố đúng theo nguyên tắc kế toán.

Theo đó, ngoài số đã được khắc phục đến ngày 31/12/2014, Eximbank đã hạch toán điều chỉnh hồi tố giảm lợi nhuận tại ngày 31/12/2014 là 948, 57 tỷ đồng. Việc điều chỉnh này đã được công ty kiểm toán độc lập KPMG xác nhận là phù hợp và được áp dụng một cách hợp lý.

Thực hiện việc thu hồi các quỹ đã trích và đề nghị khấu trừ để thu hồi đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp đối với khoản tiền 345 tỷ đồng.

Bù đắp lợi nhuận giữ lại đến ngày 31/12/2014 (sau khi trích lập quỹ phúc lợi từ lợi nhuận năm 2014) là 99 tỷ đồng.

Số lỗ lũy kế còn lại 504,56 tỷ đồng sẽ được bù đắp từ lợi nhuận sau thuế hằng năm sau khi trích lập các quỹ theo quy định của pháp luật và điều lệ của Eximbank.

Theo Hoàng Anh

Bizlive

Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2016

“Ngân sách xử lý nợ xấu đâu phải cho không, biếu không”

Đã đến lúc nợ xấu phải được đặt ra như một vấn đề cấp bách, để tìm cách xử lý nhanh...

Sau 5 năm, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục xây dựng đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, giai đoạn hai. Theo TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, lõi của tái cơ cấu ngân hàng vẫn là xử lý cho được nợ xấu.

Ông Phước cho rằng, cần xem xét tạo các nguồn lực để thúc đẩy nhanh quá trình và kết quả, còn việc xem nợ xấu do ngân hàng gây ra và phải tự xử lý là một quan điểm nông nổi.

Nhu cầu cấp bách

Thưa ông, sau 5 năm, thực tế nợ xấu vẫn gây quan ngại lớn và chủ yếu vẫn là các ngân hàng thương mại tự xử lý. Để đẩy nhanh hơn, triệt để hơn, theo ông có nên tìm kiếm giải pháp tạo những nguồn lực khác nữa không?

Thời gian qua đã có nhiều cách tiếp cận rồi. Vay nước ngoài về thì không được, vì nhiều ràng buộc. Dùng ngân sách thì không có sự đồng thuận của xã hội.

Nhưng, yêu cầu đặt ra là phải xử lý nợ xấu càng nhanh càng tốt. Cứ để lâu dài thì sức cạnh tranh của nền kinh tế yếu kém đi, vốn và chi phí vốn của doanh nghiệp vẫn rất cao, đặc biệt là trong một nền kinh tế mà tín dụng nội địa vẫn là nguồn đóng góp lớn, như là dòng máu chủ đạo dẫn vào cơ thể.

Vì thế này thế kia mà chúng ta vẫn chưa xử lý được một cách tương đối triệt để thì cơ thể đó dù vẫn sống, nhưng xanh xao, gầy yếu. Cái này thì ai cũng biết rồi.

Và đến nay vẫn có quan điểm, nợ xấu do ngân hàng gây ra thì các ngân hàng tự chịu. Tôi cho quan điểm đó là nông nổi. Họ vẫn cứ tự xử lý bao năm nay. Nếu cứ chấp nhận tình trạng này, cứ để họ tự xử lý. Thiệt hại là cổ đông và nhân viên ngân hàng sụt giảm cổ tức, lương bổng. Nhưng thiệt hại lớn hàng trăm lần là đối với nền kinh tế.

Vậy theo quan điểm của ông, xử lý nợ xấu là trách nhiệm chung của nền kinh tế?

Chúng ta thấy mấy chục năm đổi mới của nền kinh tế Việt Nam có sự đóng góp lớn của ngành ngân hàng chứ, là kênh dẫn vốn chủ đạo cho nền kinh tế. Mà trước đây chúng ta đâu có nhiều vốn ODA và FDI đâu.

Hàng chục năm trước, cũng vẫn những chiếc xe bò cọc cạch ấy đã chở bao nhiêu vật liệu để xây dựng cái nhà chúng ta. Không nên phụ cái xe bò cọc cạch ấy. Nói đi phải nói lại, phải nhìn nhận cái đó cho công tâm.

Nay cái xe bò đó bị rơi xuống hố, do người điều khiển nó, nhưng không vì thế mà quay lưng bỏ mặc nó sau khi đã và đang chuyên chở bao nhiêu nguồn lực cho chúng ta.

Bây giờ phải sử dụng một nguồn lực tổng hợp, rồi vẫn phải bàn đi bàn lại, đặt lên đặt xuống vấn đề này. Dù bàn mãi, đặt lên đặt xuống mãi thì nhu cầu cấp bách vẫn là phải xử lý nhanh và tương đối triệt để nợ xấu, trong những điều kiện có thể được.

Theo tôi, có lẽ cần xem xét lại nhận thức đúng đắn, nghiêm túc về một câu chuyện rất lớn của đất nước. Đã đến lúc phải được đặt ra như một vấn đề cấp bách, phải xử lý nhanh.

Những điều kiện có thể được, cụ thể là như thế nào?

Trước hết chúng ta cân đối xem, một bên là khối lượng nợ xấu, một bên là các tài sản đảm bảo cho nợ xấu. Đâu phải nợ xấu là một khối lượng tiền đã mất. Phải làm rõ là bên cạnh nợ xấu thì các tài sản đảm bảo chưa hẳn là xấu. Một khoản vay 10 tỷ, tài sản đảm bảo là ngôi nhà. 10 tỷ đó là nợ xấu, nhưng ngôi nhà đó có gì xấu.

Vậy thì câu chuyện đặt ra là gì? Bây giờ tính toán cân đối lại giữa tổng nợ xấu với giá trị tài sản đảm bảo cho nó thực tế như thế nào, tình trạng pháp lý như thế nào. Bước đầu là tạo điều kiện để làm sao những tài sản đảm bảo đó có thể lưu động được, có thể bán được. Đó là xem xét điều chỉnh hệ thống pháp luật.

Thứ nữa, nếu như nó đã đầy đủ điều kiện rồi, thực tế trong đó có nhiều tài sản đảm bảo có đủ điều kiện rồi, nhưng vẫn không bán được. Thì đó là do thị trường, sức cầu và giá cả, có thêm yếu tố nữa là dòng vốn đâu trong nền kinh tế này.

Nói tóm lại, trước hết chúng ta xử lý các vấn đề kỹ thuật của câu chuyện tương quan nợ xấu với tài sản đảm bảo cho nó. Muốn làm cái này trước hết là vai trò của hệ thống pháp luật, phải hỗ trợ cho các bên để hoàn chỉnh tính pháp lý.

Rồi chúng ta phải tạo điều kiện cho người mua, người bán thông qua thị trường mua bán nợ, mua bán các tài sản đảm bảo sao cho thuận lợi. Ví dụ như có giải pháp kích thích cho thị trường này chẳng hạn như không đánh thuế. Và để kích thích thị trường này thì cần phải có tiền.

Bốn nguồn lực khả thi

Phải có tiền, nhưng ngoài các ngân hàng tự trích lập dự phòng và xử lý, mấy năm nay vẫn chưa có điểm gợi mở về nguồn lực mới, thưa ông.

Chúng ta có thể xem xét ở bốn kênh tạo nguồn lực tổng hợp, hỗ trợ để xử lý nhanh và tương đối triệt để nợ xấu.

Đó là tín dụng từ ngân sách, tạm ứng ra một khoản vốn, điều mà bấy lâu nay vẫn có định kiến nhầm lẫn rằng ngân sách là cho không, biếu không.

Nguồn lực thứ hai chúng ta đều biết là Ngân hàng Nhà nước có thể điều tiết cung tiền thông qua các công cụ, như là tái cấp vốn. Ngay cái từ “tái cấp vốn” cũng đã nhạy cảm. Thực ra cấp nhưng không phải là cấp. Nó bị định kiến là khi Ngân hàng Nhà nước cho vay một tổ chức tín dụng, gọi là tái cấp vốn, làm người ta nhầm tưởng cũng là cấp không. Thực ra đây là một khoản tín dụng dựa trên các tài sản đảm bảo. Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể sử dụng một mức độ nhất định nguồn này để sao cho không tạo ra áp lực đối với lạm phát.

Nguồn lực thứ ba là trong dân. Có cách nào đó để huy động vốn trong dân để sử dụng vào việc cùng chữa căn bệnh của quốc gia là nợ xấu. Người dân cũng được thừa hưởng thông qua sự huy động này.

Hay chúng ta tạo điều kiện cho các nguồn lực bên ngoài vào, phát hành giấy tờ có giá, lập định chế quỹ để huy động nguồn lực để xử lý nợ xấu.

Đó là bốn cách tiếp cận truyền thống, tương đối khả thi, không lệch sang một cách nào, mà theo những liều lượng hợp lý và tính khả thi của nó. Tất cả để nhằm vào yêu cầu khẩn trương xử lý nợ xấu, vì càng để lâu thì càng bất lợi cho nền kinh tế.

Đây không phải là vấn đề riêng của hệ thống ngân hàng, bởi nền kinh tế này tín dụng nội địa vẫn là chủ yếu, khoảng trên 110% GDP.

Trong bốn hướng trên, sử dụng ngân sách Nhà nước tham gia xử lý nợ xấu có khả thi không, khi mà nó luôn có phản ứng không đồng thuận trong xã hội?

Khái niệm tham gia là gì? Hình như gần đây nó được hiểu một cách nhầm lẫn là dùng ngân sách để cho không các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp, các cá nhân vay vốn. Theo ý kiến riêng tôi, nếu hiểu như vậy thì sai lầm.

Sử dụng ngân sách ở đây như là một loại tín dụng nhà nước. Nhà nước cho vay. Đã cho vay thì phải thu hồi, không phải cho vay bằng bất cứ giá nào, vẫn phải lượng định những rủi ro, phải tính toán cho vay như thế nào để không bị tổn thất.

Nếu ngân sách cho các ngân hàng thương mại vay để xử lý nợ xấu, đương nhiên phải tính toán tài sản đảm bảo là cái gì. Tôi nhấn mạnh khái niệm tín dụng Nhà nước khi ta nói sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu, có những điều kiện đảm bảo, dù không ai khẳng định là không có rủi ro.

Nhưng ngân sách là tiền thuế của dân, nếu dùng thì đổi lại sẽ được gì?

Khi nói đến ngân sách luôn luôn chúng ta bị ấn tượng rằng ngân sách là cấp phát, cứ như mặc định là cho không. Cho nên khi nói dùng ngân sách để xử lý nợ xấu thì làm cho người ta có định kiến là dùng để xóa nợ cho các ngân hàng thương mại, mà thực ra là cho các doanh nghiệp, cá nhân vay có nợ xấu.

Vậy nên mới sinh ra câu chuyện ngân sách từ đâu, từ đóng thuế, người dân đóng thuế. Rồi góc nhìn người nghèo đóng thuế để lấy trợ cấp cho người giàu. Theo tôi, đây là một cách tiếp cận phiến diện và sai lầm.

Trước những định kiến đó, những năm qua và cho đến nay chúng ta vẫn chủ yếu để cho các tổ chức tín dụng tự xử lý nợ xấu. Trong 5 năm nay họ vẫn tự xử lý đó thôi. Không tổ chức tín dụng nào lăn đùng ra chết cả, còn nếu có thì lại là câu chuyện khác… Nhưng hệ quả họ tự xử lý nợ xấu là lợi nhuận thấp xuống, vì phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều, ngân sách thu theo đó ít đi.

Tôi lấy ví dụ, trước đây lợi nhuận một ngân hàng bình thường cỡ 1.000 tỷ thì đóng thuế 250 tỷ, bây giờ lợi nhuận chỉ còn 100 tỷ thì chỉ đóng có 25 tỷ mà thôi. Nên chúng ta tưởng rằng để cho các tổ chức tín dụng tự xử lý nợ xấu thì không mất gì, nhưng ngân sách mất rất nhiều.

Trước đây thông thường toàn hệ thống ngân hàng lãi khoảng 120.000 tỷ, đến nay chỉ còn khoảng 30.000 tỷ, mất 90.000 tỷ, tức ngân sách mất thu khoảng 22.500 tỷ.

Còn nếu sử dụng ngân sách, nói tới nói lui thì sử dụng ngân sách ở đây là tín dụng Nhà nước, không phải cho không biếu không, mà có vai trò như bắc một cây cầu trên một dòng sông, không có nó thì không thể từ bờ nợ xấu bên này qua bờ nợ tốt bên kia nhanh được.

Và với quan hệ lãi suất, nợ xấu giảm thì tạo điều kiện để lãi suất giảm, chi phí vay vốn giảm để tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp vay vốn, cho nền kinh tế. Điều chúng ta thấy, trong bối cảnh lạm phát thấp mà chi phí vay vốn của doanh nghiệp vẫn rất cao như vậy, một nguyên do lớn nằm ở nợ xấu.

Tính toán mức độ có thể được

Trong trường hợp sử dụng ngân sách, không phải là cho không biếu không, thì cách thức triển khai thế nào, thưa ông?

Dùng nguồn ngân sách đó cho tổ chức tín dụng vay trong 5-10 năm với một mức lãi suất nào đó. Sau 5-10 năm, các tổ chức tín dụng bán được các tài sản đảm bảo để trả lại.

Hoặc chúng ta có thể phát hành một loại trái phiếu đặc biệt gọi là trái phiếu xử lý nợ xấu, mọi tổ chức cá nhân đều có thể tham gia mua. Đương nhiên ở đây liên quan đến một vấn đề hệ trọng, là tác động đến cầu tiền - cung tiền như thế nào để không gây ra những ảnh hưởng lớn tới ổn định tiền tệ vĩ mô.

Lãi suất trái phiếu cũng bằng lãi suất cho vay lại các tổ chức tín dụng, ngân sách không mất gì cả. Nhưng không phải là ngân sách không được gì, vì nếu xử lý được nợ xấu, như trên, ngân hàng lãi hơn sẽ đóng góp ngân sách nhiều hơn.

Như ông đề cập ở trên, giả sử dùng một phần ngân sách hay huy động nguồn lực trong dân, thì ràng buộc lớn là vấn đề trần nợ công…

Ở đây cần tính toán các phương án, mức độ có thể được. Cũng cần xem vốn huy động để xử lý nợ xấu có là nợ công hay không. Nếu làm thì hẳn sẽ có những đề án, tính toán liều lượng cụ thể. Chứ không lẽ đụng vào cái gì cũng không được, rồi ngồi im chờ chết sao.

Theo Minh Đức

VnEconomy

Đọc tiếp »