Thứ Tư, 14 tháng 9, 2016

"Từ chối mở thẻ ngân hàng là vi phạm quyền của người khuyết tật"

​Việc từ chối mở thẻ cho người khuyết tật là đang ngăn cản NKT thực hiện quyền công dân, phân biệt đối xử vợi họ...

Sự việc một chi nhánh của Vietcombank từ chối mở thẻ ATM cho 4 người khuyết tật về nghe nhìn bẩm sinh của công ty Kym Việt đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Xoay quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Lê Mai Hương, đại diện một tổ chức tư vấn và phản biện về chính sách cho lao động là người khuyết tật (NKT).

- Mới đây có trường hợp Vietcombank chi nhánh Thành Công từ chối mở thẻ ATM cho 4 nhân viên của công ty Kym Việt – một đơn vị hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội nơi có nhiều người khuyết tật sản xuất thú nhồi bông. Lý do mà cán bộ ngân hàng đưa ra là 4 người kia không đủ năng lực hành vi dân sự, bà có nhận xét gì về động thái từ chối này?

Bà Lê Mai Hương: Trước hết cần khẳng định ngay rằng, trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013 và bộ luật Dân sự sửa đổi đã quy định rõ “không đủ năng lực hành vi dân sự chỉ được khẳng định khi đối tượng hoặc chưa đủ tuổi công dân, hoặc không kiểm soát được hành vi, không có năng lực nhận thức",còn người khuyết tật (NKT) cụ thể về câm, điếc hay còn gọi là khuyết tật nghe nhìn chỉ là bị hạn chế về sức khoẻ, đặc điểm lý tính do khiếm khuyết trên cơ thể gây ra.

Trường hợp 4 bạn ở Kym Việt đã tham gia lao động khi ở tuổi khi được thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người công dân (thể hiện ở hồ sơ xin mở thẻ ATM), họ có khả năng nhìn và hiểu việc mình đến ngân hàng gặp ai, để làm gì trong khi đang làm việc như bao người dân khác. Họ chỉ bị hạn chế về giao tiếp do đặc điểm khuyết tật, nên việc giao tiếp với họ cần có sự hỗ trợ từ phương tiện,hình thức khác (có thể viết ra giấy - Họ đã điền và khai vào form được, nghĩa là biết chữ), nhờ người đi cùng có thể phiên dịch giúp. Nếu chưa tìm được hình thức hỗ trợ thì có thể tư vấn, hẹn giải quyết theo cách khác nhằm đáp ứng được nhu cầu của NKT mà vẫn thực hiện đúng chức năng của ngân hàng.

Việc nhân viên Vietcombank Thành Công từ chối tiếp nhận mở thẻ với lý do không đủ năng lực hành vi dân sự là “ấu trĩ”, thể hiện hành vi hạn chế năng lực nhận thức của chính bản thân cán bộ ngân hàng.

Tức là vấn đề nằm ở ngân hàng?

Đúng vậy. Bài toán lúc này đã đảo ngược tình thế: vị nhân viên ngân hàng kia không đủ năng lực, nhận thức thực hiện hành vi dân sự (không kiểm soát khả năng tự giải quyết) trong khi hệ thống ngân hàng đã được phổ biến và đang triển khai rất nhiều chương trình hỗ trợ, phối hợp có hiệu quả với các luật và chính sách có liên quan đến NKT.

Tôi được biết, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam đã và đang triển khai rất nhiều chương trình dựa trên tinh thần áp dụng hiệu quả các luật và chính sách, trong đó có luật và chính sách liên quan đến NKT, trong đó có cả doanh nghiệp Kym Việt – công ty chuẩn bị trở thành đối tác của ngân hàng này trong thời gian tới.

Vậy phải chăng vị cán bộ ngân hàng kia vô hình chung đã vi phạm quyền của người khuyết tật?

Đây là 1 trường hợp rất điển hình về việc vi phạm quyền của NKT, gây cản trở NKT tham gia vào các hoạt động XH.

Luật NKT đã chỉ rõ: Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.Thái độ khinh thường hoặc thiếu tôn trọng người khuyết tật vì lý do khuyết tật của người đó được coi là kỳ thị NKT.

Cũng theo khoản 3, điều 2 Luật NKT quy định về hành vi phân biệt đối xử người khuyết tật là hành vi xa lánh, từ chối, ngược đãi, phỉ báng, có thành kiến hoặc hạn chế quyền của người khuyết tật vì lý do khuyết tật của người đó.

Còn trong công ước quốc tế về quyền của NKT tại điểm H. đã thừa nhận rằng phân biệt đối xử chống lại bất kỳ người nào trên cơ sở sự khuyết tật là vi phạm phẩm giá vốn có của con người, ( ngày 28 tháng 11 năm 2014, Quốc hội VN đã ban hành nghị quyết Về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật).

Bản công ước này đã quy định rõ: Các Quốc gia phải hành động để đảm bảo NKT được hưởng đầy đủ các quyền bình đẳng như những người khác và dựa trên nguyên tắc, không ai bị phân biệt đối xử, người khuyết tật cũng có những quyền giống như mọi người khác trong xã hội.

Khi tham gia công ước này, Chính phủ và các cơ quan đảm bảo sẽ thực hiện công ước này với tất cả các biện pháp để đảm bảo không có trường hợp phân biệt đối xử nào với NKT, đảm bảo mọi thứ đều được thiết kế để cho tất cả mọi người cùng sử dụng hoặc có thể thay đổi dễ dàng, áp dụng công nghệ mới để giúp đỡ NKT, cung cấp thông tin thích hợp và dễ tiếp cận cho NKT về những điều sẽ giúp ích cho họ.

Ngoài ra, điều 13 luật NKT quy định về việc tạo điều kiện về việc làm cho NKT. Mục đích mở thẻ của những người kia là để nhận lương nhưng bị ngân hàng từ chối đã vô tình tạo rào cản tiếp cận khả năng lao động của NKT.

Tùng Lâm

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2016

Giá vàng tiếp tục đi xuống

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, giá vàng trong nước tiếp tục giảm nhẹ từ 30 – 50 nghìn đồng/lượng. So với vàng thế giới, hiện tại giá vàng trong nước đang cao hơn khoảng 670 nghìn đồng mỗi lượng.

Giá vàng miếng SJC niêm yết tại CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) sáng nay tại khu vực Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ ở cùng mức giá 36,16 – 36,36 triệu đồng/lượng, khá ổn định so với phiên giao dịch cuối giờ chiều hôm qua. Tại thị trường Hà Nội, giá vàng miếng SJC đang được niêm yết tại công ty PNJ ở mức giá 36,24 – 36,31 triệu đồng/lượng.

Theo đại diện của doanh nghiệp vàng này, lượng giao dịch vàng miếng trong ngày hôm qua không có gì đột biến, do thị trường vàng miếng khá ổn định nên hiện nay một số tổ chức chủ động thu hẹp khoảng cách mua vào và bán ra đối với vàng miếng nhằm kích thích thị trường, cụ thể giá vàng miếng ở PNJ chi nhánh Hà Nội có biên độ chênh lệch giữa mua vào và bán ra chỉ ở mức 70 nghìn đồng/lượng. Đây là mức chênh lệch khá thấp đối với các tổ chức kinh doanh vàng.

Trong khi đó, công ty VBĐQ SJC niêm yết giá vàng miếng ở mức 36,10 – 36,36 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 50 nghìn đồng/lượng so với cuối phiên giao dịch hôm qua. Tập đoàn VBĐQ DOJI niêm yết ở mức 36,24 – 36,31 triệu đồng/lượng, giảm 30 nghìn đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới, giá vàng phiên 5/9 tăng nhẹ khi USD giảm do giới đầu tư giảm đồn đoán Fed nâng lãi suất. Nhưng, đà tăng chững lại vì chứng khoán toàn cầu tăng điểm.

Cuối phiên giao dịch hôm qua, giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.326,33 USD/ounce. Phiên cuối tuần 2/9 giá vàng lên cao nhất 1 tuần ở 1.328,73 USD/ounce sau khi số liệu việc làm phi nông nghiệp tháng 8 không như kỳ vọng. Giá vàng giao tháng 12/2016 trên sàn Comex tăng 0,3% lên 1.330,7 USD/ounce.

Trên thị trường châu Á, giá vàng hiện đang xoay quanh mức 1.325 USD/ounce. Quy đổi tương đương 35,69 triệu đồng/lượng, như vậy hiện tại vàng trong nước đang cao hơn thế giới khoảng 670 nghìn đồng/lượng.

Tiến Phương

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Sacombank, Vietcombank và BIDV hấp dẫn lao động nhất trong số các ngân hàng

JobStreet.com Việt Nam vừa công bố bảng xếp hạng TOP 10 công ty được người lao động lựa chọn là nơi mong muốn làm việc nhất.

Đây là kết quả được JobStreet.com thực hiện khảo sát trên 2.500 người lao động từ nhiều ngành nghề và lĩnh vực hoạt động trong quý II/2016 để tìm ra những DN hàng đầu mà họ khao khát được vào làm việc nhất tại Việt Nam.

Dẫn đầu bảng xếp hạng là DN lớn trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) Công ty Unilever Việt Nam; xếp vị trí thứ 2 và 3 lần lượt là Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Tập đoàn Vingroup. Đây là 2 DN niêm yết trong nước có vốn hóa lớn trên thị trường hiện tại.

Bốn vị trí kế tiếp thuộc lĩnh vực công nghệ chia đều cho cả DN nội lẫn ngoại bao gồm: Samsung, FPT, Viettel và Intel. Ba đại diện cuối danh sách này tiếp tục thuộc về lĩnh vực FMCG là Nestle, P&G, Suntory PepsiCo.

Mạng việc làm JobStreet.com Việt Nam cũng thống kê TOP 5 công ty được người lao động mong muốn làm việc theo 4 lĩnh vực phổ biến hiện tại như FMCG, công nghệ thông tin-viễn thông, bán lẻ và tài chính-ngân hàng.

Kết quả cho thấy, có đến 4/5 đơn vị trong bảng xếp hạng của lĩnh vực FMCG thuộc về các tập đoàn đa quốc gia. Đại diện duy nhất của Việt Nam trong TOP 5 là Vinamilk.

Với bảng xếp hạng doanh nghiệp trong mảng công nghệ thông tin-viễn thông (ICT), các công ty Việt Nam có FPT và Viettel lọt vào danh sách ở vị trí thứ 2 và 3. Dẫn đầu danh sách là Samsung Vina, với thế mạnh về sản xuất phần cứng điện thoại thông minh có thị phần lớn nhất Việt Nam hiện tại. Ở vị trí thứ 4 và 5 lần lượt là Intel và Bosch, những DN cũng có thế mạnh về sản xuất phần cứng lớn trên thế giới.

Trong lĩnh vực phân phối-bán lẻ, các DN nội cho thấy sự lấn át với 4 đại diện là Vingroup, FPT Shop, Viettel Store và Thế giới Di động ở 4 vị trí đầu bảng. Đại diện nước ngoài duy nhất góp mặt là Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản - AEON.

Trong khi đó, ở lĩnh vực tài chính-ngân hàng, 3 vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng đều thuộc về các ngân hàng nội địa. Đứng ở vị trí thứ nhất và thứ 2 là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Đứng thứ 3 là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Song song với việc tổng hợp bảng xếp hạng những DN được người lao động mong muốn làm việc nhất, JobStreet.com Việt Nam cũng tìm hiểu thêm những lý do khiến các DN trên trở nên hấp dẫn trong mắt người lao động đến như vậy.

Khá bất ngờ khi các yếu tố liên quan đến lương, thưởng và phúc lợi không phải là những yếu tố hàng đầu được người lao động lựa chọn. Theo đó, có cơ hội rộng mở để phát triển, thăng tiến nghề nghiệp là yếu tố được nhiều người lao động ưu tiên (chiếm 50,7% tổng số bình chọn). Yếu tố thứ 2 khiến người lao động mong muốn được làm việc tại các DN trên là cơ hội được đào tạo một các chuyên nghiệp (44.8%). Các yếu tố về phúc lợi hấp dẫn (44,3%) và mức lương cạnh tranh (33,5%) lần lượt đứng ở vị trí thứ 3 và 4.

Theo Chinhphu.vn

Đọc tiếp »

Mất tiền trong tài khoản, chờ 60 ngày mới giải quyết?

Trong khi các chủ thẻ sốt ruột sau khi tiền trong tài khoản bỗng dưng “bốc hơi” thời gian gần đây, các ngân hàng (NH) lại yêu cầu phải chờ... 60 ngày để xem xét.

Phản ảnh với chúng tôi, chị Phạm Thị Minh Hạnh cho biết khoảng 8g tối 1-9, chị nhận được tin nhắn của Vietcombank cho biết thẻ Visa debit của chị bị trừ hơn 22 triệu đồng dù lúc đó chị đang giữ thẻ trong tay.

“Khi sự việc xảy ra, tôi đã gọi điện lên tổng đài nhưng liên hệ rất khó khăn, cuối cùng mới gặp được nhân viên trực tổng đài để yêu cầu khóa thẻ. Rất may hạn mức chuyển tiền tối đa của tôi mỗi ngày chỉ hơn 20 triệu đồng, chứ nếu không số tiền tôi bị mất không dừng lại ở mức như vậy”, chị Hạnh nói.

Tuy nhiên, sau khi khóa thẻ, chị Hạnh tiếp tục nhận được các tin nhắn cho biết thẻ của chị bị sử dụng để thanh toán nhưng không thành công. “Sáng 5-9, tôi lên làm việc nhưng NH nói phải chờ 60 ngày mới trả lời”, chị Hạnh nói.

Tương tự, anh Lại Huy Đạt (Bình Thạnh) cho biết trước khi nộp 18 triệu đồng vào tài khoản được mở tại ACB ngày 10-8, anh đã cẩn thận đổi ba lần mật khẩu nhưng không hiểu sao sau đó anh nhận được ba tin nhắn với nội dung thông báo rút hết toàn bộ 18 triệu đồng.

Anh Đạt đã khiếu nại NH nhưng NH cũng yêu cầu anh chờ trong 60 ngày.

Trong khi các chủ thẻ cho rằng bị mất tiền mà NH lại yêu cầu chờ đến 60 ngày là quá lâu, lẽ ra cần xử lý sớm hơn nhưng trao đổi với chúng tôi, các NH cho rằng cần thời gian để tra soát giao dịch.

Đại diện Vietcombank cho biết sau khi tra soát giao dịch, nếu không phải do chủ thẻ thực hiện, chủ thẻ không cần phải thanh toán, NH sẽ đòi lại tiền của bên bán và hoàn trả lại cho khách hàng.

“NH cũng hiểu là khách hàng nóng ruột nhưng theo quy định của các tổ chức thẻ quốc tế, thời gian trả lời các tra soát là trong vòng 45 ngày. Trong trường hợp bên đối tác không trả lời, NH sẽ áp dụng biện pháp khác. Do vậy thời gian 60 ngày là hợp lý. Trong trường hợp chủ thẻ cần tiền để chi tiêu gấp, NH xem xét cách giải quyết”, vị đại diện này nói.

Với trường hợp anh Đạt, đại diện ACB cũng cho biết đang thực hiện tra soát. Trường hợp khiếu nại của khách hàng là đúng, NH sẽ hoàn trả tiền cho khách hàng. Được biết ngày 9-9, NH sẽ có buổi làm việc với anh Đạt để giải quyết vụ việc.

Theo A.H.

Tuổi trẻ

Đọc tiếp »

Một vài ngân hàng đang phải lên "dây cót" huy động vốn

Có ngân hàng liên tục điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm nhằm thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư bởi trong thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng huy động vốn của nhà băng này giảm rất mạnh.

Mới đây, trên thị trường đã xuất hiện một vài ngân hàng rục rịch tăng lãi suất huy động nhằm cân đối nguồn vốn đẩy ra nền kinh tế.

Theo khung lãi suất mới nhất được áp dụng từ ngày 1/9, VPBank lại điều chỉnh lãi suất ở các kỳ hạn ngắn.

Cụ thể, ngân hàng tăng lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng thêm 0,2% từ 4,8% lên 5,0%; tăng lãi suất huy động kỳ hạn 2 tháng thêm 0,2% từ 5,0% lên 5,2%; tăng lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng thêm 0,1% từ 5,2% lên 5,3%.

Ở các khoản tiền gửi lớn từ 5 tỷ trở lên, hiện lãi suất huy động kỳ hạn 5 tháng là 5,5%, kỳ hạn 6 tháng 6,5%, kỳ hạn 7 tháng 6,6%, kỳ hạn 8-11 tháng 6,7% và kỳ hạn 12 tháng 6,9%. Bên cạnh đó, VPBank cũng điều chỉnh tăng 0,1% lần lượt đối với các kỳ hạn 13 và 15 tháng, lên 7%.

Trước đó, hồi đầu tháng 7, biểu lãi suất huy động mới áp dụng từ ngày 01/07/2016, VPBank điều chỉnh tăng ở hầu hết các kỳ hạn, trong đó kỳ hạn 5-12 tháng tăng 0,3% so với biểu lãi suất áp dụng từ cuối tháng 5.

Sau khi đi ngược chiều với hàng loạt ngân hàng khác - họ chạy đua tăng lãi suất thì VPBank lại giảm nhẹ lãi suất tiết kiệm thì bắt đầu từ tháng 7 đến nay, nhà băng này liên tục điều chỉnh tăng trở lại.

Một trường hợp khác, từ cuối năm trước đến nay Eximbank là ngân hàng luôn cần mẫn tăng lãi suất huy động. Ngày 25/8, Eximbank đã điều chỉnh tăng bảng lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng ở mức 4,6%; kỳ hạn 2 tháng và 3 tháng lần lượt ở mức 4,8% và 5,2%, đặc biệt là kỳ hạn 7 tháng lên 5,9%, kỳ hạn 9 tháng lên 6%.

Ở kỳ hạn 13 tháng, lãi cuối kỳ, đối với tài khoản tiền gửi, tiết kiệm mở mới với mức gửi từ 500 tỷ đồng trở lên, lãi suất của ngân hàng lên tới 7,5%/năm. Đây cũng là mức lãi suất hấp dẫn nhất trên hệ thống hiện nay.

Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, việc tăng lãi suất chỉ là hiện tượng nhỏ lẻ tại một vài ngân hàng như Maritime Bank, Đông Á,...muốn thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư, những ngân hàng quốc doanh, lãi suất vẫn đang đứng yên.

Những ngân hàng trên tăng lãi suất đầu vào cũng là điều dễ hiểu bởi tốc độ tăng trưởng huy động vốn của họ giảm hoặc tăng trưởng rất thấp trong thời gian gần đây. Ví dụ như VPBank. Trong nửa đầu năm, cho vay khách hàng đạt 118 nghìn tỷ đồng, tăng vỏn vẹn 1,7%. Tiền gửi của khách hàng cũng chỉ ở mức ngang bằng số cho vay khách hàng - 118 nghìn tỷ đồng, giảm 9% so với đầu năm, trái ngược hoàn toàn so với các ngân hàng khác, huy động vốn luôn tăng trưởng ở mức cao.

Trong khi đó, Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, tính đến cuối tháng 8, vốn huy động của các tổ chức tín dụng tăng khoảng 11% so với đầu năm, nhưng tín dụng chỉ tăng ở mức tương đương so cùng kỳ năm trước 9,2% và chưa có dấu hiệu bứt phá trong quý 3 năm nay. Điều này cho thấy ngân hàng đang dư thừa tiền và không cho vay được.

Trên thị trường liên ngân hàng, báo cáo mới đây cho thấy, lãi suất liên ngân hàng đang ở mức thấp nhất trong lịch sử. Vài năm qua, mức lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng tụt xuống dưới 2% đã được coi là thấp. Nhưng trong nhiều tuần qua, mức lãi suất này vẫn liên tiếp giảm dần, đến nay giảm mạnh về mức thấp kỷ lục trong lịch sử nhiều năm trên thị trường tiền tệ sơ cấp: dưới 0,5%/năm. Điều này cho thấy các ngân hàng tiếp tục dư thừa thanh khoản trong hệ thống.

Kim Tiền

Theo Trí thức trẻ

Đọc tiếp »

Tín dụng tiêu dùng gây chú ý vì dễ vay, linh hoạt

Ở Việt Nam, dịch vụ này chỉ mới nở rộ trong thời gian gần đây và chiếm khoảng gần 12%/tổng dư nợ, nhưng cho vay tiêu dùng gây chú vì điều kiện hấp dẫn nhưng lãi suất luôn cao.

“Cho vay tiêu dùng được nhận định là lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng để phát triển, tuy nhiên do công tác truyền thông chưa tốt nên không mấy người tường tận về bản chất của tín dụng tiêu dùng” - Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Chiến lược ngân hàng khẳng định như vậy khi trao đổi với PV .

PV: Thưa ông, gần đây trong dư luận đang lùm xùm câu chuyện lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính (CTTC) quá cao. Là chuyên gia trong lĩnh vực này, ông nhận định ra sao về vấn đề này?

Ông Phạm Xuân Hoè: Gần đây tôi cũng có nghe nhắc tới và có trực tiếp theo dõi một số vụ việc liên quan đến phàn nàn của khách hàng rằng lãi suất vay tiêu dùng của các CTTC quá cao. Qua quan sát, tôi khẳng định rằng đây là nhóm khách hàng có mức độ rủi ro cao, nên khi ký hợp đồng vay họ phải chịu lãi suất cao hơn một số nhóm khách hàng khác. Theo thống kê của một số các CTTC thì cho thấy, khoản vay có lãi suất cao chỉ cỡ khoảng trên 10%/tổng dư nợ. Như vậy số khách hàng phải chịu mức lãi suất cao là không quá lớn trong tổng thể cho vay tiêu dùng của các CTTC.

PV: Từng trực tiếp làm việc tại ngân hàng thương mại (NHTM), nay chuyển sang làm công tác nghiên cứu, xây dựng chính sách, ông có thể cho biết rõ nguyên nhân nào khiến lãi suất cho vay tiêu dùng lại cao?

Ông Phạm Xuân Hoè: Theo tôi, ngoài yếu tố rủi ro dẫn tới lãi suất cao, hoạt động định giá cho vay tiêu dùng cũng rất khác với các lĩnh vực cho vay khác.

Thứ nhất nguồn lãi suất đầu vào của các CTTC thường cao, bởi do không được phép huy động tiền gửi từ dân cư, nguồn vốn hoạt động của họ chủ yếu bằng vốn tự có hoặc thông qua phát hành trái phiếu trên thị trường.

Thứ hai, chi phí hoạt động của các CTTC là khá cao do bởi tuy trụ sở chính ở các thành phố lớn nhưng điểm giới thiệu dịch vụ và cho vay của họ lại trải khắp toàn quốc, đặc thù đó buộc họ phải thiết lập được một đội ngũ nhân viên hùng hậu và đông đảo để đáp ứng được mọi nhu cầu của người dân. Trong khi, một món vay dù lớn hay nhỏ lẻ cũng phải trải qua quy trình làm hồ sơ, cho dù thủ tục của CTTC có đơn giản hơn so với các NHTM song vẫn phải thiết lập một bộ máy để quản lý, theo dõi món vay, làm thủ tục cho vay...

Ví như với món vay 1 triệu đồng thì chi phí công tác trả cho cán bộ tín dụng ở CTTC là 50.000 đồng. Theo đó, phí lãi suất sẽ là 5%/năm; cộng với mua bản vấn tin của Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia (CIC) khoảng 30-50 nghìn đồng. Chỉ riêng chừng đó thôi cộng lại cũng đã đẩy lãi suất lên cao hơn so với lãi suất của NHTM..

Thứ ba, khác với NHTM, CTTC phải trích phần bù rủi ro tín dụng. Bởi vì, phần lớn khách hàng của họ đều là những người dưới chuẩn vay ngân hàng, các món vay lại chủ yếu là thông qua tín chấp bằng giấy tờ tùy thân, cho nên rủi ro đối với món vay đó sẽ rất cao. Theo nguyên lý, để thống kê rủi ro, CTTC phải thống kê rủi ro trong lịch sử, xác suất vỡ nợ của khách hàng là bao nhiêu, sau đó tính ra được phần bù rủi ro. Và khoản bù rủi ro này sẽ cộng vào lãi suất món vay.

Thứ tư, là phần bù rủi ro thanh khoản. Khi các CTTC thực hiện các khoản cho vay trung dài hạn, mua xe máy, phương tiện đắt tiền, thì rõ ràng món vay cũng đã mang tính chất có thời hạn trung hạn, trong khi nguồn vốn các công ty TCTD huy động qua trái phiếu cùng lắm cũng chỉ 1 năm. Như vậy, họ phải quay 3 lần, 5 lần nguồn vốn huy động 1 năm mới đáp ứng được nhu cầu khoản vay từ 3-5 năm. Chính điều này đã làm chi phí cho phần thanh khoản gia tăng, khiến cho lãi suất vay tiêu dùng tăng.

Cuối cùng là lợi nhuận biên của CTTC trong bán lẻ rõ ràng bao giờ cũng phải đạt tỷ lệ cao hơn. Do tích góp món rất nhỏ, cho nên nếu không có lợi nhuận biên cao thì CTTC không đủ bù đắp hoàn vốn cũng như tích lũy vốn cho mình, chưa kể đã là doanh nghiệp thì họ còn phải đóng thuế…

PV: Nói như vậy, yêu cầu mà khách hàng đặt ra cho CTTC đang có phần khắt khe, thưa ông?

Ông Phạm Xuân Hoè: Ở đây, chúng ta cần phải tách bạch rõ ràng giữa những chính sách hỗ trợ với cho vay theo nguyên tắc của kinh tế thị trường. Đã kinh doanh thì buộc phải tuân theo nguyên lý thị trường, lợi nhuận phải đủ bù đắp chi phí và rủi ro, tái tạo bộ máy phát triển và đóng góp nghĩa vụ vào ngân sách nhà nước. Nghĩa là, đã kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, nguyên tắc tiên quyết là không được lẫn lộn trong câu chuyện bảo vệ người yếu thế, thu nhập thấp trong việc chủ động chính sách. Nếu không khách quan, không cẩn thận sẽ làm méo mó về mặt chính sách!

Trên thực tế, sự đóng góp của tín dụng tiêu dùng đối với nền kinh tế là không nhỏ, nó đã mang lại nhiều điều tốt đẹp, hỗ trợ cho người vay, giúp nhiều hộ gia đình công nhân tích lũy tài sản, chi tiêu thông minh nhất. Ví như hai vợ chồng cùng làm công nhân ở khu công nghiệp. Với tổng thu nhập từ 7-8 triệu đồng/tháng, nếu muốn mua 1 chiếc xe máy có giá 15 triệu đồng thì phải tiết kiệm trong thời gian rất lâu mới có thể mua được. Tuy nhiên, khi vay tín dụng tiêu dùng, họ sẽ được sở hữu ngay chiếc xe máy mình cần và chỉ việc tích lũy trả dần bằng chính thu nhập của mình. Về mặt vi mô, điều này đã tác động tích cực tới việc tích lũy tài sản, khiến cho việc chi tiêu có kế hoạch hơn, thông minh hơn trong cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, cũng có thể có một số trường hợp, tình huống là khi được CTTC giải quyết nhu cầu vay, khách hàngquên không nghiên cứu kỹ hợp đồng mà cứ thế ký. Đến khi muốn trả trước món nợ vay thì bị tính phí trả trước, hoặc quá hạn lại bị tính lãi phạt thì kêu ca phàn nàn là CTTC không thông báo rõ những quy định trên. Tuy nhiên, cuộc sống muôn màu, muôn vẻ, có mặt tốt thì tất yếu sẽ có mặt không mong muốn xảy ra, không bao giờ sự việc tròn vo và đẹp đẽ ngay được..

PV: Vậy theo ông, phải làm sao để có thể hài hòa lợi ích của cả khách hàng lẫn CTTC, nhất là để khách hàng tự bảo vệ mình khi thực hiện hợp đồng vay vốn?

Ông Phạm Xuân Hoè: Ở đây, chúng ta phải đề cập tới câu chuyện giáo dục tài chính toàn diện cho người dân, trong đó có vai trò của các cơ quan nhà nước, cũng như của các cơ quan truyền thông, để giúp người dân tiếp cận được những kiến thức đơn giản về tài chính. Cách quản lý đơn giản nhất là phải minh bạch những điểm mấu chốt như: niêm yết lãi suất, phương thức thu hồi lãi, phí phạt, phí trả trước…

Tóm lại là tất cả những nội dung quan trọng để quan hệ giữa khách hàng và tổ chức cho vay phải thực sự bình đẳng, không thiên vị bất cứ bên nào. Vì đây là hợp đồng dân sự thỏa thuận, nên phải khách quan giữa hai bên. Khi các cơ quan nhà nước quan tâm chuẩn hóa các hợp đồng, thì tự họ sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật. Làm như vậy thì thị trường sẽ tự giải quyết, còn bàn tay của Nhà nước là kiến tạo, quản lý nó theo xu hướng phát triển.

Hiện nay ở một số nước như Philipines, Ấn Độ, Malaysia… tỷ lệ cho vay tiêu dùng chiếm tới 25-30%/tổng dư nợ. Tuy nhiên, ở Việt Nam, dịch vụ này chỉ mới nở rộ trong thời gian gần đây và chiếm khoảng gần 12%/tổng dư nợ (Số liệu đến cuối năm 2015). Như vậy, mức độ tăng trưởng là rất thấp so với các nước và còn có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Xét về ý nghĩa đối với kinh tế vĩ mô, vay tiêu dùng đã góp phần kích cầu, tăng tổng cầu, hỗ trợ phát triển kinh tế, trong khi về ý nghĩa vi mô, nó đã giúp cho một nhóm khách hàng không đủ các điều kiện đáp ứng được chuẩn rủi ro của NHTM thì chuyển sang vay các công ty tài chính hay các công ty phi tài chính.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Đức Kiên (thực hiện)

Infonet

Đọc tiếp »

Dùng tiền ngân sách xử lý nợ xấu có phải là phương án khả thi?

Một trong những điểm gây bàn cãi trong Dự thảo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đề xuất sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu. Liệu đề xuất này có khả thi? Và làm sao để sử dụng ngân sách xử lý nợ xấu?

Đề xuất sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó có ý kiến cho rằng: dùng ngân sách xử lý nợ xấu là “dùng tiền công lo việc tư”.

Trả lời ý kiến trên, ông Dương Quốc Anh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Ủy ban Kinh tế chưa nhận được tờ trình nào về vấn đề này.

Tuy nhiên, theo ông Quốc Anh, kinh nghiệm của các nước là các tổ chức tín dụng phải có trách nhiệm xử lý nợ xấu. Nếu trong điều kiện khủng hoảng, các ngân hàng, tổ chức tín dụng không xử lý nổi nợ xấu thì sẽ bán lại cho cơ quan quản lý nợ xấu nhà nước theo giá thị trường.

“Ở nước ta hiện nay cũng đang hành xử với nợ xấu ngân hàng theo cách này”, ông Quốc Anh nhận định.

Chúng ta cần xác định có 4 nguồn chính cung cấp nguồn lực cho quốc gia: từ hộ gia đình, từ doanh nghiệp, từ ngân sách và từ nhà đầu tư nước ngoài, ông Quốc Anh cho biết.

Tuy nhiên, ông cũng nhận định “Nguồn lực để xử lý được nợ xấu hiện nay ở nước ta chủ yếu phải dựa vào ngân sách nhà nước”. Bởi doanh nghiệp trong nước còn nhỏ yếu, nhà đầu tư nước ngoài thì vướng ở quyền sử dụng đất nên họ không mặn mà.

Xử lý nợ xấu ở Việt Nam qua vài năm đã hiện ra nhiều vướng mắc, khó khăn. Đó cũng là lý do tại sao nợ xấu ở VAMC vẫn rối như mớ bòng bong. Vậy, nút thắt của nợ xấu ở đâu?

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết: Từ trước tới giờ Việt Nam chưa thực sự có thị trường mua bán nợ xấu. Mua nợ xấu ở đây vẫn là VAMC mua, rồi phát hành trái phiếu đặc biệt cho ngân hàng. Vậy là, dù bán nợ đi nhưng ngân hàng không được gì ngoài tờ giấy trái phiếu đặc biệt. “VAMC chỉ như bãi đỗ xe của nợ xấu mà thôi”.

Nhận xét về đề xuất dùng ngân sách xử lý nợ xấu, ông Hiếu cho rằng đây là một phương án rất khả thi. Tuy nhiên, phải có phương án rõ ràng.

“Chúng ta cần xây dựng thị trường mua bán nợ xấu minh bạch, rõ ràng và mang tính thị trường. Nghĩa là nợ xấu được mua bằng tiền tươi thóc thật, ngân hàng bán nợ xấu sẽ nhận được tiền mặt”, ông Hiếu hiến kế.

Phân tích thêm, ông Hiếu cho biết: từ trước tới giờ VAMC mua với giá trị nợ xấu trên giấy tờ, trừ chi phí dự phòng. Bây giờ, dùng ngân sách thì cần mua bằng giá thị trường, giá trị thật của khoản nợ. “Nghĩa là bây giờ mua nợ xấu cần triết khấu và triết khấu có thể lên tới 90%, còn lại 10% giá trị thực”.

“Nếu không làm được như vậy thì khó mà đi vào thực chất của vấn đề”, ông Hiếu khẳng định.

Trước quan ngại về vấn đề, nếu triết khấu và mua với giá trị thấp như vậy thì các ngân hàng sẽ “thiệt hại” lớn, ông Hiếu cho biết: “Đây đúng là sự thiệt hại cho ngân hàng. Tuy nhiên, nếu món nợ đã quá tệ mà vẫn giữ trên sổ sách với giá trị ảo, thì ngân hàng sẽ chỉ tự giết mình thôi”.

Ông Hiếu phân tích: Mang trong mình một tài sản độc hại với giá trị ảo, ngân hàng sẽ không sống thực bằng cơ thể của mình. Do, ngân hàng vẫn hạch toán lãi dự thu cho những khoản nợ xấu, thực chất là không có.

“Và như vậy lợi nhuận cũng chỉ là ảo”. Giả sử trường hợp cổ đông đòi chia cổ tức khác nào ngân hàng lấy tiền túi ra trả cho mình. “Như vậy, cổ đông vui sướng nhưng lại không biết là mình đang ăn thịt mình”, ông Hiếu đưa ví dụ.

Theo ông Hiếu: Muốn thay đổi được cục diện, chúng ta phải thay đổi cách hành xử với nợ xấu. Nghĩa là phải mua nó với giá trị thực và ngân hàng chịu lỗ.

Ông Hiếu cho biết: thực ra thiệt hại, cái “lỗ” đó đã nằm trong ngân hàng rồi, nhưng bây giờ chỉ là thể hiện rõ ràng trên sổ sách mà thôi. Và bây giờ ngân hàng buộc phải hạch toán cái “lỗ” đó.

“Điều này góp phần làm minh bạch thị trường tài chính và tình trạng ngân hàng hiện nay”, ông Hiếu nhận định.

Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống cuối tháng 6-2016 là 2,58%, mặc dù giảm 0,2% so với tháng 5 nhưng vẫn cao hơn mức 2,55% vào cuối năm 2015.

Thống kê báo cáo tài chính quý II năm 2016 của 15 ngân hàng thương mại mới đây cho thấy, tổng nợ xấu của các ngân hàng này đã tăng 10.420 tỉ đồng so với đầu năm, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,6% lên 1,83%. Trong đó, 11/15 ngân hàng có nợ xấu tăng, đứng đầu là BIDV, Eximbank, Sacombank, SHB.

Cùng vấn đề nợ xấu đang có dấu hiệu gia tăng ở các ngân hàng thì sau hơn ba năm hoạt động, VAMC cũng mới chỉ mới xử lý được khoảng 15% nợ xấu trong tổng số 251.000 tỉ đồng nợ xấu mua vào. Đây chính là thời điểm cần thiết có một phương án khả thi hơn với nợ xấu.

Theo Nguyễn Thoan

BizLIVE

Đọc tiếp »