Phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và 35 đồng phạm gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng đã qua hơn 40 ngày xét xử và đang trong thời gian nghị án. Bản án sơ thẩm cho các bị cáo sẽ được Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân Tp. Hồ Chí Minh đưa ra vào ngày 9/9 tới đây.
Trong 36 bị cáo, Hoàng Đình Quyết, cựu giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang bị khởi tố ở hai hành vi cố ý làm trái và cho vay sai quy định.
Về hành vi cố ý làm trái, theo cáo trạng, bị cáo Quyết là người tham gia thực hiện việc rút 5.190 tỷ đồng tại VNCB nhưng không được sự đồng ý và không có chữ ký của chủ tài khoản Trần Ngọc Bích tại VNCB trên các Ủy nhiệm chi; tham gia thực hiện việc phát hành, ủy thác đầu tư trái phiếu trái quy định để rút tiền cho Phạm Công Danh sử dụng, gây thiệt hại cho VNCB. Hoàng Đình Quyết phải chịu trách nhiệm liên đới với số tiền 6.093 tỷ đồng.
Về hành vi vi phạm quy định về cho vay tại các tổ chức tín dụng, bị cáo Hoàng Đình Quyết có vi phạm trong việc đồng ý sử dụng đất đai của Tập đoàn Thiên Thanh để bảo lãnh, cấp tín dụng cho các công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và thẩm định thực tế phương án vay, phương án trả nợ, mục đích sử dụng vốn vay không đúng quy định đối với 10 khoản vay của 8 đơn vị thuộc Tập đoàn Thiên Thanh tổng cộng hơn 2.730 tỷ đồng. Sau khi giải ngân, Quyết điều chuyển các khoản tiền trên theo chỉ đạo của Phạm Công Danh để Danh sử dụng trái mục đích vay vốn, nay không có khả năng thu hồi, gây thiệt hại cho VNCB 905 tỷ đồng.
Tổng cộng ở hai hành vi, bị cáo Hoàng Đình Quyết phải có trách nhiệm với khoản tiền gần 7.000 tỷ đồng.
Tại phiên luận tội, Viện kiểm sát đề nghị tuyên bị cáo Quyết 11-12 năm tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng; cho vay trái quy định tổ chức tín dụng 9-10 năm tù, tổng cộng 20-22 năm tù.
Liên quan đến hành vi cáo buộc cho vay sai quy định, trong các phiên thẩm vấn và tranh tụng, bị cáo Hoàng Đình Quyết vẫn khẳng định các hồ sơ vay của khách hàng gửi đến đều hợp pháp, có hồ sơ pháp lý, có phương án sử dụng vốn, có phương án trả nợ, có tài sản đảm bảo, vốn đối ứng 30% đã được thực hiện… và bị cáo chỉ đạo các nhân viên làm đúng theo trình tự. Còn những vấn đề khác Quyết chỉ làm theo chỉ đạo của Phạm Công Danh.
Liên quan hành vi cố ý làm trái khoản tiền 5.190 tỷ đồng, trong quá trình khai báo và xét hỏi, Hoàng Đình Quyết một mực khẳng định có sự đồng thuận giữa Phạm Công Danh và bà Trần Ngọc Bích nên khoản tiền 5.190 tỷ đồng mới có thể chuyển khỏi tài khoản bà Bích.
Nhưng bị cáo cũng cho rằng, khoản tiền này không chạy ra khỏi ngân hàng mà chạy từ tài khoản bà Bích sang ông Thanh là cha của bà Bích, hay nói cách khác, tiền của bà Bích đã chạy từ túi trái sang túi phải, nhóm bà Bích không mất tiền và bị cáo cũng không nhận mình sai như luận tội. Có chăng, theo bị cáo Quyết, là bị cáo chỉ bị sai vì cho nhóm bà Bích nợ chữ ký, chứng từ, đồng thời nói nếu được tố cáo tại tòa thì bị cáo tố cáo bà Bích vì đã “lợi dụng lòng tốt” của bị cáo.
Về phía ngân hàng VNCB, ngân hàng cũng cho rằng bà Bích có đồng thuận với ông Danh và khoản tiền 5.190 tỷ đồng bị chuyển khỏi tài khoản là trách nhiệm của cá nhân Phạm Công Danh chứ không liên quan ngân hàng. Viện kiểm sát trong ý kiến cuối cùng về khoản tiền này thì đề nghị Hội đồng xét xử cho xử lý bằng cách “tiền ở đâu trả về chỗ đó” tức thu hồi 5.190 tỷ đồng mà Phạm Công Danh đã chuyển cho ông Trần Quý Thanh, và nếu thực hiện như vậy thì đề nghị xem xét giảm án cho các bị cáo.
Khi được nói lời nói sau cùng sáng ngày 30/8 trước khi tòa nghỉ nghị án, bị cáo Quyết nói rằng gia đình bị cáo là gia đình giàu truyền thống, bị cáo chưa từng mong muốn gây ra những sai phạm như ngày hôm nay. Khi vào ngân hàng, dù tình hình khó khăn ngoài sức tưởng tượng nhưng bị cáo vẫn mong muốn đem hết sức mình để cống hiến cho ngân hàng, giúp ngân hàng vượt qua khó khăn. Bị cáo mong mỏi Hội đồng xét xử tạo điều kiện cho bị cáo và các bị cáo khác cơ hội được quay trở lại với xã hội để đóng góp sức mình.
Tùng Lâm
Theo Trí thức trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét