Một trong những điểm gây bàn cãi trong Dự thảo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đề xuất sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu. Liệu đề xuất này có khả thi? Và làm sao để sử dụng ngân sách xử lý nợ xấu?
Đề xuất sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó có ý kiến cho rằng: dùng ngân sách xử lý nợ xấu là “dùng tiền công lo việc tư”.
Trả lời ý kiến trên, ông Dương Quốc Anh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Ủy ban Kinh tế chưa nhận được tờ trình nào về vấn đề này.
Tuy nhiên, theo ông Quốc Anh, kinh nghiệm của các nước là các tổ chức tín dụng phải có trách nhiệm xử lý nợ xấu. Nếu trong điều kiện khủng hoảng, các ngân hàng, tổ chức tín dụng không xử lý nổi nợ xấu thì sẽ bán lại cho cơ quan quản lý nợ xấu nhà nước theo giá thị trường.
“Ở nước ta hiện nay cũng đang hành xử với nợ xấu ngân hàng theo cách này”, ông Quốc Anh nhận định.
Chúng ta cần xác định có 4 nguồn chính cung cấp nguồn lực cho quốc gia: từ hộ gia đình, từ doanh nghiệp, từ ngân sách và từ nhà đầu tư nước ngoài, ông Quốc Anh cho biết.
Tuy nhiên, ông cũng nhận định “Nguồn lực để xử lý được nợ xấu hiện nay ở nước ta chủ yếu phải dựa vào ngân sách nhà nước”. Bởi doanh nghiệp trong nước còn nhỏ yếu, nhà đầu tư nước ngoài thì vướng ở quyền sử dụng đất nên họ không mặn mà.
Xử lý nợ xấu ở Việt Nam qua vài năm đã hiện ra nhiều vướng mắc, khó khăn. Đó cũng là lý do tại sao nợ xấu ở VAMC vẫn rối như mớ bòng bong. Vậy, nút thắt của nợ xấu ở đâu?
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết: Từ trước tới giờ Việt Nam chưa thực sự có thị trường mua bán nợ xấu. Mua nợ xấu ở đây vẫn là VAMC mua, rồi phát hành trái phiếu đặc biệt cho ngân hàng. Vậy là, dù bán nợ đi nhưng ngân hàng không được gì ngoài tờ giấy trái phiếu đặc biệt. “VAMC chỉ như bãi đỗ xe của nợ xấu mà thôi”.
Nhận xét về đề xuất dùng ngân sách xử lý nợ xấu, ông Hiếu cho rằng đây là một phương án rất khả thi. Tuy nhiên, phải có phương án rõ ràng.
“Chúng ta cần xây dựng thị trường mua bán nợ xấu minh bạch, rõ ràng và mang tính thị trường. Nghĩa là nợ xấu được mua bằng tiền tươi thóc thật, ngân hàng bán nợ xấu sẽ nhận được tiền mặt”, ông Hiếu hiến kế.
Phân tích thêm, ông Hiếu cho biết: từ trước tới giờ VAMC mua với giá trị nợ xấu trên giấy tờ, trừ chi phí dự phòng. Bây giờ, dùng ngân sách thì cần mua bằng giá thị trường, giá trị thật của khoản nợ. “Nghĩa là bây giờ mua nợ xấu cần triết khấu và triết khấu có thể lên tới 90%, còn lại 10% giá trị thực”.
“Nếu không làm được như vậy thì khó mà đi vào thực chất của vấn đề”, ông Hiếu khẳng định.
Trước quan ngại về vấn đề, nếu triết khấu và mua với giá trị thấp như vậy thì các ngân hàng sẽ “thiệt hại” lớn, ông Hiếu cho biết: “Đây đúng là sự thiệt hại cho ngân hàng. Tuy nhiên, nếu món nợ đã quá tệ mà vẫn giữ trên sổ sách với giá trị ảo, thì ngân hàng sẽ chỉ tự giết mình thôi”.
Ông Hiếu phân tích: Mang trong mình một tài sản độc hại với giá trị ảo, ngân hàng sẽ không sống thực bằng cơ thể của mình. Do, ngân hàng vẫn hạch toán lãi dự thu cho những khoản nợ xấu, thực chất là không có.
“Và như vậy lợi nhuận cũng chỉ là ảo”. Giả sử trường hợp cổ đông đòi chia cổ tức khác nào ngân hàng lấy tiền túi ra trả cho mình. “Như vậy, cổ đông vui sướng nhưng lại không biết là mình đang ăn thịt mình”, ông Hiếu đưa ví dụ.
Theo ông Hiếu: Muốn thay đổi được cục diện, chúng ta phải thay đổi cách hành xử với nợ xấu. Nghĩa là phải mua nó với giá trị thực và ngân hàng chịu lỗ.
Ông Hiếu cho biết: thực ra thiệt hại, cái “lỗ” đó đã nằm trong ngân hàng rồi, nhưng bây giờ chỉ là thể hiện rõ ràng trên sổ sách mà thôi. Và bây giờ ngân hàng buộc phải hạch toán cái “lỗ” đó.
“Điều này góp phần làm minh bạch thị trường tài chính và tình trạng ngân hàng hiện nay”, ông Hiếu nhận định.
Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống cuối tháng 6-2016 là 2,58%, mặc dù giảm 0,2% so với tháng 5 nhưng vẫn cao hơn mức 2,55% vào cuối năm 2015.
Thống kê báo cáo tài chính quý II năm 2016 của 15 ngân hàng thương mại mới đây cho thấy, tổng nợ xấu của các ngân hàng này đã tăng 10.420 tỉ đồng so với đầu năm, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,6% lên 1,83%. Trong đó, 11/15 ngân hàng có nợ xấu tăng, đứng đầu là BIDV, Eximbank, Sacombank, SHB.
Cùng vấn đề nợ xấu đang có dấu hiệu gia tăng ở các ngân hàng thì sau hơn ba năm hoạt động, VAMC cũng mới chỉ mới xử lý được khoảng 15% nợ xấu trong tổng số 251.000 tỉ đồng nợ xấu mua vào. Đây chính là thời điểm cần thiết có một phương án khả thi hơn với nợ xấu.
Theo Nguyễn Thoan
BizLIVE
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét