Thứ Tư, 7 tháng 9, 2016

Tín dụng tiêu dùng gây chú ý vì dễ vay, linh hoạt

Ở Việt Nam, dịch vụ này chỉ mới nở rộ trong thời gian gần đây và chiếm khoảng gần 12%/tổng dư nợ, nhưng cho vay tiêu dùng gây chú vì điều kiện hấp dẫn nhưng lãi suất luôn cao.

“Cho vay tiêu dùng được nhận định là lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng để phát triển, tuy nhiên do công tác truyền thông chưa tốt nên không mấy người tường tận về bản chất của tín dụng tiêu dùng” - Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Chiến lược ngân hàng khẳng định như vậy khi trao đổi với PV .

PV: Thưa ông, gần đây trong dư luận đang lùm xùm câu chuyện lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính (CTTC) quá cao. Là chuyên gia trong lĩnh vực này, ông nhận định ra sao về vấn đề này?

Ông Phạm Xuân Hoè: Gần đây tôi cũng có nghe nhắc tới và có trực tiếp theo dõi một số vụ việc liên quan đến phàn nàn của khách hàng rằng lãi suất vay tiêu dùng của các CTTC quá cao. Qua quan sát, tôi khẳng định rằng đây là nhóm khách hàng có mức độ rủi ro cao, nên khi ký hợp đồng vay họ phải chịu lãi suất cao hơn một số nhóm khách hàng khác. Theo thống kê của một số các CTTC thì cho thấy, khoản vay có lãi suất cao chỉ cỡ khoảng trên 10%/tổng dư nợ. Như vậy số khách hàng phải chịu mức lãi suất cao là không quá lớn trong tổng thể cho vay tiêu dùng của các CTTC.

PV: Từng trực tiếp làm việc tại ngân hàng thương mại (NHTM), nay chuyển sang làm công tác nghiên cứu, xây dựng chính sách, ông có thể cho biết rõ nguyên nhân nào khiến lãi suất cho vay tiêu dùng lại cao?

Ông Phạm Xuân Hoè: Theo tôi, ngoài yếu tố rủi ro dẫn tới lãi suất cao, hoạt động định giá cho vay tiêu dùng cũng rất khác với các lĩnh vực cho vay khác.

Thứ nhất nguồn lãi suất đầu vào của các CTTC thường cao, bởi do không được phép huy động tiền gửi từ dân cư, nguồn vốn hoạt động của họ chủ yếu bằng vốn tự có hoặc thông qua phát hành trái phiếu trên thị trường.

Thứ hai, chi phí hoạt động của các CTTC là khá cao do bởi tuy trụ sở chính ở các thành phố lớn nhưng điểm giới thiệu dịch vụ và cho vay của họ lại trải khắp toàn quốc, đặc thù đó buộc họ phải thiết lập được một đội ngũ nhân viên hùng hậu và đông đảo để đáp ứng được mọi nhu cầu của người dân. Trong khi, một món vay dù lớn hay nhỏ lẻ cũng phải trải qua quy trình làm hồ sơ, cho dù thủ tục của CTTC có đơn giản hơn so với các NHTM song vẫn phải thiết lập một bộ máy để quản lý, theo dõi món vay, làm thủ tục cho vay...

Ví như với món vay 1 triệu đồng thì chi phí công tác trả cho cán bộ tín dụng ở CTTC là 50.000 đồng. Theo đó, phí lãi suất sẽ là 5%/năm; cộng với mua bản vấn tin của Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia (CIC) khoảng 30-50 nghìn đồng. Chỉ riêng chừng đó thôi cộng lại cũng đã đẩy lãi suất lên cao hơn so với lãi suất của NHTM..

Thứ ba, khác với NHTM, CTTC phải trích phần bù rủi ro tín dụng. Bởi vì, phần lớn khách hàng của họ đều là những người dưới chuẩn vay ngân hàng, các món vay lại chủ yếu là thông qua tín chấp bằng giấy tờ tùy thân, cho nên rủi ro đối với món vay đó sẽ rất cao. Theo nguyên lý, để thống kê rủi ro, CTTC phải thống kê rủi ro trong lịch sử, xác suất vỡ nợ của khách hàng là bao nhiêu, sau đó tính ra được phần bù rủi ro. Và khoản bù rủi ro này sẽ cộng vào lãi suất món vay.

Thứ tư, là phần bù rủi ro thanh khoản. Khi các CTTC thực hiện các khoản cho vay trung dài hạn, mua xe máy, phương tiện đắt tiền, thì rõ ràng món vay cũng đã mang tính chất có thời hạn trung hạn, trong khi nguồn vốn các công ty TCTD huy động qua trái phiếu cùng lắm cũng chỉ 1 năm. Như vậy, họ phải quay 3 lần, 5 lần nguồn vốn huy động 1 năm mới đáp ứng được nhu cầu khoản vay từ 3-5 năm. Chính điều này đã làm chi phí cho phần thanh khoản gia tăng, khiến cho lãi suất vay tiêu dùng tăng.

Cuối cùng là lợi nhuận biên của CTTC trong bán lẻ rõ ràng bao giờ cũng phải đạt tỷ lệ cao hơn. Do tích góp món rất nhỏ, cho nên nếu không có lợi nhuận biên cao thì CTTC không đủ bù đắp hoàn vốn cũng như tích lũy vốn cho mình, chưa kể đã là doanh nghiệp thì họ còn phải đóng thuế…

PV: Nói như vậy, yêu cầu mà khách hàng đặt ra cho CTTC đang có phần khắt khe, thưa ông?

Ông Phạm Xuân Hoè: Ở đây, chúng ta cần phải tách bạch rõ ràng giữa những chính sách hỗ trợ với cho vay theo nguyên tắc của kinh tế thị trường. Đã kinh doanh thì buộc phải tuân theo nguyên lý thị trường, lợi nhuận phải đủ bù đắp chi phí và rủi ro, tái tạo bộ máy phát triển và đóng góp nghĩa vụ vào ngân sách nhà nước. Nghĩa là, đã kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, nguyên tắc tiên quyết là không được lẫn lộn trong câu chuyện bảo vệ người yếu thế, thu nhập thấp trong việc chủ động chính sách. Nếu không khách quan, không cẩn thận sẽ làm méo mó về mặt chính sách!

Trên thực tế, sự đóng góp của tín dụng tiêu dùng đối với nền kinh tế là không nhỏ, nó đã mang lại nhiều điều tốt đẹp, hỗ trợ cho người vay, giúp nhiều hộ gia đình công nhân tích lũy tài sản, chi tiêu thông minh nhất. Ví như hai vợ chồng cùng làm công nhân ở khu công nghiệp. Với tổng thu nhập từ 7-8 triệu đồng/tháng, nếu muốn mua 1 chiếc xe máy có giá 15 triệu đồng thì phải tiết kiệm trong thời gian rất lâu mới có thể mua được. Tuy nhiên, khi vay tín dụng tiêu dùng, họ sẽ được sở hữu ngay chiếc xe máy mình cần và chỉ việc tích lũy trả dần bằng chính thu nhập của mình. Về mặt vi mô, điều này đã tác động tích cực tới việc tích lũy tài sản, khiến cho việc chi tiêu có kế hoạch hơn, thông minh hơn trong cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, cũng có thể có một số trường hợp, tình huống là khi được CTTC giải quyết nhu cầu vay, khách hàngquên không nghiên cứu kỹ hợp đồng mà cứ thế ký. Đến khi muốn trả trước món nợ vay thì bị tính phí trả trước, hoặc quá hạn lại bị tính lãi phạt thì kêu ca phàn nàn là CTTC không thông báo rõ những quy định trên. Tuy nhiên, cuộc sống muôn màu, muôn vẻ, có mặt tốt thì tất yếu sẽ có mặt không mong muốn xảy ra, không bao giờ sự việc tròn vo và đẹp đẽ ngay được..

PV: Vậy theo ông, phải làm sao để có thể hài hòa lợi ích của cả khách hàng lẫn CTTC, nhất là để khách hàng tự bảo vệ mình khi thực hiện hợp đồng vay vốn?

Ông Phạm Xuân Hoè: Ở đây, chúng ta phải đề cập tới câu chuyện giáo dục tài chính toàn diện cho người dân, trong đó có vai trò của các cơ quan nhà nước, cũng như của các cơ quan truyền thông, để giúp người dân tiếp cận được những kiến thức đơn giản về tài chính. Cách quản lý đơn giản nhất là phải minh bạch những điểm mấu chốt như: niêm yết lãi suất, phương thức thu hồi lãi, phí phạt, phí trả trước…

Tóm lại là tất cả những nội dung quan trọng để quan hệ giữa khách hàng và tổ chức cho vay phải thực sự bình đẳng, không thiên vị bất cứ bên nào. Vì đây là hợp đồng dân sự thỏa thuận, nên phải khách quan giữa hai bên. Khi các cơ quan nhà nước quan tâm chuẩn hóa các hợp đồng, thì tự họ sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật. Làm như vậy thì thị trường sẽ tự giải quyết, còn bàn tay của Nhà nước là kiến tạo, quản lý nó theo xu hướng phát triển.

Hiện nay ở một số nước như Philipines, Ấn Độ, Malaysia… tỷ lệ cho vay tiêu dùng chiếm tới 25-30%/tổng dư nợ. Tuy nhiên, ở Việt Nam, dịch vụ này chỉ mới nở rộ trong thời gian gần đây và chiếm khoảng gần 12%/tổng dư nợ (Số liệu đến cuối năm 2015). Như vậy, mức độ tăng trưởng là rất thấp so với các nước và còn có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Xét về ý nghĩa đối với kinh tế vĩ mô, vay tiêu dùng đã góp phần kích cầu, tăng tổng cầu, hỗ trợ phát triển kinh tế, trong khi về ý nghĩa vi mô, nó đã giúp cho một nhóm khách hàng không đủ các điều kiện đáp ứng được chuẩn rủi ro của NHTM thì chuyển sang vay các công ty tài chính hay các công ty phi tài chính.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Đức Kiên (thực hiện)

Infonet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét